Những đề xuất trên quan điểm của cácnước đang phát triển

Một phần của tài liệu Luận văn "Những bất đồng trong thương mại giữa các nước phát triển và đang phát triển trong khuôn khổ WTO " docx (Trang 77 - 82)

NƯỚC PHÁT TRIỂN VÀ ĐANG PHÁT TRIỂN.

3.1.2Những đề xuất trên quan điểm của cácnước đang phát triển

Tại Hội nghị Cancun, vấn đề nông nghiệp được đánh giá là vấn đề gai góc nhất. Bản dự thảo Cancun về nông nghiệp (phụ lục A) bị các nước đang phát triển kịch liệt phản đối do họ cho rằng bản phụ lục này chỉ thể hiện những lợi ích của các nước phát triển và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp của các nước đang phát triển. Mục đích của việc đưa ra bản dự thảo là nhằm tìm kiếm sự nhất trí giữa các nước thành viên trong việc đưa ra những qui định cho thương mại nông nghiệp, làm xích lại gần nhau quan điểm và lợi ích của các nước. Song bản dự thảo được đưa ra tại hội nghị lần này rất không cân đối. Nó cho phép các nước phát triển tiếp tục duy trì sự bảo hộ cao của họ trong khi tạo áp lực buộc các nước đang phát triển phải giảm thuế và do đó, chấp nhận cho những sản phẩm nhập khẩu giá rẻ chi phối mạnh hơn nữa thị trường nội địa. Vì vậy, các nước đang phát triển yêu cầu phải có những thay đổi cơ bản về vấn đề nông nghiệp.

Bản dự thảo là một văn bản rất phức tạp về mặt kỹ thuật, yêu cầu các thành viên đưa ra những quyết định cụ thể về những tham số trong các vấn đề về trợ cấp trong nước, trợ cấp xuất khẩu và thuế nhập khẩu nông sản. Mặc dù không đưa ra những số liệu, bản hiệp định khung này là một cơ cấu mà sau này các quốc gia sẽ phải dựa vào đó để đưa ra những cam kết của mình. Vì vậy, các nước không thể trong một thời gian ngắn hiểu được đầy đủ những nội dung của bản phụ lục A, dù là nước phát triển hay đang phát triển. Các nước đang phát triển cho rằng việc họ có quá ít thời gian để nghiên cứu bản dự thảo là “không công bằng”. Điều này thậm chí còn khó khăn hơn khi tại hội nghị Cancun- chỉ diễn ra trong vài ngày- các bộ trưởng phải xem xét những vấn đề kỹ thuật phức tạp mà trước đó, trong suốt 3 năm, các chuyên gia cũng không thể nhất trí qua các cuộc họp tại Geneva. Các nước đang phát triển cũng cho rằng sẽ là không công bằng nếu đệ trình cho các bộ trưởng, những người có thể không quen với những phương pháp luận, những thuật ngữ và các chi tiết kỹ thuật, bản dự thảo và yêu cầu họ đưa ra những quyết định quan trọng trước một sức ép như vậy. Các nước này cho rằng những mâu thuẫn giữa các bên có thể được giải quyết hiệu quả hơn nếu họ có được một bản dự thảo trước khi diễn ra hội nghị. Họ cũng yêu cầu được tham gia nhiều hơn vào quá trình chuẩn bị cho các hội nghị bộ trưởng, nghĩa là những yêu cầu và lợi ích của họ cũng phải được thể hiện trong các bản dự thảo mà không phải khi bắt đầu hội nghị mới đặt vào tay họ những vấn đề đàm phán do một số nước nhóm họp trong các cuộc họp kiểu “phòng xanh” quyết định, đặc biệt khi đó là những vấn đề có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và đời sống của người dân như nông nghiệp.

