Những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông

Một phần của tài liệu LA HA THI THUY DUONG (Trang 51 - 55)

Tâm lý tiểu nông có nhiều biểu hiện khác nhau, có cả những biểu hiện tích cực và tiêu cực. Do đó, những ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở có cả mặt tích cực và tiêu cực nhưng ảnh hưởng tiêu cực vẫn là chủ yếu. Những biểu hiện tích cực của tâm lý tiểu nông như truyền thống yêu nước, đoàn kết cộng đồng, lao động cần cù, lạc quan trong cuộc sống, trọng tình cảm, trọng đạo đức, trọng danh dự, trọng danh tiếng, trọng người cao tuổi… Tuy nhiên, tâm lý tiểu nông cũng có nhiều biểu hiện tiêu cực khác nhau. Ở đây, tác giả chỉ khái quát một số biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thực hiện dân chủ ở cơ sở như sau:

Thứ nhất, tâm lý thu vén cá nhân, tư lợi.

Biểu hiện của nét tâm lý này là chỉ lo việc của cá nhân mình theo kiểu “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, “việc ai người ấy lo, bè ai người ấy chống”, không quan tâm đến những người xung quanh “của mình thì giữ bo bo, của người thì để cho bò nó ăn”. Tâm lý này nảy sinh do sản xuất nông nghiệp nhỏ, người nông dân tự phải lo liệu lấy mọi việc trong mảnh ruộng của mình. Tuy nhiên tâm lý tư lợi theo nhiều nhà tâm lý học, chính trị học đó là bản chất cố hữu của con người. Hobbes từng khẳng định “Tinh thần vị kỷ trong loài người là một khát vọng không ngừng đối với quyền lực và điều này chỉ mất đi khi con người chết” [68, tr.161]. Do đó, tâm lý tư lợi, vun vén cá nhân của người tiểu nông khác với tư lợi của các giai cấp khác ví dụ

như giai cấp tư sản. Lo vun vén cho cá nhân, bản thân của người có tâm lý tiểu nông mang tính chất tủn mủn, vụn vặt, chỉ tính đến cái ăn ngay, trước mắt theo kiểu “được đâu hay đó”, “méo mó có hơn không”, “tham bát bỏ mâm”. Kiểu thu vén của người tiểu nông là “rất nhỏ nhen, đôi khi đến khó coi, bần tiện theo kiểu “sển nồi vơ rế”, “hết nạc thì vạc đến xương” [37, tr.50-51]. Trong khi đó, tư lợi của nhà tư sản là quan tâm đến những cái lợi lớn, thậm chí có thể hy sinh những mối lợi nhỏ để kiếm mối lợi lớn cho bản thân. Cái nghèo đói, thiếu thốn quanh năm của người tiểu nông trên nền tảng sản xuất nhỏ khiến luôn quan tâm đến những lợi ích của bản thân khi có điều kiện, dù là rất nhỏ, thậm chí vì mối lợi nhỏ nhặt trước mắt mà quên đi cái lợi lớn, lâu dài. Ví dụ như, một số nông dân có tâm lý tư lợi thấy một cây trồng, vật nuôi nào đó được giá thì đua nhau trồng vì cái lợi trước mắt mà không tính toán xem liệu có vượt quá nhu cầu hay không, từ đó có thể dẫn tới thất bại, thua thiệt trong tương lai. Tính thu vén cá nhân nhỏ mọn, tư lợi của người tiểu nông về bản chất, cũng là sự cường điệu hoá những lợi ích và quyền của cá nhân. Tuy nhiên, tính thu vén cá nhân, tư lợi của người tiểu nông cũng chứa đựng mâu thuẫn, họ có thể đấu tranh để tranh giành những mối lợi dù là nhỏ nhất nhưng cũng sẵn sàng chia sẻ quyền lợi của mình để giúp đỡ đồng bào khi gặp khó khăn với tinh thần “lá lành đùm lá rách”.

Thứ hai, nếp nghĩ nặng theo kinh nghiệm hàng ngày, tính bảo thủ, ngại thay đổi, thụ động, cầu an, a dua, dựa dẫm vào tập thể, tầm nhìn thiển cận.

