Phi nông nghiệp

Một phần của tài liệu Luận văn "Những bất đồng trong thương mại giữa các nước phát triển và đang phát triển trong khuôn khổ WTO " docx (Trang 82 - 86)

Tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm phi nông nghiệp cũng là một trong những vấn đề khá gay gắt tại Hội nghị Cancun. Các nước phát triển tỏ ra kì vọng rất lớn vào những qui định trong công thức cắt giảm thuế và yêu cầu các nước đang phát triển phải cắt giảm mạnh thuế quan. Ngược lại, các nước đang phát triển kịch liệt phản đối công thức cắt giảm thuế vì cho rằng công thức này sẽ khiến họ phải cắt giảm thuế ở mức cao, buộc ngành công nghiệp non yếu phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài. Ngoài ra, các nước đang phát triển không được hưởng sự ưu đãi nào khi áp dụng công thức giảm thuế này. Cũng giống như nông nghiệp, các nước đã kết thúc đàm phán tại Cancun mà không đạt được kết quả nào.

3.2.1 Những nỗ lực của WTO trong việc giải quyết những mâu thuẫn

về sản phẩm phi nông nghiệp

Vấn đề tiếp cận thị trường đối với sản phẩm phi nông nghiệp đã đạt một bước tiến lớn tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 4, tổ chức tại Doha vào tháng 11/2001. Tại đây các bộ trưởng đã nhất trí bắt đầu một vòng đàm phán về cắt giảm thuế đối với các sản phẩm phi nông nghiệp. Mục đích của vòng đàm phán này là “ giảm bớt hay xoá bỏ thuế, bao gồm cả việc xoá bỏ siêu thuế quan, các loại thuế suất cao và thuế tích luỹ, cũng như các hàng rào phi thuế quan, đặc biệt đối với những hàng hoá mang lại lợi ích cho các nước đang phát triển”. Những cuộc đàm phán này sẽ cân nhắc một cách toàn diện những nhu cầu và lợi ích đặc biệt của các nước đang phát triển và công nhận rằng các nước này sẽ không cần thiết phải đáp trả lại một cách đầy đủ các cam kết cắt giảm thuế từ các thành viên khác.

Bắt đầu vòng đàm phán, các thành viên phải đạt được thoả thuận về phương thức để tiến hành giảm thuế. Những phương thức được thông qua sẽ bao gồm những nghiên cứu và những biện pháp nhằm giúp các nước đang và chậm phát triển tham gia có hiệu quả vào vòng đàm phán.

Những mốc thời gian qui định đối với các sản phẩm phi nông nghiệp

- Bắt đầu: tháng 1/2000

- Thời hạn nhất trí về phương thức giảm thuế: 31/3/2003

- Đánh giá kết quả: Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 5, 2003 ( tại Mexico) - Thời hạn kết thúc: tháng 1/2005

Các thành viên đã không thể hoàn thành được thời hạn 31/3/2003, cũng giống như nhiều lĩnh vực khác. Và với thất bại của Hội nghị Cancun vừa qua, thời hạn cuối cùng vào năm 2005 cũng khó có thể thực hiện được.

3.2.2 Một số đề xuất trên quan điểm của các nước đang phát triển

Nội dung liên quan đến tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm phi nông nghiệp có thể đem lại những hậu quả nghiêm trọng cho các nước đang phát triển. Phụ lục B bao gồm những cam kết cho các nước đang phát triển trong việc tăng qui mô của những cam kết thuế lên tới gần 100% và giảm thuế suất đối với các sản phẩm công nghiệp với tốc độ lớn cho hầu hết các sản phẩm. Bản dự thảo này, nếu được thông qua, có thể sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến sự phát triển công nghiệp của các nước đang phát triển. Những vấn đề trong Phụ lục B đã được thảo luận trong thời gian dài tại Geneva và nhiều điểm trong số đó không thể chấp nhận được với các nước đang phát triển. Tuy nhiên, những đề xuất này vẫn tiếp tục xuất hiện trong bản dự thảo Cancun. Nếu được thông qua, chính sách phát triển công nghiệp của nhiều nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, đe doạ đến sự tồn tại của nhiều công ty và việc làm của người lao động tại các nước này.

