Để giáo dục gia đình ở Việt Nam hiện nay hạn chế, ngăn chặn được những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông ở trong các thành viên của mình thì giáo dục gia đình phải đổi mới cả về nội dung và phương pháp, cụ thể như sau:
Về nội dung giáo dục, giáo dục đạo đức, trao truyền các giá trị, chuẩn mực văn hoá, thái độ, đạo đức trong gia đình Việt Nam hiện nay cần tiếp tục bảo tồn những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống như tinh thần cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm chung với gia đình, cộng đồng “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, các đức tính cần cù, hiếu học… qua đó cũng hạn chế dần những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông, đặc biệt là tâm lý thu vén, cá nhân. Bên cạnh đó, giáo dục gia đình Việt Nam hiện nay cũng cần phải truyền bá những giá trị tiên tiến, mang tính nhân văn của thời đại. Đảng ta cũng khẳng định mục tiêu của giáo dục gia đình và nhà trường, xã hội là thống nhất đó là hình thành và phát triển ở các em những phẩm chất, năng lực, thói quen, hành vi chuẩn mực của người công dân chân chính. Mục tiêu giáo dục của gia đình thống nhất với nhà trường và xã hội trong mục tiêu chung là
...nhằm xây dựng con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ tổ quốc; công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá của dân tộc, có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; phát huy tiềm năng của dân tộc và con người Việt Nam, có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân, làm chủ tri thức và khoa học công nghệ hiện đại, có tư duy sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức và kỷ luật, có sức khoẻ.. [45, tr. 36].
Như vậy, nội dung giáo dục gia đình Việt Nam hiện nay cần bổ sung những giá trị mới qua đó sẽ hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông. Ví dụ như gia đình hiện nay giáo dục cho các thành viên biết tôn trọng quyền tự do cá nhân trong xã hội hiện đại để nhân cách con người có điều kiện phát triển và toả sáng, chứ không phải là những con người cá nhân “chìm đi”, “mài mòn” nhân cách của mình trong tập thể, vì tập thể, giáo dục cho con sự tự ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ, biết sống tự lập, nâng động, sáng tạo, tôn trọng kỷ luật…
Về phương pháp giáo dục gia đình cũng cần được đổi mới để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông, hình thành những nét tâm lý, nhân cách mới.
Phương pháp giáo dục gia đình rất đa dạng, phong phú song chủ yếu và quan trọng nhất vẫn là thuyết phục và nêu gương. Cha mẹ không nên dùng quyền uy, mệnh lệnh để ép buộc con cái mình mà thuyết phục con cái bằng điều hay, lẽ phải, những phân tích giảng giải sâu sắc, để con cái tự nhận ra, tự lựa chọn những giá trị, chuẩn mực phù hợp. Điều này rất quan trọng để hình thành nhân cách cá nhân độc lập ở con cái mình, tránh sự thụ động, chỉ biết nghe lời. Việc cha mẹ tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của con cái không chỉ giúp cha mẹ hiểu con cái mình hơn mà còn giúp con cái họ chủ động, dám bộc lộ và thể hiện quan điểm riêng. Cha mẹ không nên vì quá thương con mà làm cho con mọi việc, cần chủ động để con làm việc, tham gia các công việc gia đình để hình thành tâm lý độc lập, có trách nhiệm với bản thân và gia đình ở con cái mình. Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý đến hình thức giáo dục thông qua tấm gương “Cây ngay thì bóng tròn”. Đảng ta cũng đề cao vai trò gương mẫu của ông bà, cha mẹ trong giáo dục gia đình “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hoá” [46, tr.60]. Muốn con cái không có những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông thì bản thân cha mẹ cũng phải tự hoàn thiện mình, nâng mình lên, trở thành những tấm gương sáng, trong mọi cử chỉ, hành động, ứng xử đều thể hiện những nét nhân cách mới tiến bộ, không có biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông. Mỗi phụ huynh cần biết rõ họ muốn giáo dục con cái họ trở thành người như thế nào, những mục tiêu cụ thể mà mình mong đợi ở
con, mong muốn con mình trở thành người con, người công dân như thế nào và cố gắng trong mọi hành động, cử chỉ của mình phải hướng theo những mục tiêu đó để làm gương cho con. Điều này, đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có những định hướng, giáo dục nhất định cho các bậc cha mẹ về nội dung, phương pháp giáo dục gia đình cũng như sự tự nỗ lực, hoàn thiện của các bậc cha mẹ trong việc thực hiện chức năng giáo dục.