Những qui định về trợ cấp trong nước là một thất vọng lớn đối với các nước đang phát triển. Không có cam kết nào cho các nước phát triển trong việc giảm tổng số trợ cấp trong nước. Một trong những điểm yếu cơ bản của Hiệp định về nông nghiệp là đã chia trợ cấp trong nước thành 2 loại: loại trợ cấp tiêu cực đối với thương mại, cần phải cắt giảm và loại trợ cấp ít hoặc không gây ảnh hưởng tới thương mại, không cần cắt giảm. Từ sau vòng đàm phán Uruguay, các nước OECD đã tìm cách tăng số trợ cấp trong nước của mình bằng cách chuyển loại trợ cấp này thành loại trợ cấp khác, nghĩa là giảm trợ cấp trong hộp vàng và tăng trợ cấp trong hộp xanh lá cây. Bản dự thảo đã không đưa ra được qui định gì nhằm thay đổi tình trạng trên. Trên thực tế, hộp màu xanh da trời vẫn được duy trì và có phần mở rộng, không có bất kì qui định nào về hộp xanh lá cây ngoài một vài điểm tham khảo về những tiêu chuẩn của các trợ cấp được xếp trong hộp này. Dường như các nước phát triển có thể tiếp tục, hoặc thậm chí gia tăng, tổng số trợ cấp trong nước. Với lượng trợ cấp lớn như vậy, các nước phát triển sẽ vẫn có thể bán những nông sản giá rẻ của mình trên thị trường thế giới, đặc biệt khi các nước đang phát triển không thể bảo vệ nông dân nước mình bằng thuế nhập khẩu và các hình thức khác.

Do vậy, các nước đang phát triển yêu cầu những thay đổi mạnh hơn nữa trong các qui định về trợcấp trong nước, dựa trên quyền lợi của những nước nghèo. Trợ cấp trong hộp xanh da trời cần xoá bỏ. Những loại trợ cấp được xếp vào hộp xanh lá cây cần được định nghĩa lại và cũng phải tuân theo những cam kết cắt giảm. Điều quan trọng nhất trong vấn đề trợ cấp trong nước là phải có những qui định chặt chẽ hơn về tổng trợ cấp của một nước, sao cho các nước phát triển không thể lợi dụng hộp màu xanh lá cây để tăng trợ cấp trong nước cho nông dân nước mình. Để thực hiện được mục đích

đó, hộp màu xanh lá cây cần phải chi tiết hơn nữa. Các nước đang phát triển cũng đề nghị cần có qui định tối đa về số trợ cấp trong hộp này, hoặc trong tổng trợ cấp trong nước nói chung.

Về vấn đề tiếp cận thị trường

Trong lĩnh vực quan trọng này, bản dự thảo đã cho phép các nước phát triển tránh né việc đưa ra những cam kết cắt giảm thuế đối với những sản phẩm có thuế suất cao, nhờ đó duy trì được sự bảo hộ. Ngược lại, nhiều nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với những cam kết cắt giảm thuế, có thể là rất mạnh, đối với nhiều sản phẩm. Đây là đề xuất thiếu công bằng nhất. Về nguyên tắc, do không có cam kết thật sự nào từ phía các nước phát triển trong việc xoá bỏ hay giảm đáng kể trợ cấp trong nước và trợ cấp xuất khẩu, cũng như trong việc cắt giảm thuế đối với những mặt hàng có thuế suất cao, các nước đang phát triển cũng không có nghĩa vụ phải cắt giảm thuế của mình hơn nữa. Nhiều trường hợp các nước đang phát triển bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những mặt hàng nhập khẩu ồ ạt, do đó cần có hàng rào thuế quan để bảo vệ những nước này khỏi những mặt hàng nhập khẩu được trợ cấp từ các nước phát triển.

