Bảng 11: Trợcấp xuất khẩu trong cácnước OECD
2.1.2.1 Những kết quả đạt được từ sau vòng đàm phán Uruguay
Khác với nông nghiệp và dịch vụ, vấn đề tiếp cận thị trường của các sản phẩm phi nông nghiệp là một vấn đề mới đối với chương trình đàm phán của WTO. Khi vòng đàm phán Uruguay bắt đầu năm 1986, ba vấn đề chính là nông nghiệp, dịch vụ và TRIPS. Tuy nhiên, việc cắt giảm hàng rào thuế
quan và phi thuế quan đối với hàng công nghiệp đã là vấn đề cốt lõi của các cuộc đàm phán thương mại đa phương dưới thời GATT. Chương trình hành động được thông qua ở Hội nghị Doha đã thêm vào các vấn đề về sản phẩm phi nông nghiệp.
Điều 16 của Bản tuyên bố Doha chỉ ra rằng những cuộc đàm phán cần tập trung đặc biệt vào việc giảm hay xoá bỏ thuế suất cao và thuế tích luỹ, nhất là đối với những sản phẩm xuất khẩu quan trọng của các nước đang phát triển. Bản tuyên bố cũng nhấn mạnh danh mục sản phẩm phải toàn diện và không có những ưu tiên ngoại lệ. Các cuộc đàm phán cũng cần xem xét đến những nhu cầu và lợi ích đặc biệt của các nước đang phát triển, bao gồm việc dành cho các nước này những nhân nhượng trong các cam kết, tạo điều kiện để các nước đang phát triển có thể tham gia một cách đầy đủ vào các vòng đàm phán.
Bản tuyên bố Doha về tiếp cận thị trường với các sản phẩm phi nông nghiệp tập trung vào những vấn đề như siêu thuế quan (là những mức thuế suất cao, đánh vào những mặt hàng “nhạy cảm”, đối với các sản phẩm công nghiệp, mức thuế từ 15% trở lên được coi là siêu thuế quan), thuế tích lũy, các hàng rào phi thuế quan… Trong đó, vấn đề thuế tích luỹ được nhiều nước đang phát triển quan tâm do nó ảnh hưởng đến việc xuất khẩu những sản phẩm giá trị gia tăng của các nước này.
Thuế tích luỹ là việc đánh thuế thấp vào những mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu thô,song lại đánh thuế cao hơn nhiều khi những nguyên liệu đó đã được chế biến hoặc chế tạo thành những sản phẩm cuối cùng. Thuế tích luỹ bảo vệ những nhà sản xuất tại nước nhập khẩu và khiến nước cung cấp nguyên liệu thô khó có thể xuất khẩu những sản phẩm đã qua chế biến.
Tác động của thuế tích luỹ đối với các nước đang phát triển đã được một nhóm nước đang phát triển nêu ra trước WTO như sau: “ Là một trong những rào cản thương mại, thuế tích luỹ đang là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng do cán cân thương mại đang chuyển hướng nhanh sang các sản phẩm đã qua chế biến. Hơn nữa, đây cũng là một trở ngại chính cho các nước đang phát triển đang cố thoát khỏi chu kì của việc sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm thô và ngày càng bị thua thiệt trong thương mại quốc tế do việc xuất khẩu những sản phẩm thô đó. Thuế tích luỹ ngăn cản việc đa dạng hoá xuất khẩu, một vấn đề rất quan trọng với sự phát triển kinh tế của các nước đang phát triển, đặc biệt khi hầu hết các sản phẩm giá trị gia tăng được tạo ra ở giai đoạn sau của quá trình sản xuất. Ngày nay, do có thuế tích luỹ ở các nước OECD, các giá trị gia tăng từ chế biến phần lớn đều rơi vào các nước phát triển.”
Từ sau vòng đàm phán Uruguay, sự tham gia chủ động của các nước đang phát triển đã dẫn đến những cắt giảm quan trọng trong thuế của các nước phát triển đánh vào những mặt hàng xuất khẩu có lợi cho các nước đang phát triển. Thuế trung bình đánh vào các sản phẩm công nghiệp của các nước phát triển giảm 40% , còn 3,8% vào cuối năm 2000. Tại các nước đang phát triển, thuế trung bình giảm 37%. Các sản phẩm được cam kết thuế cũng tăng lên, từ 78% trong các dòng thuế lên 99% tại các nước phát triển, các nước đang phát triển tăng từ 21% lên 73%. Xét về cơ cấu ngành, các nước đang phát triển dự tính sẽ giảm thuế 40% cho các sản phẩm ngư nghiệp, dệt may, da giầy và các thiết bị vận tải. Thuế đánh vào gỗ, bột gỗ, giấy, đồ gỗ, kim loại và những máy móc không dùng điện cũng sẽ được giảm 60%. Các mặt hàng miễn thuế cũng được tăng từ 20% lên 40%.
Thuế tích luỹ tuy vẫn còn tồn tại với nhiều sản phẩm, nhưng cũng đang được cắt giảm. Trong những ngành còn tồn tại thuế tích luỹ, khoảng cách giữa thuế đánh vào thành phẩm và thuế đối với nguyên liệu đầu vào đã được thu hẹp. Trung bình tại các nước phát triển, thuế đánh vào các sản phẩm công nghiệp nhập khẩu từ các nước đang phát triển giảm 2,9% đối với thành phẩm, 2,6% đối với bán thành phẩm và 1,3% đối với nguyên liệu thô. Một cơ chế cắt giảm tương tự cũng được áp dụng cho các sản phẩm khác như các sản phẩm công nghiệp nhiệt đới và các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Một vài nước nhập khẩu lớn đã cắt giảm thuế mạnh hoặc xoá bỏ- EU đối với giấy, thiếc và thuốc lá, Mỹ đối với giấy, nicken, chì và thuốc lá. Canada sẽ không hoặc chỉ có rất ít thuế tích luỹ đối với giấy, cao su, kẽm và thiếc.
Tuy có những bước tiến quan trọng như vậy, một số ngành công nghiệp chủ chốt vẫn có mức bảo hộ rất cao và không cân đối. Các nước đang phát triển đặc biệt quan tâm đến thuế trong ngành dệt may và các sản phẩm gỗ. Trong những ngành này, tỉ lệ của siêu thuế quan và thuế tích luỹ vẫn còn cao.