Nhóm nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM - CHI NHÁNH CAO BẰNG (Trang 49 - 51)

Thứ nhất, chính sách tín dụng

Các yếu tố của chính sách tín dụng như: Hạn mức tín dụng, lãi suất, kỳ hạn, mức phí, phương thức cho vay, TSĐB, hướng giải quyết nợ khó đòi,... đều tác động trực tiếp đến việc thực hiện các hoạt động của NHPT. Với chính sách hợp lý, đúng đắn, linh hoạt, đa dạng... sẽ thu hút được nhiều khách hàng đến xin vay vốn. Ngược lại với chính sách tín dụng cứng nhắc, kém linh hoạt, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sẽ hạn chế việc đi vay của khách hàng và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHPT.

Thứ hai, cơ sở vật chất và công nghệ ngân hàng

Việc trang bị đầy đủ các công nghệ, thiết bị hiện đại phù hợp với nhu cầu xã hội, phục vụ kịp thời nhu cầu của khách hàng là yếu tố để giúp NHPT có thể nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút được nhiều khách hàng hơn. Với thiết bị hiện đại hoạt động của NHPT sẽ diễn ra suôn sẻ, khả năng nắm bắt diễn biến thị trường sẽ nhanh hơn, quy trình cho vay sẽ diễn ra một cách nhanh gọn, hiện đại giúp NHPT đưa ra được những chiến lược tín dụng phù hợp với nhu cầu của khách hàng nói chung và khách hàng doanh nghiệp nói riêng.

Một ngân hàng có cơ sở vật chất và công nghệ càng hoàn thiện, hiện đại thì ngân hàng đó càng nhận dạng được những RRTD tiềm ẩn đối với những khoản tín dụng, đánh giá chính xác tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng doanh nghiệp, dự báo được những RRTD có thể xảy ra,… Từ đó, ngân hàng có những phương án tiếp theo để xử lý một cách phù hợp nhất, góp phần gia tăng chất lượng tín dụng cho vay của ngân hàng.

Thứ ba, chất lượng nhân sự

Chất lượng nhân sự là một yếu tố vô cùng quan trọng trong hoạt động ngân hàng nói chung và trong lĩnh vực tín dụng cho vay nói riêng. Chất lượng nhân sự được thể hiện ở: trình độ nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, khả năng giao tiếp, nhạy bén, nắm bắt tâm tư khách hàng,.... Chất lượng nhân sự có cao thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc, mới thực hiện được tốt việc thẩm định, giảm thiểu được rủi ro cho NHPT. Mặt khác, cán bộ quản lý phải có đạo đức nghề nghiệp tốt, nếu không sẽ đưa lại những tổn hại cho NHPT. Sự thân thiện và cởi mở của cán bộ quản lý sẽ làm cho khách hàng hài lòng và tin tưởng hơn vào ngân hàng.

Để có được nguồn nhân lực phù hợp, ngân hàng cũng liên tục cải thiện hệ thống quản trị nguồn nhân lực. Ngoài cơ chế tuyển dụng, đào tạo, thì các chế độ khuyến khích, thưởng phạt là các nội dung quan trọng trong quản trị nguồn nhân lực ngân hàng, trong đó phải kể đến cơ chế thúc đẩy động lực làm việc và trách nhiệm giải trình.

Thứ tư, công tác thẩm định

Thẩm định là giai đoạn khởi đầu và có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo an toàn vốn vay. NHPT sẽ tiến hành thẩm định về tư cách pháp nhân hoặc thể nhân, đánh giá tình hình tài chính, giá trị TSĐB của doanh nghiệp đi vay. Trên cơ sở thẩm định đầy đủ các yếu tố NHPT sẽ quyết định có cho vay hay không, nếu cho vay thì mức cho vay là bao nhiêu, điều này phụ thuộc vào vốn của NHPT có tại thời điểm vay và giá trị TSĐB. Quá trình thẩm định phải chặt chẽ mới giúp NHPT đảm bảo an toàn cho khoản vay, tuy nhiên nếu nó quá nhiều thủ tục phức tạp, rườm rà sẽ làm cho khách hàng đi vay mất quá nhiều thời gian và công sức.

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM - CHI NHÁNH CAO BẰNG (Trang 49 - 51)