122 Báo cáo số 474/BC-CP ngày 6/10/2020 của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011 – 2020.
3.2. NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT
NỔI BẬT
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã mang lại nhiều thay đổi quan trọng, đặt nền móng vững chắc cho các hoạt động thúc đẩy BĐG của quốc gia trong các giai đoạn tiếp theo. Công tác BĐG đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, tạo những chuyển biến tích cực ở cả cấp độ quốc gia và ở các bộ, ngành, địa phương.
Thành tựu nổi bật nhất là việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật chính sách theo hướng BĐG thông qua những nỗ lực lồng ghép giới trong các VBQPPL ở các lĩnh vực chủ chốt. Trong 10 năm qua, nội dung BĐG đã được bổ sung hoặc lồng ghép vào nhiều văn bản pháp luật quan trọng của Việt Nam, ví dụ như Hiến pháp 2013, Luật đất đai 2013, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi 2014, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự sửa đổi, Bộ luật Lao động 2019 và các bộ luật và luật khác. Có nhiều chính sách mang tính đột phá như quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 theo đó lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ nguyên lương và phụ cấp khi vợ sinh con hay tăng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ theo lộ trình như quy định
của Bộ luật Lao động sửa đổi 2019. Thành tựu này thể hiện sự cam kết chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam về BĐG và sự tiến bộ trong công tác lập pháp.
Nội dung BĐG đã được lồng ghép trong một số chiến lược, chương trình, chính sách ở các lĩnh vực khác nhau được ban hành trong 10 năm qua như Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược Dân số đến năm 2030... và các quy định ưu đãi về thuế và tài chính cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ; các quy định hỗ trợ tín dụng khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho lao động nữ tại khu vực nông thôn, v.v…
Thành tựu quan trọng thứ hai là tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác BĐG được đào tạo và có kinh nghiệm, tạo thành một hệ thống ngành dọc thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động thúc đẩy BĐG trên phạm vi cả nước. Theo thống kê, sau 10 năm thi hành Luật BĐG, ước tính có khoảng gần 15 triệu lượt cán bộ làm công tác BĐG, VSTBPN tại các bộ, ngành và địa phương được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và nghiệp vụ.
Thành tựu quan trọng thứ ba là nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân đối với BĐG và nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Cán bộ các cấp đều nhận thức được rằng lồng ghép BĐG là nhiệm vụ chính trị của ngành/địa phương mình. Đó là kết quả của công tác truyền thông về BĐG bao gồm các hoạt động phổ biến pháp luật và chính sách về BĐG và các chiến dịch truyền thông theo các chủ đề khác nhau được thực hiện hàng năm. Các nghiên cứu khác nhau cho thấy “BĐG” đã trở thành một khái niệm quen thuộc với người dân và phần lớn đều có suy nghĩ tích cực về BĐG và hiểu ý nghĩa của nó đối với sự phát triển của gia đình và xã hội.
Thành tựu của công tác BĐG thể hiện qua những thay đổi tích cực ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và các lĩnh vực khác. Trong giai đoạn này, lần đầu tiên phụ nữ tham gia một số vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các cơ quan lập pháp. Lần đầu tiên có 3 nữ uỷ viên Bộ Chính trị, nữ Chủ tịch Quốc hội. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế và có nhiều cơ hội để có những việc làm tốt, mang lại thu nhập cao hơn. Về giáo dục, tỉ lệ nhập học của trẻ em trai và trẻ em gái ở bậc tiểu học và trung học đều cao và cân đối. Về chăm sóc
sức khoẻ, tuổi thọ người dân tăng lên, tỉ lệ bệnh tật và tử vong giảm. Việt Nam đã đạt được và trong một số trường hợp thậm chí còn vượt các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).
