PHẦN II : CƠ SỞ LÝ LUẬN THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.1. Tình hình thu gom và xử lý RTSH của một số nước trên thế giới
Hiện nay vấn đề môi trường, đặc biệt là chất thải sinh hoạt đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Các quốc gia lớn trên thế giới đã có những biện pháp quản lý, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp với điều kiện riêng. Dưới đây là một số mô hình thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở một số nước:
2.2.1.1. Nhật Bản
Ở Nhật Bản, vấn đề thu gom, xử lý rác sinh hoạt được thực hiện rất hiệu quả
nhờ thực hiện thành công hệ thống phân loại rác thải sinh hoạt ngay từ đầu và áp dụng công nghệ xử lý, tái chế hiện đại. Hệ thống phân loại rác thải sinh hoạt của Nhật Bản tương đối phức tạp. Mỗi thành phố, quận đều có một hệ thống hoàn toàn khác nhau.
Ví dụ, 23 khu phố ở Tokyo có hệ thống phân loại rác thải sinh hoạt riêng. Tất cả rác có thể đốt cháy được yêu cầu đựng vào túi đỏ, rác không thể đốt cháy đựng trong túi màu xanh dương, trong khi giấy, nhựa, chai, lọ, nhựa mềm, báo, bìa, thủy tinh và pin đựng ở túi màu trắng. Hàng ngày, khoảng 9 giờ sáng họ đem các túi đựng rác đó
20
ra đặt cạnh cổng. Công ty vệ sinh thành phố sẽ cho ô tô đến từng nhà đem các túi rác đó đi. Nếu gia đình nào không phân loại rác, để hỗn hợp trong một túi thì ngay hôm sau sẽ bị công ty vệ sinh gửi giấy báo đến phạt tiền.
Sau khi thu gom rác thải sinh hoạt vào nơi quy định, công ty vệ sinh đưa loại rác cháy được vào lò đốt để tận dụng nguồn năng lượng cho máy phát điện. Phương pháp được sử dụng để đốt rác là đốt bằng tầng sôi, phương pháp hiệu quả để đốt những vật liệu khó cháy. Rác không cháy được cho vào máy ép nhỏ rồi đem chôn sâu trong lòng đất. Ngoài ra, 20,8% tổng lượng rác thải sinh hoạt hàng năm được Nhật Bản đưa vào tái chế, đặc biệt là các chai nhựa tổng hợp PET (là vật liệu phổ biến để sản xuất chai đựng nước uống trong các máy bán hàng tự động và cửa hàng tạp hóa trên khắp đất nước Nhật). Nhiều công ty Nhật Bản đang tăng cường sử dụng nhựa từ chai PET cũ để sản xuất mới. Chai lọ PET chưa trải qua quá trình lọc có thể được chuyển thành sợi may quần áo, túi, thảm và áo mưa. Cách xử lý RTSH như vậy vừa tận dụng được rác vừa chống ô nhiễm môi trường (Hồng Nhung và cộng sự, 2016).
2.2.1.2. Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, cách thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt giống với Nhật Bản,
nhưng cách xử lý lại giống ở Đức. Rác hữu cơ nhà bếp một phần được sử dụng làm giá thể nuôi trồng nấm thực phẩm, phần lớn hơn được chôn lấp có kiểm soát để thu hồi khí bioga cung cấp cho phát điện. Sau khi rác tại hố chôn phân huỷ hết, tiến hành khai thác mùn ở bãi chôn làm phân bón.
Như vậy, tại các nước phát triển việc phân loại rác tại nguồn đã được tiến hành cách đây khoảng 30 năm và đến nay cơ bản đã thành công trong việc tách rác thành 2 dòng hữu cơ dễ phân huỷ được thu gom xử lý hàng ngày, rác khó phân huỷ có thể tái chế hoặc đốt, chôn lấp an toàn được thu gom hàng tuần (Hồng Nhung và cộng sự, 2016).
2.2.1.3. Singapore
Là một nước nhỏ, Singapore không có nhiều diện tích đất để chôn lấp rác thải sinh hoạt như những quốc gia khác. Tuy nhiên, đây lại là quốc gia sạch nhất trên thế giới. Để có được kết quả như vậy, Singapore đầu tư cho công tác thu gom, vận
21
chuyển và xử lý, đồng thời xây dựng hệ thống luật pháp nghiêm khắc làm tiền đề cho quá trình xử lý rác thải sinh hoạt tốt hơn. rác thải sinh hoạt ở Singapore được thu gom và phân loại bằng túi nilon. Các loại rác có thể tái chế được đưa về các nhà máy tái chế, còn các loại chất thải khác được đưa vào nhà máy tiêu hủy. Các công đoạn trong hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt của Singapore hoạt động hết sức nhịp nhàng và ăn khớp với nhau.
Ở Singapore có 2 thành phần chính tham gia vào thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt từ các khu dân cư và công ty, hơn 300 công ty tư nhân chuyên thu gom rác thải sinh hoạt, công nghiệp và thương mại. Tất cả các công ty này đều được cấp giấy phép hoạt động và chịu trách nhiệm giám sát kiểm tra trực tiếp của Sở Khoa học và công nghệ môi trường (Ths. Trần Quang Ninh, 2009).
Tóm lại, phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đã trở thành một việc làm bình thường ở các nước phát triển, túi đựng rác là do các gia đình bỏ tiền mua ở cửa hàng. Ở những nước này, dân chúng coi rác thải sinh hoạt không phải đồ bỏ đi mà cố gắng tận dụng những thứ còn có ích như giấy cũ, túi nilon, mảnh thủy tinh, săm lốp cũ, thậm chí cả những đồ điện hỏng nhằm đem lại lợi ích cho nhà nước, đồng thời làm trong sạch môi trường sống của họ.