Thái độ với nghề được biểu hiện ở 3 thành phần nhận thức, xúc cảm và hành động. Ba thành phần này có mối quan hệ rất chặt chẽ, vững chắc với nhau. Nếu nhận thức trong thái độ với nghề có biểu hiện tích cực sẽ là cơ sở nền tảng cho cảm
xúc tích cực đối với nghề từ đó tạo nên các hành động nghề tích cực. Vì thế để nâng cao thái độ với nghề của GVMN, chúng tôi sử dụng biện pháp tác động nâng cao nhận thức nghề của họ.
3.2.5.1. Mục đích thực nghiệm
Xác định hiệu quả các biện pháp tác động tâm lý đến nhận thức của GVMN nhằm thay đổi cảm xúc và hành động nghề của họ theo hướng tích cực từ đó nâng cao thái độ với nghề của GVMN.
3.2.5.2. Giả thuyết thực nghiệm
Có thể nâng cao thái độ với nghề của GVMN nếu có biện pháp tác động phù hợp đến nhận thức về nghề của họ.
3.2.5.3. Biến thực nghiệm và biến phụ thuộc
- Biến thực nghiệm: Biện pháp tác động vào nhận thức
- Biến phụ thuộc: Thái độ với nghề của GVMN các tỉnh Tây Nguyên được bộc lộ qua tính sẵn sàng và chiều hướng nhận thức trong thái độ với nghề của GVMN.
3.2.5.4. Nội dung thực nghiệm
* Mục đích: Nâng cao tính sẵn sàng và chiều hướng nhận thức tích cực trong thái độ với nghề của GVMN.
* Nội dung tác động:
Tổ chức bồi dưỡng, tọa đàm, thảo luận về các nội dung: Tầm quan trọng của bậc học mầm non, vai trò, vị thế xã hội của nghề; tầm quan trọng, nội dung, phương pháp tìm hiểu, đánh giá đặc điểm tâm sinh lý và hoàn cảnh sống của trẻ em; phương pháp tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ gắn với địa bàn và các yếu tố về văn hóa dân tộc người Tây Nguyên; vai trò, ý nghĩa, nội dung, cách thức và kỹ năng và cơ hội học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
(Nội dung cụ thể tại phụ lục 3)
* Hình thức: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng theo nhóm, phát tài liệu.
3.2.5.5. Địa điểm và thời gian tiến hành thực nghiệm
Quá trình tiến hành thực nghiệm tác động được tổ chức tại trường Mầm non trên địa bàn huyện Cư Kuil, tỉnh Đắk Lắk vào tháng 9/2017.
3.2.5.6. Quy trình thực nghiệm * Bước 1. Chọn mẫu
- Mẫu thực nghiệm được lựa chọn từ mẫu điều tra đại trà gồm 36 GVMN thuộc 6 trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có thái độ với nghề ở mức 1 và 2.
- Mẫu đối chứng. Bên cạnh việc so sánh kết quả thay đổi các tiêu chí thái độ với nghề trước và sau thực nghiệm ngay ở nhóm thực nghiệm để khẳng định hiệu quả các biện pháp, chúng tôi sử dụng phương pháp đối chứng. Nhóm đối chứng gồm 34 GVMN được chọn từ mẫu đại trà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có thái độ với nghề ở mức 1 và 2.
(Danh sách GVMN tham gia vào thực nghiệm tại phục lục 4).
* Bước 2. Tổ chức thực nghiệm
Biện pháp: Mời chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Tâm lý, Giáo dục mầm non nói chuyện, tọa đàm, trao đổi về các chuyên đề tác động vào nhận thức trong thời gian gian 6 ngày, trong đó 4 ngày trên lớp, 2 ngày GV tự nghiên cứu tại nhà.
* Bước 3. Đo và đánh giá kết quả thực nghiệm
Cách đo và đánh giá giống với cách đo và đánh giá ở phần thực trạng:
- Phát phiếu hỏi giành cho GVMN ở cả 2 nhóm thực nghiệm và đối chứng sau khi kết thúc thực nghiệm 1 tuần. Xử lý kết quả thực nghiệm giống như cách xử lý phần thực trạng.
- Đánh giá thái độ với nghề của GVMN theo 5 mức, qua 3 mặt biểu hiện và 4 lĩnh vực nghề
- Đầu tiên chúng tôi đánh giá, so sánh kết quả nhận thức về nghề của GVMN ở nhóm thực nghiệm qua 4 lĩnh vực nghề trước và sau khi tác động và với nhóm đối chứng
- Tiếp theo đánh giá, so sánh chung thái độ với nghề của nhóm thực nghiệm với kết trước khi thực nghiệm và với nhóm đối chứng.