Bản dự thảo cũng đưa ra một “công thức hỗn hợp” của 3 hình thức cắt giảm thuế. Một phần dòng thuế ( được gọi là những sản phẩm nhập khẩu nhạy cảm) sẽ được cắt giảm theo một mức trung bình, (có thể ở mức thấp) với những qui định về mức cắt giảm tối thiểu cho một dòng thuế. Một phần dòng thuế sẽ được cắt giảm theo công thức do Thuỵ Sĩ đưa ra, và một phần sẽ được miễn thuế. Công thức này cho phép các nước phát triển lảng tránh được các cam kết giảm thuế do những đặc điểm của hệ thống thuế quan tại những nước này. Nhìn chung, thuế nhập khẩu nông sản của các nước phát

triển tương đối thấp, nhưng một phần nhỏ trong số đó lại có mức thuế suất rất cao. Nhờ vào công thức này, các nước phát triển có thể xếp những sản phẩm có thuế suất cao này vào nhóm “những sản phẩm nhập khẩu nhạy cảm”, nhóm có mức cắt giảm thuế thấp hơn.

Do vậy, các nước đang phát triển thông qua công thức giảm thuế hỗn hợp này. Họ yêu cầu các nước phát triển cần giảm thuế đối với những mặt hàng hiện đang chịu mức thuế cao, trong số đó có nhiều mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển cũng yêu cầu không phải giảm thuế hơn nữa đối với thực phẩm. Họ cũng không phải giảm thuế đối với tất cả các mặt hàng hiện đang được nhận trợ cấp trong nước hoặc xuất khẩu của các nước phát triển. Đối với các sản phẩm khác, cần có một công thức cắt giảm thuế đơn giản, toàn diện và công bằng hơn. Công thức này nên đi kèm với một danh mục các sản phẩm đặc biệt, trong đó, các nước đang phát triển có quyền lựa chọn các sản phẩm mà họ yêu cầu mà không chỉ giới hạn trong một nhóm các sản phẩm như được qui định trong phụ lục A của bản dự thảo.

Về vấn đề trợ cấp xuất khẩu

Mục tiêu của Tuyên bố Doha là xoá bỏ trợ cấp xuất khẩu. Tuy nhiên, bản dự thảo đã cho phép EU tiếp tục duy trì trợ cấp xuất khẩu và tín dụng xuất khẩu ưu đãi với một cam kết rất mơ hồ là sẽ cắt giảm trong “tương lai gần”. Về vấn đề này, bản dự thảo chỉ hoàn toàn thể hiện quyền lợi của Mỹ và EU, giúp các nước này tránh được những cam kết về cắt giảm trợ cấp xuất khẩu và tín dụng xuất khẩu. Thực tế, đây rõ ràng là một thoả thuận giữa hai bên, trong đó, Mỹ cho phép EU tiếp tục sử dụng trợ cấp xuất khẩu còn EU cho phép Mỹ tiếp tục sử dụng tín dụng xuất khẩu ưu đãi đối với cùng một loại

sản phẩm. Thoả thuận này được Mỹ và EU gọi là “hành động song song”. Các nước đang phát triển sẽ là người chịu thiệt thòi trong thoả thuận này giữa hai cường quốc. Do đó, những nước này không thể chấp nhận điều khoản này. Họ kêu gọi quay lại với tinh thần của Tuyên bố Doha và có những biện pháp đảm bảo xoá bỏ tất cả các dạng trợ cấp xuất khẩu trong một vài năm tới, đồng thời có những qui định tương tự áp dụng cho tín dụng xuất khẩu ưu đãi.

Ngoài ra, các nước đang phát triển còn đề xuất những qui định đối xử đặc biệt dành cho các nước đang phát triển, với những cam kết cắt giảm thuế thấp hơn, cùng với việc áp dụng danh mục những “sản phẩm đặc biệt” và một cơ chế bảo vệ đặc biệt trước những sản phẩm nhập khẩu ồ ạt.

Một phần của tài liệu Luận văn "Những bất đồng trong thương mại giữa các nước phát triển và đang phát triển trong khuôn khổ WTO " docx (Trang 77 - 82)