Nhiều sáng kiến, mô hình về thực hiện BĐG được triển khai thực hiện và nhân rộng mang lại nhiều kết quả tốt ở các địa phương. Các bộ, ngành triển khai thực hiện nhiều đề án và hoạt động cụ thể để thực hiện Chiến lược như tăng cường vai trò lãnh đạo của cán bộ nữ, đào tạo cán bộ nguồn là nữ, tạo điều kiện cho cán bộ nữ phát triển trong công tác: tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức của Bộ/ngành về BĐG; triển khai lồng ghép giới trong các lĩnh vực. Nhiều địa phương tích cực triển khai các hoạt động thực hiện Chiến lược, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chiến lược và các Chương trình, đề án chủ động huy động ngân sách địa phương cho công tác BĐG lớn hơn nhiều lần so với ngân sách trung ương. Tuy nhiên, số địa phương có năng lực về tài chính như vậy không nhiều. Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2019 của Liên hợp quốc, chỉ số phát triển giới (GDI) của Việt Nam đã có tiến bộ, phản ánh những thành tựu trong thu hẹp bất bình đẳng về tuổi thọ, số năm đi học và thu nhập. Từ vị trí xếp hạng 94/155 nước với
giá trị GDI là 0,723 vào năm 2009, Việt Nam đã vươn lên đứng trong nhóm xếp hạng nhất về GDI trong số 166 nước được xếp hạng với giá trị 1,003 vào năm 2018123. Việt Nam cũng thuộc nhóm dẫn đầu so với các quốc gia đối chứng về chỉ số trao quyền cho phụ nữ trên 3 phương diện: sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, và trao quyền kinh tế - xã hội. Công tác huy động nguồn lực và hợp tác với các đối tác khác nhau để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược đạt hiệu quả cao. Ví dụ, theo Báo cáo sơ kết Chiến lược 2011 - 2020, sau 5 năm đầu thực hiện Chiến lược đã huy động được 300 tỷ đồng từ viện trợ quốc tế. Trong công tác thực hiện Chiến lược cũng thu hút được sự tham gia tích cực của nhiều tổ chức xã hội trong nước vào việc thực hiện các hoạt động thúc đẩy BĐG ở các lĩnh vực khác nhau.
123 UNDP (2019) Báo cáo Phát triển con người 2019. https://www.undp.org/content/dam/vietnam/docs/Publications/2.%20Brief%20Viet%20Nam%20-%20HDI%20update_VN.pdf. Từ năm 2014, docs/Publications/2.%20Brief%20Viet%20Nam%20-%20HDI%20update_VN.pdf. Từ năm 2014, chỉ số Phát triển Giới (GDI), dựa trên HDI phân theo giới tính, được định nghĩa là tỷ lệ giữa HDI của nữ giới và nam giới. GDI đo lường bất bình đẳng giới trong thành tựu của ba chiều cạnh cơ bản trong phát triển con người, gồm: sức khỏe (đo bằng tuổi thọ kỳ vọng khi sinh của nam và nữ), giáo dục (đo bằng số năm đi học dự kiến ở trẻ nam và nữ, và số năm đi học trung bình của người nam và nữ từ 25 tuổi), và sở hữu nguồn lực kinh tế (đo bằng GNI bình quân đầu người của nam và nữ) chỉ số bất bình đẳng giới GII được tính qua tỉ lệ tử vong mẹ do tai biến sản khoa, tỉ lệ vị thành niên sinh con, tỉ lệ nữ đại biểu quốc hội và tỉ lệ nữ tham gia lực lượng lao động.
Những thành tựu này là kết quả tổng hợp của các yếu tố sau đây: - Cam kết chính trị mạnh mẽ của
Đảng và Chính phủ Việt Nam đối với công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Sự ủng hộ tích cực của Quốc hội và các cơ quan dân cử các cấp trong việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho công tác BĐG.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG từ trung ương đến địa phương nhiệt huyết, tận tâm và ngày càng trưởng thành.
- Đóng góp quan trọng của công tác truyền thông về BĐG.
- Sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và sự ủng hộ của nhân dân nói chung.
- Sự hỗ trợ hiệu quả về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế và các quốc gia phát triển.