8. Tổng quan nghiên cứu:
1.2.1. Khái niệm tín dụng ngân hàng:
Sử Đình Thành, Vũ Thị Minh Hằng (2008). Nhập môn tài chính tiền tệ, Nhà xuất bản lao động xã hội. Tín dụng là một phạm trù kinh tế, ra đời và tồn tại qua nhiều hình thái kinh tế xã hội. Từ “Tín dụng” xuất phát từ tiếng Latinh là Creditium có nghĩa là sự tin tưởng, tín nhiệm, dựa trên sự tin tưởng tín nhiệm đó sẽ thực hiện các quan hệ vay mượn một lượng giá trị biểu hiện dưới hình thái tiền tệ hoặc vật chất trong một thời gian nhất định, ngay cả những giá trị vô hình như tiếng tăng, uy tín để bảo đảm, bảo lãnh cho sự vận động của một lượng giá trị nào đó. Tín dụng là quan hệ giao dịch về tài sản (tiền hoặc hàng hóa) giữa bên cho vay (Ngân hàng hoặc các định chế tài chính) và bên đi vay (cá nhân, doanh nghiệp hoặc các chủ thể khác), trong đó, bên cho vay chuyển giao quyền sử dụng tài sản cho bên đi vay trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận, bên đi vay có trách nhiệm hoàn trả đúng hạn gốc và lãi cho bên cho vay khi đến hạn thanh toán.
Quan hệ tín dụng được biểu hiện đa dạng qua các phương thức nhưng nó vẫn mang ba đặc trưng cơ bản như sau:
- Chỉ làm thay đổi quyền sử dụng, không làm thay đổi quyền sở hữu vốn,
- Quá trình chuyển giao vốn phải có thời hạn và thời hạn này được xác định dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ tín dụng,
- Chủ sở hữu vốn được nhận một phần thu nhập dưới dạng lợi tức tín dụng.
Theo Luật các tổ chức tín dụng 2010 “Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.”
Như vậy, tín dụng ngân hàng là việc tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng cho mục đích xác định trong một thời gian nhất định dựa vào nguyên tắc có hoàn trả gốc và lãi.
Tại Việt Nam hiện tại, nghiệp vụ cấp tín dụng chủ yếu và quan trọng nhất là cho vay, đây là nghiệp vụ mang lại lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
1.2.2. Phân loại tín dụng:
1.2.2.1. Căn cứ thời hạn cấp tín dụng:
Tín dụng ngắn hạn: là những khoản vay có thời hạn đến 1 năm, thường được sử dụng để đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn lưu động cho doanh nghiệp hoặc phục vụ nhu cầu tiêu dùng bức thiết của dân cư.
Tín dụng trung hạn: là những khoản vay có thời hạn trên 1 năm đến 5 năm; được cung cấp để mua sắm tài sản cố định, cải tiến và đổi mới kỹ thuật, mở rộng và xây dựng các công trình nhỏ có thời gian thu hồi vốn nhanh.
Tín dụng dài hạn: là những khoản vay có thời hạn trên 5 năm. Loại tín dụng này được sử dụng để cung cấp vốn cho xây dựng cơ bản, cải tiến và mở rộng sản xuất với quy mô lớn, thời gian hoàn vốn dài.
1.2.2.2. Căn cứ yếu tố đối tượng thực hiện vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh:
Cấp tín dụng vốn cố định: là loại tín dụng được cấp mục đích bổ sung vốn hình thành tài sản cố định, cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất, xây dựng công trình. Thời gian cấp tín dụng thường là trung và dài hạn.
Cấp tín dụng vốn lưu động: được thể hiện dưới hình thức cho vay bổ sung vốn lưu động: cho vay dự trữ hàng hóa, thanh toán các chi phí phát sinh trong chu kỳ kinh doanh, thanh toán công nợ. Ngân hàng và khách hàng cùng xác định và thỏa thuận một hạn mức tín dụng duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Đặc điểm cơ bản của loại hình tín dụng này là một bộ hồ sơ được sử dụng cho nhiều món vay, món giải ngân khác nhau.
I.2.2.3. Căn cứ vào tính chất đảm bảo tín dụng:
Tín dụng không có bảo đảm trực tiếp: khoản tín dụng được cấp không có giá trị vật tư hàng hóa hoặc tài sản đảm bảo trực tiếp mà chỉ dựa trên sự tín nhiệm, uy tín của cá nhân/ doanh nghiệp.
Tín dụng có bảo đảm trực tiếp: khoản tín dụng được cấp có một khối lượng hàng hóa, tài sản tương đương được dùng đảm bảo trực tiếp. Khoản cấp tín dụng này được thực hiện dưới các hình thức như: cho vay thế chấp, cho vay cầm cố hoặc bảo lãnh.
1.2.3. Đặc điểm của tín dụng ngân hàng đối với DNNVV:
Đặc điểm của DNNVV là vốn tự có thấp, năng lực điều hành và quản trị còn hạn chế, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn chưa cao, tài sản bảo đảm cho khoản vay thấp, khả năng chống chịu đối với rủi ro không cao và đặc biệt là thông tin bất cân xứng giữa DNNVV với Ngân hàng nên khả năng tiếp cận vốn Ngân hàng của các DNNVV thường thấp.
