VINH CỨU CHA

Một phần của tài liệu 91 câu chuyện trí tuệ bồi dưỡng trí thông minh cho trẻ (Trang 58 - 59)

Năm 167 trước Công nguyên, ở Lâm Truy có một cô gái tên là Thuần Ư Đề Vinh. Bố cô là một thầy thuốc tên là Thuần Ư Ý. Một lần, Thuần Ư Ý không cẩn thận bốc nhầm thuốc, nên đã để vợ một thương nhân tử vong. Thương nhân này kiện ông làm chết bệnh nhân, quan lại địa phương đã tuyên ông án “nhục hình“ và giải ông đến thụ hình ở Tràng An. Nhục hình là một hình phạt rất tàn ác, dã man, không khắc chữ lên mặt thì cắt mũi, chặt chân tay. Thuần Ư Ý có 5 người con gái, khi ông xa nhà đi thụ hình, mấy đứa con gái đều cúi đầu khóc thút thít, riêng cô út là Đề Vinh thì không những không khóc mà còn kiên trì cùng bố đi Tràng An. Đến Tràng An, Đề Vinh tìm người nhờ viết một bản sớ tâu, rồi lại nhờ người chuyển đến chỗ Hán Văn Đế.

Trong sớ tâu, Đề Vinh trình bày: “Tôi là Đề Vinh, con gái của Thuần Ư Ý. Bố tôi là một thầy thuốc tốt, lần này phạm tội, phải chịu nhục hình, tôi không những buồn cho bố, mà còn đau khổ trước nhục hình bố tôi phải chịu. Một con người bị nhục hình trở thành tàn phế, sau này muốn sửa chữa sai lầm, làm lại cuộc đời, cũng không có cơ hội. Tôi tình nguyện làm nô tỳ, chuộc tội thay cho bố, chỉ mong bệ hạ cho bố tôi một cơ hội sửa chữa sai lầm, làm lại cuộc đời”. Xem xong, Hán Văn Đế rất cảm động, thấy cô gái nói cũng có lý, liền tha cho Thuần Ư Ý, đồng thời từ đó bãi bỏ nhục hình.

Và như vậy, Đề Vinh thông minh dũng cảm đã cứu được bố.

* Không nên lo ngại sức lực mình yếu, chỉ cần tích cực đấu tranh, thì sức dẫu nhỏ cũng có thể làm cho người khác coi trọng. Đề Vinh chính vì không sợ hiểm nguy, phân tích rõ những chỗ không thoả đáng của nhục hình, dùng lý dùng tình đánh vào tình cảm của Hán Văn Đế, để ông ta huỷ bỏ kiểu hình phạt tàn khốc này. Từ đó không chỉ cứu được bố mình, mà còn giúp muôn người khác thoát khỏi nỗi khổ của án nhục hình.

Một phần của tài liệu 91 câu chuyện trí tuệ bồi dưỡng trí thông minh cho trẻ (Trang 58 - 59)