“Kinh nghiệm là tập hợp những tri thức đã tích luỹ được do kết quả của nhận thức cảm tính” [130, tr.244]. Thông qua hoạt động thực tiễn, con người trực tiếp thu nhận và hình thành những thông tin. Nhờ lặp đi, lặp lại nhiều lần, những thông tin đó tập hợp thành những tri thức mang tính trực quan, đó là kinh nghiệm. Trạng thái tĩnh lặng, hầu như không vận động của nền sản xuất nông nghiệp nhỏ đã không làm nảy sinh nhu cầu buộc người ta phải tìm tòi, sáng tạo và khi không cần phải tìm tòi, sáng tạo thì nảy sinh tâm lý coi trọng kinh nghiệm cũ, những thói quen, cách làm cũ. Do đó người nông dân sản xuất nhỏ có thói quen suy nghĩ, đánh giá mọi việc theo kinh nghiệm của mình, điều này cũng khiến họ trở nên bảo thủ, ngại thay đổi, không chịu học tập cái mới, không dám mạo hiểm thử nghiệm và sáng tạo cái mới,

khó chấp nhận cái mới, nhất là những thay đổi đột ngột, ngại di chuyển. Sự bảo thủ, ngại đổi mới ở người tiểu nông thể hiện ở chỗ dù thấy đổi mới có thể là cơ hội đem đến những lợi ích lớn hơn trong tương lai nhưng vẫn họ vẫn không muốn thay đổi mà tiếp tục suy nghĩ và hành động theo nếp cũ. Nói về tính bảo thủ, ngại đổi mới, sáng tạo của người tiểu nông, Mác đã viết như sau: “loại trừ mọi việc ứng dụng những phương pháp cải tiến hiện đại trong nông nghiệp, đồng thời biến bản thân người nông dân thành kẻ kiên quyết phản đối mọi tiến bộ xã hội” [18, tr.84-85].

Chính vì bảo thủ, ngại đổi mới nên người tiểu nông bằng lòng với những gì đã có, yên phận, cầu an, tự tiết chế mọi nhu cầu và mong ước của mình. Người nông dân sản xuất nhỏ yên phận với mơ ước cỏn con giản dị “nhà ngói cây mít”, chỉ cần đảm bảo những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu theo kiểu “cơm ba bát, áo ba manh, đói không xanh, rét không chết”. Họ thụ động, thiếu ý chí vươn lên khẳng định mình với tư cách là một nhân cách độc lập, luôn trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm vào tập thể, kém ý chí phấn đấu, hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, ủy thác cho người sau, ít thấy trách nhiệm cá nhân và ít thể hiện tính tích cực cá nhân. Người tiểu nông có tâm lý luôn nhìn trước ngó sau, không dám vượt khỏi những khuôn mẫu mà tập thể đã định sẵn theo kiểu “sai sao tôi vậy”, không dám hành động theo ý muốn của chính mình, luôn làm theo đa số, hành động không dựa theo điều kiện thực tế của bản thân, a dua, đua đòi. Nói về nét tâm lý này của người tiểu nông, nhà văn Đỗ Lai Thuý đã nhận xét như sau:

Con người Việt Nam ngay cả khi chưa sinh ra, trước hết và chủ yếu, là con người của cộng đồng, nhỏ như gia đình, dòng họ, phe, phường, giáp hội, lớn như làng, nước thậm chí cả thiên hạ nữa. Chỉ với tư cách là thành viên của cộng đồng, chứ không phải với tư cách là cá nhân, con người mới có chút ít giá trị…[186, tr 110]

Sống trong cộng đồng, người Việt Nam trước đây bị chi phối bởi những quy tắc, luật lệ của cộng đồng và không thể khác được. Nếu làm khác, họ sẽ phải chịu những hình phạt khác nhau và không thể tồn tại được, mỗi cá nhân không thể tách rời được cuống nhau công xã, cộng đồng. Do đó

Trong khuôn khổ cộng đồng, người ta không có quyền lựa chọn lối sống riêng cho mình. Cùng lắm, anh ta chỉ được lựa chọn những lối sống khác nhau của cùng một phổ sống [186, tr.110].

