Hiệp định chung về Thương mại dịchvụ

Một phần của tài liệu Luận văn "Những bất đồng trong thương mại giữa các nước phát triển và đang phát triển trong khuôn khổ WTO " docx (Trang 25 - 26)

Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS) là một trong những hiệp định quan trọng nhất của WTO, được đưa ra đàm phán trong vòng đàm phán Uruguay. Hiệp định này có hiệu lực từ tháng 1/1995, là nguyên tắc đa phương duy nhất điều chỉnh thương mại quốc tế trong dịch vụ. Giống như hiệp định về thương mại hàng hoá, hiệp định GATS có ba phần: hiệp định chính bao gồm những nguyên tắc và nghĩa vụ chung; phụ lục qui định những qui tắc cho những ngành cụ thể và lộ trình của các quốc gia trong đó có những cam kết cụ thể của từng nước trong việc mở cửa thị trường cho nước ngoài. Ngoài ra, GATS còn có thêm phần thứ tư là danh sách những lĩnh vực mà các nước tạm thời chưa áp dụng nguyên tắc Tối huệ quốc. Những cam kết này- tương tự như lộ trình thuế trong GATT- là một phần không tách rời của Hiệp định. Giám sát sự thi hành hiệp định là Hội đồng Thương mại dịch vụ của WTO.

Hiệp định này điều chỉnh tất cả các dịch vụ trong thương mại quốc tế, bao gồm các hình thức cung cấp dịch vụ quốc tế khác nhau. GATS định nghĩa 4 hình thức dịch vụ sau:

Các dịch vụ được cung cấp từ một quốc gia này đến một quốc gia khác( ví dụ dịch vụ điện thoại quốc tế), gọi là “cung cấp dịch vụ qua biên giới”

Người tiêu dùng hay các công ty sử dụng dịch vụ tại một nước khác (ví dụ dịch vụ du lịch), gọi là “sử dụng dịch vụ ở nước ngoài”

Một công ty nước ngoài thành lập các chi nhánh để cung cấp dịch vụ tại một nước khác ( ví dụ: các ngân hàng nước ngoài hoạt động ở một nước), gọi là di chuyển thương mại

Các cá nhân đi từ nước mình sang nước khác để cung cấp dịch vụ ( ví dụ: những người mẫu thời trang hay nhà tư vấn…) gọi là di chuyển thể nhân.

Theo nguyên tắc Tối huệ quốc được quy định trong GATS, nếu một nước cho phép cạnh tranh của nước ngoài trong một ngành dịch vụ, nước đó phải cho phép tất cả các thành viên khác của WTO có những điều kiện cạnh tranh tương tự. Nguyên tắc này được áp dụng ngay cả khi một nước không đưa ra những cam kết cụ thể về việc mở cửa thị trường nội địa cho nước ngoài trong khuôn khổ WTO. Tuy nhiên, nguyên tắc Đối xử quốc gia trong GATS lại có điểm khác biệt. Theo các quy định về hàng hoá (GATT) hoặc quyền sở hữu trí tuệ(TRIPS), đây là một nguyên tắc chung. Nhưng trong GATS, nó chỉ được áp dụng khi một quốc gia đã có những cam kết cụ thể.

Một phần của tài liệu Luận văn "Những bất đồng trong thương mại giữa các nước phát triển và đang phát triển trong khuôn khổ WTO " docx (Trang 25 - 26)