(Đơn vị: %) Giai đoạn 1986-1988 1996 Giai đoạn 1995-1998 Hộp vàng 76 54 38 Những trợ cấp được phép 24 46 62 Nguồn: OECD
Trong thời kì gốc 1986-1988, số trợ cấp trong nước thuộc hộp vàng chiếm 76%, đến năm 1996 chỉ còn 54% và trong từ năm 1995-1998 trung bình là 38%. Thoạt nhìn đây có vẻ là dấu hiệu tốt, song tỉ trọng của những trợ cấp được phép cũng tăng với tốc độ nhanh hơn, gấp 3 lần so với thời kì gốc. Những chính sách thuộc hộp màu xanh da trời và hộp màu xanh lá cây được miễn khỏi các cam kết cắt giảm do chúng có tác động rất ít đến sản xuất và thương mại. Tuy nhiên, khái niệm “ tác động rất ít” lại không được giải thích trong hiệp định. Ranh giới giữa các loại trợ cấp này trong nhiều trường hợp không được rõ ràng. Nhiều trợ cấp thuộc hộp màu xanh da trời và xanh lá cây thực tế cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại. Do đó, gần đây các nước đang phát triển yêu cầu xem xét lại những quy định đối với hai loại trợ cấp này. Trong năm 1996, các nước phát triển đã chi
110.958 triệu USD cho các trợ cấp thuộc hộp xanh lá cây, so với 15.776 triệu USD của các nước đang phát triển.
Mức độ bảo hộ cao cùng với trợ cấp trong nước cho nông dân của các nước phát triển đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều nước đang phát triển, cả trực tiếp và gián tiếp do áp lực gây giảm giá của các chính sách trợ cấp nông nghiệp.
Liên minh Châu Âu là khối bị chỉ trích nhiều nhất về trợ cấp nông nghiệp. Hàng năm EU chi khoảng 40 tỉ euro cho nông nghiệp, khiến hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của EU đều được trợ cấp, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp. Mặc dù người tiêu dùng thành thị có thể được hưởng lợi từ nông sản giá rẻ trong ngắn hạn, việc giá nông sản thấp có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lâu dài của nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng. EU tiếp tục trợ cấp cho những công ty ở Nam Âu 372 triệu euro mỗi năm cho chế biến nông sản, khiến những nhà máy chế biến cà chua lâu vốn tồn tại lâu đời ở Tây Phi lâm vào khủng hoảng. Tại Senegal, một trong hai nhà máy chế biến cà chua đóng hộp lớn đã phá sản do các sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu. Nhà máy còn lại phải chuyển hướng sang nhập khẩu cà chua sơ chế giá rẻ từ Ý với số lượng lớn, chế biến đóng hộp rồi bán trên thị trường trong nước. Hàng ngàn nông dân đã mất đầu ra cho sản phẩm cà chua của mình do sự chuyển hướng sản xuất trên.
Tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 5 tổ chức tại Cancun, Mexico tháng 9/2003, các nước đang phát triển, được biết đến với tên G-21, đã yêu cầu các nước phát triển, điển hình là EU phải xem xét lại những chính sách trợ cấp nông nghiệp của mình. Nhóm này cho rằng các nước phát triển cần cắt giảm trợ cấp cho nông dân nước mình. Họ cũng yêu cầu những qui định về trợ cấp
trong nước phải chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo hiệu quả thực sự mà không chỉ là chuyển từ hộp này hay sản phẩm này sang hộp khác hay sản phẩm khác.
Tuy nhiên, EU đã từ chối chấp nhận thảo luận bất kỳ qui định chung vào về trợ cấp trong nước thuộc hộp màu xanh lá cây. Ông Pascal Lamy, uỷ viên Hội đồng Thương mại EU và ông Franz Fischler, uỷ viên Hội đồng Nông nghiệp EU đã phê phán các nước thuộc nhóm G-21 là “quá viển vông” khi yêu cầu xoá bỏ trợ cấp và cảnh báo họ về “những kết quả không mong muốn” của hội nghị. Phát biểu trên tờ nhật báo Straits Times của Singapore, ông Lamy cho rằng những cuộc đàm phán trong hội nghị là “giai đoạn trung gian” để đánh giá lại những kết quả và xác định xem liệu một vòng đàm phán mới về tự do hoá thương mại có thể đạt được trước năm 2004. Mục đích của châu Âu rất đơn giản: cân bằng giữa việc mở cửa thị trường và giữ gìn được nền nông nghiệp nông thôn. Ông cho rằng EU đã có một lựa chọn mang tính chính trị là trợ cấp cho nông nghiệp do đây không chỉ đơn giản là một hoạt động kinh tế. Nó còn đóng vai trò quan trọng trong vấn đề bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và bảo tồn động vật.
Rõ ràng là các nước đang phát triển không thể thoả mãn với những lời biện hộ như vậy.
Tiếp cận thị trường
Tiếp cận thị trường là lĩnh vực mà AoA đã tạo được một sự chuyển đổi trong thương mại nông nghiệp toàn cầu. AoA không cho phép sử dụng những hàng rào phi thuế quan như hạn ngạch nhập khẩu và những biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với nông sản và đưa ra biện pháp “thuế quan hoá”. Thuế quan hoá yêu cầu thay thế hàng rào phi thuế quan bằng mức thuế “cam kết” khiến mức độ bảo hộ sẽ tương đương với mức độ bảo hộ danh nghĩa
trong thời kì gốc. Thuế “cam kết” có nghĩa là mức thuế trong kì gốc sẽ là mức thuế trần. Không quốc gia nào được phép tăng thuế lên quá mức thuế cam kết. AoA sau đó yêu cầu các mức thuế “cam kết” phải được giảm trong một thời gian nhất định, với một mức giảm tối thiểu cho từng mặt hàng. Các nước đang phát triển được dành nhiều ưu đãi hơn trong việc đưa ra các mức thuế cam kết cho nông sản.
Tuy nhiên, hiệu quả của những cải cách trong tiếp cận thị trường vẫn còn nhiều bất cập. Một trong những thành công lớn nhất của AoA là đã dỡ bỏ được hầu hết các hàng rào phi thuế quan đối với nông sản và đặt ra những mức thuế cam kết. Nhưng thuế đánh vào mặt hàng nông sản vẫn còn rất cao. Mức thuế trung bình của thế giới đối với các sản phẩm nông nghiệp là 62%. Mức thuế này ở các nước đang phát triển có xu hướng cao hơn ở các nước phát triển.