Bảng 11: Trợcấp xuất khẩu trong cácnước OECD
2.2.2 Cơ hội cho cácnước đang phát triển trong thương mại dịchvụ
Thương mại dịch vụ đang phát triển mạnh. Trong những năm gần đây, tất cả các nước đang phát triển đều đạt tốc độ tăng trưởng đáng kể về dịch vụ, mặc dù nhiều nước có xuất phát điểm thấp. Tuy có quan điểm cho rằng các nước đang phát triển sẽ bị thua thiệt khi mở cửa thị trường dịch vụ do ngành dịch vụ trong nước không có khả năng cạnh tranh cao, các nước này vẫn có
thể thu được lợi nhuận lớn từ việc mở cửa thị trường đối với một hay nhiều ngành dịch vụ.
Trong khi thực tế, thương mại dịch vụ nói chung bị chi phối bởi các nước phát triển, các nước đang phát triển vẫn đặc biệt thành công trong một số ngành dịch vụ như nghe nhìn, dịch vụ cảng và đóng tàu, dịch vụ xây dựng và dịch vụ y tế.
Trong dịch vụ nghe nhìn, xuất khẩu chiếm phần lớn trong thu nhập của ngành sản xuất phim của Ấn Độ, kim ngạch xuất khẩu phim tăng từ 2 tỉ Rupi năm 1998 (198 phim) lên 4,5 tỉ Rupi năm 2000 ( 412 phim) và 5,25 Rupi năm 2001. Xuất khẩu sang Mỹ và Canada chiếm 30%, sang Anh chiếm 25%. Thái Lan cũng đang nổi lên như một cường quốc trong ngành nghe nhìn, sản xuất phim, chương trình truyền hình, ca nhạc và hoạt hình. Công ty Sản xuất Phim và Quảng cáo Kantana cung cấp dịch vụ sản xuất và hậu kì cho ngành sản xuất phim và truyền hình với những khách hàng quốc tế như 20th Century Fox, Warner Brothers và Lucasfilms. Kantana cũng hợp tác sản xuất phim với các công ty nước ngoài, sản xuất những đoạn quảng cáo trên truyền hình quốc tế, các chương trình ca nhạc, phim tài liệu và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho những dự án sản xuất phim quốc tế tại Thái Lan.
Về dịch vụ cảng, một số nước đang phát triển được xếp vào nhóm 20 nước đứng đầu thế giới về lưu lượng côngtenơ được vận chuyển qua, chiếm 54,3% tổng giá trị vận tải bằng côngtenơ. 4 trong số 5 nước đứng đầu là các nước đang phát triển ( Singapore, Đài Loan, Hàn quốc, và Hồng Kông). Các nước đang phát triển khác trong số 20 nước đứng đầu có Trung Quốc, Các tiểu vương quốc A-rập, Malaysia, Indonesia và Philipin.
Trong dịch vụ xây dựng, 51 trong số 150 công ty đứng đầu thế giới năm 2002, xét về thu nhập từ thị trường nước ngoài, là các công ty của các nước
đang phát triển. Trong số đó có 24 công ty của Trung Quốc, 6 công ty của Thổ Nhĩ Kỳ và 5 công ty của Hàn Quốc. Các nước như Braxin, Đài Loan và Lebanon, mỗi nước có 2 công ty. Bungari, Ai Cập, Ấn Độ, Ixaren, Nam Phi, Các tiểu vương quốc A-rập và Hồng Kông mỗi nước có một công ty.
Dịch vụ y tế là ngành xuất khẩu chính và là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của một số nước đang phát triển. Nam Phi đã trở thành điểm lựa chọn của nhiều bệnh nhân muốn giải phẫu thẩm mỹ. Trong năm 1995-1996, hơn 25.000 bệnh nhân nước ngoài đến Cuba để chữa bệnh, góp vào doanh số của ngành dịch vụ y tế nước này khoảng 25 triệu USD.
Các nước đang phát triển có một lợi thế so sánh rõ ràng trong các ngành dịch vụ sử dụng nhiều lao động như xây dựng, xử lí dữ liệu. Những tiến bộ kỹ thuật trong ngành viễn thông và máy tính đã cho phép các nước đang phát triển đào tạo được một lực lượng lao động có trình độ và chi phí cạnh tranh để sản xuất và xuất khẩu máy tính và những dịch vụ liên quan trên toàn thế giới. Sự thành công rực rỡ của Ấn Độ trong 20 năm qua là ví dụ điển hình nhất.
Cuộc cách mạng Internet đã khiến nhiều loại dịch vụ được cung cấp qua mạng, một hình thức ngày càng quan trọng với các nước đang phát triển. Những dịch vụ loại này đang chiếm phần lớn trên thị trường thế giới. Cung cấp dịch vụ qua mạng có thể giúp các công ty tiết kiệm chi phí khoảng 30- 35% hoặc có thể lên tới 50% trong dài hạn. Với lợi thế về lực lượng lao động tương đối rẻ và trình độ cao, các nước đang phát triển có nhiều tiềm năng về những ngành dịch vụ này.