Sự cần thiết phải hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở

Một phần của tài liệu LA HA THI THUY DUONG (Trang 79 - 84)

tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở

Thứ nhất, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ đảm bảo những điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện dân chủ theo đúng pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Dân chủ gắn liền với pháp luật, kỷ cương, đó là hai mặt của một vấn đề. Dân chủ luôn được thể hiện trong nội dung các quy phạm pháp luật cụ thể. Pháp luật chính là hành lang pháp lý cho việc thực hiện dân chủ như Đảng ta khẳng định “Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hoá bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm” [51, tr.85]. Những chủ thể thực hiện dân chủ ở cơ sở khi mắc tâm lý tiểu nông sẽ làm sai lệch, biến dạng việc thực hiện dân chủ, không theo các quy định của pháp luật. Nhân dân cũng như cán bộ cơ sở khi có tâm lý họ hàng, cục bộ, tâm lý thu vén cá nhân, coi thường pháp luật… thì các quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở không phải là cơ sở, tiêu chuẩn của hành động, họ sẽ không thực hiện dân chủ đầy đủ theo quy định của pháp luật, thậm chí làm méo mó pháp luật. Vì vậy, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ đảm bảo cho việc thực hiện dân chủ theo đúng quy định của pháp luật, pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được thi hành một cách nghiêm túc và đầy đủ.

Khi việc thực hiện dân chủ gắn liền với pháp luật, dân chủ phát huy được đến cao độ thì “chúng ta mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân; có thực hiện dân chủ rộng rãi, mới khiến mọi người dân “đưa hết khả năng làm tròn nhiệm vụ người chủ nước nhà để xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho nước ta mạnh, dân ta giàu” [115, tr.592-593]. Thực hiện nghiêm pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, người dân được tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội sẽ phát huy được nguồn lực trí tuệ của nhân dân trong xây dựng đường lối, chính sách. Khi những đường lối phát triển cộng đồng, đường lối công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn do nhân dân bàn bạc, đóng góp ý kiến vì lợi ích chung của cộng đồng, họ sẽ ủng hộ nhiệt tình và sẵn sàng đóng góp sức người, sức của, các nguồn lực để thực hiện. Đây chính là cơ sở vững chắc nhất để thực hiện thắng lợi sự

nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn các xã ở Việt Nam đúng như Hồ Chí Minh khẳng định dân chủ là chiếc chìa khoá vạn năng để giải quyết mọi công việc.

Thứ hai, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ góp phần cải tạo những thói quen, tập tục lạc hậu ở nông thôn trong đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay.

Cán bộ ở cơ sở do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố đến quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Do mối quan hệ cộng đồng gắn bó chằng chịt, cuộc sống tối lửa tắt đèn có nhau nên những người làm việc trong các cơ quan chính quyền cấp xã lại dễ bị tác động bởi những yếu tố phi chính thức. Bởi người cán bộ cơ sở giải quyết với tư cách là cán bộ nhưng đồng thời cũng là một công dân đang sống trong làng xóm với vô vàn các quan hệ gia đình, anh em, họ hàng, láng giềng. Chính đặc điểm này làm cho cán bộ cơ sở dễ dẫn tới thực hiện sai lệch pháp luật, không thực hiện đúng đắn chức năng, nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, ở cấp cơ sở, do chế độ dân cử hiện nay, đội ngũ cán bộ có rất ít cơ hội thăng tiến lên các chức vụ cao hơn mà thường hết nhiệm kỳ lãnh đạo được bầu là họ nghỉ, trở về với cuộc sống của một công dân bình thường. Theo thống kê, cứ mỗi nhiệm kỳ có khoảng 1 phần 3, có nơi tới gần 1 nửa số bí thư đảng uỷ và chủ tịch uỷ bản nhân dân xã không tái cử hoặc không trúng cử. Điều này dễ có tâm lý tranh thủ trục lợi cá nhân theo kiểu “kiếm miềng béo bở rồi chuồn” (Lênin) ở đội ngũ cán bộ cơ sở. Chính vì vậy, cán bộ cơ sở còn mang nhiều những thói quen, tập tục lạc hậu như tham nhũng, vơ vét, không tuân thủ pháp luật, thậm chí vượt quyền, bảo thủ độc đoán không lắng nghe ý kiến của nhân dân… Khi hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở ở đội ngũ này, cán bộ sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, từ đó sẽ khắc phục được những thói quen, tập tục lạc hậu ở đội ngũ này, xây dựng được đội ngũ cán bộ cơ sở có tinh thần tuân thủ pháp luật và tận tuỵ phục vụ nhân dân. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách đúng đắn, nghiêm túc sẽ làm thay đổi phương thức và lề lối làm việc của cán bộ cơ sở theo hướng dân chủ hóa và công khai hóa. Tác phong công tác của cán bộ cũng có nhiều

thay đổi: gần dân, sát dân, tiếp thu ý kiến của nhân dân, không quan liêu, hách dịch, cửa quyền, độc đoán. Hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở trong đội ngũ cán bộ cơ sở sẽ làm cho hoạt động của đội ngũ này thực sự “gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” [51, tr.56]. Chịu sự giám sát của nhân dân, cán bộ cơ sở sẽ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình, không lộng quyền, lạm quyền, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật của nhân dân trong việc bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong thực hiện dân chủ.