Cùng với đó, điều kiện sản xuất và sinh hoạt khiến người nông dân sản xuất nhỏ có tầm nhìn thiển cận, không có tầm nhìn xa, trộng rộng, không nhìn thấy vấn đề ở phạm vi tổng quát, toàn diện. Họ chỉ thấy những cái trước mắt hoặc những cái xảy ra trong tương lai gần, chỉ nhìn và giải quyết vấn đề ở phạm vi nhỏ lẻ, cục bộ, rời rạc. Cái nhìn của họ không vượt xa hơn những mảnh ruộng nhỏ hẹp nơi họ cày cấy và luỹ tre làng nơi họ sinh sống.

Thứ ba, tâm lý tùy tiện vô nguyên tắc, ý thức kỷ luật kém, trọng lệ hơn luật, trọng tình hơn lý.

Do phương thức sản xuất, người tiểu nông có tâm lý tuỳ tiện, thích thì làm, không thích thì nghỉ, hành động theo ý muốn cá nhân, không dựa trên những nguyên tắc, kỷ luật chung. Họ còn có tâm lý trọng tình hơn lý “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, chủ yếu lấy cái tình làm tiêu chuẩn ứng xử trong các mối quan hệ. Các quan hệ tranh chấp xảy ra trong quan hệ giữa người nông dân thường giải quyết bằng hoà giải theo phương châm nhường nhịn nhau “chín bỏ làm mười”, lấy cái tình mà xử với nhau, chứ không phải bằng cái lý, bằng pháp luật. Trong trường hợp bất đắc dĩ phải “đưa nhau đến chỗ cửa công” thì cũng “bề ngoài là lý, bên trong là tình”. Người nông dân sản xuất nhỏ vì nhiều lý do khác nhau, họ chỉ biết có lệ làng, lệ làng chi phối mọi hành vi và ứng xử của họ, họ không biết đến pháp luật của vua cho nên xuất hiện tâm lý trọng lệ hơn luật “phép vua thua lệ làng”.

Thứ tư, tâm lý địa phương, cục bộ, dòng họ.

Trong đời sống của làng xã, người nông dân luôn hiện diện với hai tư cách - thành viên của cộng đồng làng và thành viên của dòng họ. Dòng họ là những người cùng huyết thống với nhau. Tình cảm dòng họ trong làng xã thể hiện ở chỗ người nông dân luôn hướng về cội nguồn “Chim có tổ, người có tông”. Cách ứng xử giữa những người cùng dòng họ khác hẳn với cách ứng xử giữa những người ngoài dòng họ. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” trở thành phương châm ứng xử của người

dân trong làng. Tình cảm dòng họ tạo nên tinh thần tương thân, tương ái giữa các thành viên của nó. Tuy nhiên, sự cố kết trong các dòng họ nếu đẩy tới quá mức sẽ dễ dàng trở thành tâm lý bè phái, phe cánh. Cùng với đó, tính khép kín, biệt lập của làng, mỗi làng đều có tục lệ, văn hoá riêng, thần linh riêng và không cần giao lưu với các làng khác vẫn có thể đảm bảo những nhu cầu tối thiểu của mọi người trong làng dẫn tới tâm lý cục bộ, địa phương theo kiểu “Ta về ta tắm ao ta”, “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, đặt lợi ích của làng mình lên trên làng khác hoặc thậm chí trên cả lợi ích của nước. Tâm lý này còn dẫn đến sự bao che dung túng những sai lầm của nhau theo kiểu “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Nói về tâm lý cục bộ, địa phương, dòng họ của người tiểu nông giáo sư Vũ Khiêu đã nhận định rất xác đáng:

Trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm thì người dân không phân biệt ranh giới làng này hay làng khác, xả thân vì nước vì dân tộc, nhưng khi về chăm lo cho cuộc sống hàng ngày, trong thời bình, thì xuất hiện những tư tưởng ích kỷ, vụn vặt, chăm lo cho lợi ích của gia đình, dòng họ, làng xã. [94, tr.21].

Tâm lý tiểu nông không chỉ biểu hiện ở những người gắn liền với sản xuất nông nghiệp nhỏ mà còn hiện diện ở các tầng lớp dân cư dù hoạt động của họ không liên quan đến sản xuất nông nghiệp nhỏ như công nhân, trí thức, đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Tâm lý tiểu nông không chỉ hiện diện ở hầu khắp các tầng lớp nhân dân mà còn biểu hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tâm lý tiểu

Một phần của tài liệu LA HA THI THUY DUONG (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(172 trang)
w