Hoạt động tín dụng của Ngân hàng Phát triển

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM - CHI NHÁNH CAO BẰNG (Trang 31 - 33)

Hoạt động tín dụng của Ngân hàng Phát triển được trình bày như sau:

1.1.4.1. Cho vay

Cho vay là một hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào một mục đích và trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận và dựa trên nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Thời hạn nhất

định ở đây là thời hạn cho vay (thời hạn tín dụng), được xác định từ khi khách hàng nhận vốn vay cho đến khi khách hàng trả hết nợ gốc và lãi của món vay đó và đã được thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.

NHPT cho vay chủ yếu đối với dự án phát triển nên phần lớn là các khoản cho vay trung và dài hạn tức là các món vay có thời hạn tín dụng từ 12 tháng trở lên.

Các dự án phát triển mà NHPT cho vay bao gồm các dự án do NHPT khai thác, tìm kiếm trên thị trường và các dự án được chỉ định trước của Chính phủ. Tùy từng loại hình tổ chức của NHPT mà tỷ trọng hai loại dự án có thể khác nhau. Nếu NHPT phụ thuộc chặt chẽ vào Chính phủ thì tài trợ cho các dự án trong kế hoạch của Chính phủ lớn hơn phần tài trợ cho các dự án NHPT tự tìm kiếm và ngược lại.

Hình thức cho vay của NHPT đối với các dự án có thể là cho vay toàn bộ nhu cầu vốn của dự án, cho vay một phần dự án để tài trợ cho một hạng mục nhất định, cho vay đồng tài trợ với các trung gian tài chính khác với tư cách là ngân hàng đầu mối… NHPT quyết định hình thức cho vay đối với dự án căn cứ vào nhu cầu vốn của dự án, khả năng hoàn trả của dự án và chủ đầu tư, mức độ rủi ro của dự án, khả năng sinh lời của dự án…

NHPT là tổ chức hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận không có nghĩa là lãi suất cho vay luôn thấp hơn lãi suất huy động. NHPT không đặt mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận lên trên hết, tuy nhiên để đảm bảo ngân hàng hoạt động bền vững và phát triển thì vấn đề lợi nhuận phải được tính toán ở mức độ thích hợp sao cho doanh thu vẫn đảm bảo bù đắp chi phí, lợi nhuận có thể thấp hơn so với các doanh nghiệp và loại hình ngân hàng khác. Lãi suất cho vay có thể cố định hoặc thả nổi theo lãi suất thị trường, có thể thay đổi tùy thuộc vào các giai đoạn của dự án.

Đồng thời, do phần lớn các dự án phát triển là những dự án đầu tư mới, tài sản hình thành từ vốn vay (nhà máy, đường giao thông, bến cảng…) rất khó định giá và khó bán nên NHPT thường yêu cầu đảm bảo tiền vay bởi Chính phủ và chủ đầu tư của dự án (các Bộ, Tổng công ty, các cấp chính quyền…). NHPT giải ngân vốn cho dự án căn cứ vào tiến độ xây dựng, tiến độ nhập máy móc thiết bị, kết quả thực hiện các hạng mục… Các kỳ hạn trả nợ được ngân hàng xác định căn cứ vào

các nguồn thu của dự án, của chủ đầu tư (đối với các dự án không tạo ra nguồn thu trực tiếp) và khả năng chuyển hoán nguồn của ngân hàng.

1.1.4.2. Bảo lãnh

Bảo lãnh là việc NHPT cam kết với TCTD cho vay vốn về việc trả nợ đầy đủ, đúng hạn của bên đi vay; theo đó nếu bên đi vay không trả được nợ hoặc trả không đủ nợ khi đến hạn thanh toán thì NHPT sẽ trả nợ thay cho bên đi vay.

Trong hoạt động bảo lãnh, thời hạn và số vốn bảo lãnh được xác định tương tự đối với hoạt động cho vay thông thường của ngân hàng trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Tùy thuộc vào mức độ rủi ro của dự án và tình hình tài chính của khách hàng thì ngân hàng có thể yêu cầu phải có tài sản đảm bảo cho khoản bảo lãnh. Khách hàng sẽ phải trả phí bảo lãnh cho NHPT. Nếu NHPT phải trả nợ thay cho khách hàng thì sau khi trả nợ thay, ngân hàng được quyền tiếp nhận khoản tín dụng đó và khách hàng phải nhận nợ với NHPT. NHPT khi đó được quyền thực hiện các biện pháp để thu hồi vốn theo Hợp đồng bảo lãnh đã ký và quy định của pháp luật.

1.1.4.3. Hỗ trợ sau đầu tư

Hoạt động hỗ trợ sau đầu tư là một hoạt động riêng có đặc thù của NHPT. Theo đó, đối với các dự án nằm trong Danh mục dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước nhưng không vay vốn của NHPT mà vay vốn của các Tổ chức tín dụng khác thì sẽ được ngân hàng hỗ trợ một phần lãi suất vay tại các trung gian tài chính khác.

Các dự án được hỗ trợ bao gồm (i) các dự án đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, (ii) các dự án phát triển nông nghiệp – nông thôn, (iii) các dự án đầu tư tại các vùng, miền có tình hình kinh tế – xã hội khó khăn, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo…

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM - CHI NHÁNH CAO BẰNG (Trang 31 - 33)