Quy mô và hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV không lớn nên quy mô của các khoản vay thường nhỏ, phụ thuộc vào chu kỳ sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp, quy mô của dự án được ký kết, chủ yếu đáp ứng nhu cầu vốn lưu động, mua sắm máy móc thiết bị có giá trị không quá cao. Quy mô khoản vay của DNNVV thường khá thấp nếu tính bình quân trên một DNNVV, nhưng với số lượng đông đảo, thì quy mô của nhóm đối tượng này cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu tín dụng của ngân hàng. Thời hạn cho vay thường là ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động. Đối với các khoản tín dụng cho DNNVV thường yêu cầu phải có tài sản bảo đảm với tỷ lệ cao.
Do quy mô nhỏ và hoạt động đơn giản nên quy trình và thủ tục cấp tín dụng đối với DNNVV cũng đơn giản, tinh gọn hơn các doanh nghiệp lớn. Công tác thẩm định thường ít thời gian và ít kỹ năng hơn so với thẩm định các doanh nghiệp lớn. Cán bộ tín dụng thường ít gặp trở ngại khi tiếp xúc với doanh nghiệp, yêu cầu cung cấp hồ sơ, chứng từ, kiểm tra sổ sách. Tuy nhiên, khả năng cung cấp các số liệu kế toán tài chính
và khả năng lập dự toán, phương án kinh doanh của các DNNVV thường rất hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ hạch toán kế toán không theo chuẩn mực chung, theo dõi sơ sài, không phản ánh kịp thời thực tế hoạt động hoặc báo cáo tài chính chưa hoàn toàn trung thực và chưa được kiểm toán cho nên mức độ tin cậy thường không cao.
Vì những nguyên nhân đã đề cập trên, lãi suất cho vay đối với DNNVV thường cao hơn các doanh nghiệp lớn để bù đắp phần nào rủi ro. Các ngân hàng thường sử dụng công cụ lãi suất để cạnh tranh giữ các khách hàng lớn, sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Trong khi đó, đối với DNNVV, các ngân hàng thường cạnh tranh thông qua việc: đơn giản hóa thủ tục, tăng mức cấp tín dụng, giảm tỷ lệ tài sản bảo đảm, ...
1.2.4. Vai trò của tín dụng ngân hàng đối với DNNVV:
Tín dụng ngân hàng góp phần vào sự phát triển của các DNNVV.
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp luôn phải đầu tư trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ hiện đại để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng sức cạnh tranh trên thương trường. Để làm được điều này, đòi hỏi doanh nghiệp phải có đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, tuy nhiên nguồn vốn tự có của doanh nghiệp còn hạn chế. Vì vậy, nguồn vốn tín dụng ngân hàng là giải pháp hữu hiệu trong quá trình hoạt động và phát triển của doanh nghiệp.
Tín dụng ngân hàng góp phần hình thành cơ cấu vốn tối ưu cho doanh nghiệp.
Để quyết định đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, công nghệ, doanh nghiệp thường sử dụng vốn tự có và vốn vay. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: điều kiện doanh nghiệp, chính sách và quy định cấp tín dụng của Ngân hàng, quy định pháp lý, ... Đồng thời, việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn sẽ tăng chi phí trả lãi, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải xây dựng cơ cấu vốn tối ưu, kết hợp có hiệu quả các nguồn vốn để tối đa hóa lợi nhuận.
Tín dụng ngân hàng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNVV.
Một trong những đặc trưng cơ bản của tín dụng ngân hàng là hoàn trả gốc và lãi đúng thời hạn. Khi vay vốn ngân hàng, Doanh nghiệp không chỉ thu hồi đủ vốn để hoàn trả gốc và lãi cho ngân hàng mà phải tìm biện pháp để sử dụng nguồn vốn trên sao cho đạt hiệu quả tối ưu nhất. Khi quyết định tài trợ vốn cho doanh nghiệp, Ngân hàng phải thẩm định đầy đủ và kỹ càng các yếu tố liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt là hiệu quả và tính khả thi của phương án kinh doanh cần tài trợ. Do đó, ngay khi xây dựng phương án kinh doanh, doanh nghiệp đã phải nghiên cứu và phân tích kỹ tính khả thi và hiệu quả mà phương án mang lại nhằm tăng tính thuyết phục đáp ứng điều kiện và chính sách cấp tín dụng mà ngân hàng quy định. Trong quá trình cấp tín dụng, ngân hàng còn tư vấn Doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định đầu tư để giảm thiểu rủi ro và mang lại lợi nhuận tốt nhất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ngân hàng luôn bám sát tình hình hoạt động của Doanh nghiệp, định kỳ kiểm tra buộc các doanh nghiệp phải kinh doanh minh bạch, tuân thủ quy định, bám sát phương án kinh doanh.