Trình độ dân trí cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc phát huy dân chủ. Pháp luật dù có quy định đầy đủ quyền dân chủ của người dân nhưng trình độ dân trí thấp sẽ làm cho pháp luật đó chỉ trên giấy tờ mà khó trở thành hiện thực cuộc sống. Chính vì vậy, Chủ tich Hồ Chí Minh đã từng trăn trở “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm” [116, tr.223]. Đảng ta cũng khẳng định trình độ dân trí, sự hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật là điều kiện quan trọng cần thiết để thực hiện dân chủ, để người dân thực sự làm chủ trên thực tế “Điều kiện quan trọng để phát huy dân chủ là tăng cường và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao trình độ dân trí, trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân” [48, tr.296]. Trình độ dân trí thể hiện ở chỗ hiểu biết được mình có những quyền gì, tích cực vận dụng quyền được hưởng trên thực tế, biết bảo vệ quyền của mình khi bị xâm phạm, có tinh thần vì lợi ích công, tự giác tham gia vào các quá trình chính trị, thực hiện quyền của mình. Khi người dân mắc tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở như tâm lý coi thường pháp luật, tuỳ tiện, vô nguyên tắc, tư lợi cá nhân, họ hàng, họ không quan tâm tìm hiểu quyền của mình, thậm chí biết quyền nhưng cũng không tích cực, tự giác thực hiện quyền của mình hoặc không thực hiện đầy đủ quyền của mình, không dám đấu tranh để bảo vệ quyền của mình… Vì vậy, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ

góp phần nâng cao trình độ dân trí, trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân ở cơ sở, do đó có ý nghĩa quyết định đến việc phát huy dân chủ, đảm bảo người dân có đủ năng lực và ý thức làm chủ trên thực tế.

Thứ tư, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ góp phần tạo ra sự đoàn kết thống nhất giữa các tầng lớp nhân dân trong thực hiện dân chủ ở Việt Nam hiện nay.

Dân chủ là cơ sở, nền tảng của sự đoàn kết, có dân chủ thực sự thì mới có đoàn kết thực sự. Thiếu dân chủ sẽ tạo ra sự xa cách, thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa cấp trên và cấp dưới, giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân cũng như trong nội bộ nhân dân. Khi còn ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở thì làm méo mó, lệch lạc việc thực hiện dân chủ do đó tạo ra sự không công bằng, vì thế không thể có sự đoàn kết thống nhất. Cán bộ cơ sở do tâm lý tiểu nông đặc biệt là tâm lý tư lợi vun vén cá nhân, tham nhũng, làm giàu bất chính thì tạo ra sự bất bình của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Cán bộ cơ sở khi đã mắc tâm lý tiểu nông, không thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của người dân, bắt ép nhân dân thực hiện, thiếu tuyên truyền, vận động, không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân nên không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Hơn nữa, khi cán bộ cơ sở mắc tâm lý họ hàng, cục bộ trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, ưu tiên lợi ích của họ mình, làng mình cũng sẽ tạo ra sự mâu thuẫn giữa các dòng họ, giữa các thôn, làng. Bản thân người dân khi có tâm lý tiểu nông, tâm lý thu vén cá nhân, không dựa trên lợi ích chung mà chỉ chạy theo lợi ích cá nhân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở thì cũng sẽ dẫn tới sự mâu thuẫn, mất đoàn kết. Việc lợi dụng pháp luật dân chủ để gây rối, mất an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng dẫn tới sự mâu thuẫn, chia rẽ giữa cán bộ cơ sở và nhân dân, trong nội bộ nhân dân. Vì vậy, khi hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ tạo ra sự đoàn kết, thống nhất trong quá trình thực hiện dân chủ, từ đó hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ chung của cả cộng đồng.

Tiểu kết chương 2

Trong chương này, tác giả luận án đã làm rõ những vấn đề lý luận về tâm lý tiểu nông như khái niệm tâm lý tiểu nông, so sánh những loại hình tâm lý gần gũi như tâm lý sản xuất nhỏ, tâm lý nông dân, tâm lý làng xã. Tác giả cũng phân tích 3 cơ sở chính hình thành tâm lý tiểu nông là điều kiện tự nhiên, cơ sở kinh tế là nền kinh tế tiểu nông và cơ sở văn hoá xã hội của tâm lý tiểu nông là không gian sinh hoạt làng xã. Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra 4 biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông có thể ảnh hưởng đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tác giả cũng làm rõ một số vấn đề lý luận về dân chủ ở cơ sở như khái niệm thực hiện dân chủ ở cơ sở, sự cần thiết phải thực hiện dân chủ ở cơ sở, những nội dung của thực hiện dân chủ ở cơ sở bao gồm quyền được biết, được tham gia ý kiến, quyền được quyết định, biểu quyết và quyền được kiểm tra, giám sát của nhân dân. Nội dung của thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng thể hiện ở các quyền dân chủ về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của nhân dân. Nội dung quyền dân chủ của nhân dân được thực hiện qua 2 hình thức là dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp. Trong chương này, tác giả cũng chỉ rõ thông qua phong tục, tập quán, hương ước và giáo dục gia đình mà những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông tiếp tục chi phối suy nghĩ và hành động của mỗi người Việt Nam trên mọi lĩnh vực, trong đó có việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở còn bị ảnh hưởng bởi những mặt tiêu cực của tâm lý tiểu nông ở cả cán bộ và người dân, tác giả chỉ ra sự cần thiết phải hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, tác giả đã chỉ ra 4 lí do chính.

Chương 3

Một phần của tài liệu LA HA THI THUY DUONG (Trang 79 - 84)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(172 trang)
w