Do đó, các nước đang phát triển đã đưa ra những đề xuất nhằm bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời thực hiện đúng tinh thần của Tuyên bố Doha.

Về tính ràng buộc của công thức giảm thuế

Phụ lục B của bản dự thảo Cancun qui định việc sử dụng công thức giảm thuế là vấn đề thiết yếu. Điều này còn phụ thuộc vào công thức đó thuộc loại gì. Cho tới nay, hầu hết các công thức giảm thuế được đưa ra trong các cuộc đàm phán tại Geneva ( đặc biệt là công thức của Mỹ và EU), đều sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển. Vì vậy, các nước này nên được quyền tự nguyện trong việc sử dụng các công thức giảm thuế.

Về việc áp dụng công thức giảm thuế không đều

Việc cam kết cắt giảm thuế theo một công thức không đều có thể sẽ rất nguy hại cho ngành công nghiệp của các nước đang phát triển. Công thức cắt giảm thuế không đều sẽ cắt giảm rất mạnh những thuế suất cao và cắt giảm mạnh những thuế suất trung bình. Việc cắt giảm thuế như vậy có thể tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp trong nước, việc làm và thu nhập của chính phủ. Trên thực tế, việc sử dụng công thức này trái ngược với những qui định về “thực hiện không đầy đủ các cam kết” của điều khoản đối xử đặc biệt dành cho các nước đang phát triển. Từ trước tới nay, các nước đang phát triển đã không phụ thuộc vào một “sự cắt giảm thuế theo công thức” và chắc chắn giờ đây cũng sẽ không bị ràng buộc vào công thức giảm thuế không đều này.

Các nước đang phát triển cũng cho rằng sẽ là không công bằng khi đặt mức cơ bản để bắt đầu cắt giảm thuế cho những sản phẩm chưa có cam kết về thuế là gấp hai lần so với mức thuế áp dụng. Việc tính toán bước đầu khi cắt giảm thuế, nếu dựa trên mức thuế này sẽ có nghĩa là những mức thuế cam kết mới sẽ rất gần với mức áp dụng hiện tại và trong nhiều trường hợp còn thấp hơn. Do đó, các nước đang phát triển cần được hoàn toàn tự do trong việc đặt ra các mức thuế cam kết của mình khi mở rộng qui mô cam kết.

Về việc xoá bỏ thuế đối với 7 ngành

Bản dự thảo đề xuất rằng các quốc gia thành viên nên tiến hành xoá bỏ thuế đối với 7 ngành trong một khung thời gian nhất định. Điều này có thể

dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng trong một số ngành công nghiệp ở các nước đang phát triển do phần lớn trong số chúng đều là những ngành mang lại nhiều lợi ích cho các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển không nên bị giới hạn vào bất kì một chương trình bãi bỏ thuế theo ngành mang tính bắt buộc nào. Việc bãi bỏ thuế theo ngành cần được tiến hành trên cơ sở tự nguyện.

Ngoài ra, các nước đang phát triển cần được lựa chọn qui mô cam kết thuế. Từ trước tới nay, các nước đang phát triển vẫn được tự lựa chọn qui mô của các cam kết thuế của mình. Điều này cần được duy trì. Hơn nữa, các nước còn cần được tự lựa chọn xem sẽ cam kết thuế ở mức nào.

Việc giải quyết mâu thuẫn giữa các nước phát triển và đang phát triển không thể được thực hiện bằng những qui định mà sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp của các nước đang phát triển. Trái lại, các nước này cần được dành cho những ưu đãi trong quá trình cắt giảm thuế để có thể dần xây dựng một ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh. Khi đó, việc cắt giảm thuế mới thực sự là một động thái tốt trong việc thúc đẩy tự do hoá thương mại.

3.3 Xu hướng giải quyết những mâu thuẫn trong thương

Một phần của tài liệu Luận văn "Những bất đồng trong thương mại giữa các nước phát triển và đang phát triển trong khuôn khổ WTO " docx (Trang 82 - 86)