Đẩy mạnh công tác thu hồi nợ vay

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM - CHI NHÁNH CAO BẰNG (Trang 101 - 103)

Công tác thu hồi nợ vay luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu đối với Chi nhánh NHPT Cao Bằng. Để công tác thu hồi nợ vay có hiệu quả, hạn chế phát sinh nợ quá hạn đối với các dự án đầu tư, thu hồi nợ vay đúng hạn thì ngoài việc tổ chức thực hiện tốt quy chế cho vay và quy trình nghiệp vụ, Chi nhánh phải áp dụng các biện pháp quyết liệt và triệt để trong công tác này. Cụ thể là:

Qua thực tiễn thu nợ, Lãnh đạo chi nhánh cần chỉ đạo cho các phòng nghiệp vụ tiến hành tổng kết đúc rút kinh nghiệm, đánh giá những mặt tồn tại, hạn chế và xây dựng quy định về công tác thu nợ lưu hành nội bộ. Tăng cường kiểm tra quá trình thực hiện của các phòng nghiệp vụ và cán bộ tín dụng trong công tác thu nợ. Sau khi NHPT Việt Nam thông báo nhiệm vụ thu nợ trong năm, tiến hành giao kế hoạch thu nợ trong năm cho phòng Tín dụng và đến từng cán bộ tín dụng để tìm các giải pháp thu hồi nợ vay theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký.

Lãnh đạo các phòng Tín dụng cần phải đôn đốc và kiểm tra quá trình thu nợ của cán bộ tín dụng, yêu cầu cán bộ tín dụng báo cáo cụ thể về từng trường hợp dự án có phát sinh nợ quá hạn, nêu rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp để thu hồi nợ vay cho phù hợp với tình hình thực tế của dự án, thực hiện phối hợp đồng bộ với tổ thu nợ để cùng đưa ra các biện pháp thu nợ tốt nhất. Đề xuất kịp thời cho Lãnh đạo Chi nhánh tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi công tác thu nợ cũng như những khó khăn vướng mắc của chủ đầu tư. Tổ chức và thực hiện kịp thời, chính xác việc phân loại nợ vay, quá trình xử lý kết quả phân loại nợ cần phân

tích kỹ tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính, nguồn trả nợ của chủ đầu tư và nguyên nhân không trả được, đề ra biện pháp thu nợ kịp thời có hiệu quả trong từng thời kỳ.

Cán bộ tín dụng cần nắm chắc tình hình thực hiện của dự án, theo dõi chặt chẽ tình hình tài chính của chủ đầu tư, thông qua nhiều nguồn thông tin để tìm hiểu các vấn đề liên quan đến dự án và chủ đầu tư. Thường xuyên kiểm tra dự án, bám cơ sở để thu nợ, xác định tư tưởng và ý thức trách nhiệm trả nợ vay của chủ đầu tư, tìm các giải pháp đề xuất với Lãnh đạo chi nhánh tháo gỡ khó khăn; khi có sự cố xảy ra phải nắm bắt và báo cáo kịp thời cho trưởng phòng và Lãnh đạo chi nhánh để có biện pháp xử lý kịp thời phù hợp. Xây dựng cụ thể chương trình công tác trong tháng, có chia ra thời gian làm việc tại cơ quan và thời gian đi cơ sở để đôn đốc thu nợ.

Đẩy mạnh tuyên truyền đối với các chủ dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua chính quyền cơ sở để chủ dự án nhận thức đầy đủ về chính sách tín dụng cho vay của Nhà nước, sự khác nhau của việc cho vay ưu đãi của hệ thống NHPT với việc cho vay của các NHTM, từ đó chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay của mình. Nếu chủ đầu tư có biểu hiện chây ỳ, có khả năng trả nợ nhưng không chịu trả nợ cần phải được xử lý kịp thời theo đúng quy định hiện hành, tiến hành thanh lý các tài sản bảo đảm tiền vay hoặc các chế tài cần thiết để thu hồi nợ vay, làm gương cho các chủ đầu tư khác.

Tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương có dự án vay vốn tại Chi nhánh, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm trả nợ của chủ đầu tư, phối hợp với Chi nhánh giải quyết các tồn tại đối với các dự án có nợ quá hạn, những dự án phải xử lý tài sản đảm bảo nợ vay để thu hồi nợ. Hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp bằng cách tiếp cận thường xuyên, chặt chẽ với doanh nghiệp để tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, tìm ra được những mặt mạnh, mặt yếu của doanh nghiệp để đề xuất biện pháp tháo gỡ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực của mình. Chi nhánh phải chủ trì phối hợp với các tổ chức tín dụng, chính quyền địa phương để tổ chức các cuộc đối thoại, trao đổi giữa các doanh nghiệp trên địa bàn. Qua đó giúp cho doanh nghiệp có thêm thông tin, cơ

hội tìm kiếm khách hàng, đối tác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm... Phối hợp với các sở, ban ngành, các tổ chức tư vấn tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực cho doanh nghiệp nhằm giúp cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, làm ăn có hiệu quả và trả được nợ cho Chi nhánh theo hợp đồng tín dụng đã ký.

Tổ thu nợ của Chi nhánh đã được thành lập để đốc thu đối với các dự án có nợ quá hạn và lãi treo, những dự án chủ đầu tư có biểu hiện chây ỳ trong trả nợ vay. Tuy nhiên cần phải chọn lọc để đưa vào đó những cán bộ có năng lực thực sự và kinh nghiệm thực tiễn để đốc thu đạt hiệu quả hơn. Tổ thu nợ phải liên tục hoạt động trong cả năm, thay vì chỉ hoạt động vào cuối năm như hiện tại. Trước khi đi thực tế dự án và làm việc với chủ đầu tư, tổ thu nợ phải phối hợp với cán bộ quản lý dự án đánh giá phân tích hồ sơ; tập trung vào phân tích tình hình tài chính của chủ đầu tư, đánh giá về hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án đến thời điểm hiện tại, tìm nguyên nhân làm phát sinh nợ quá hạn... Có như vậy, tổ thu nợ mới có căn cứ và chủ động hơn trong quá trình làm việc với chủ đầu tư, nhờ đó đánh giá chính xác được nguyên nhân dẫn đến phát sinh nợ quá hạn và lãi treo, đồng thời có được ý kiến đóng góp xác đáng cho chủ dự án để có biện pháp tháo gỡ khó khăn hiện tại, qua đó có thể phát hiện được những chủ đầu tư chây ỳ trong trả nợ và cố ý chiếm dụng vốn của NHPT để có biện pháp xử lý kịp thời.

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM - CHI NHÁNH CAO BẰNG (Trang 101 - 103)