Nội dung thực hiện dân chủ cơ sở ở Việt Nam

Một phần của tài liệu LA HA THI THUY DUONG (Trang 63 - 68)

Nội dung của thực hiện dân chủ ở trên địa bàn các xã được thể hiện ở nhiều quy tắc, quy định khác nhau của xã hội, tổ chức, trong đó quan trọng và chủ yếu nhất là các quy định pháp luật của Nhà nước về dân chủ. Các quy định pháp luật liên quan đến thực hiện dân chủ ở các xã cũng thể hiện ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, thường xuyên được điều chỉnh, trong đó cơ sở pháp luật quan trọng nhất chính là Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Sự ra đời của Pháp lệnh này cũng là một quá trình không ngừng bổ sung, hoàn thiện. Trên cơ sở Chỉ thị số 30- CT/TW năm 1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ - CP ngày 11/5/1998 về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị số 22/1998/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 1998 về việc triển khau thực hiện quy chế dân chủ ở xã, Ban Tồ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) ban hành Thông tư số 03/1998/TT -TCCP ngày 6 tháng 7 năm 1998 hướng dẫn áp dụng quy chế thực hiện dân chủ ở xã đối với phường, thị trấn. Tiếp theo, Chính phủ đã ban hành Nghị định 79/2003/NĐ - CP ngày 7 tháng 7 năm 2003 về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã (thay thế Nghị định số 29/1998/NĐ - CP); Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (số 34 /2007/PL -UBTVQH11) thay thế Nghị định 79/2003/NĐ - CP. Sau đó ngày 17 tháng 4 năm 2008 Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 09/2008/

NQLT - CP - UBMTTQVN về hướng dẫn thi hành điều 11, điều 14, Điều 16 Điều 22, Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng bao gồm tất cả các quyền dân chủ về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của người dân. Quyền dân chủ về chính trị thể hiện ở chỗ nhân dân được trực tiếp bầu ra đại diện của mình là Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, được trực tiếp bầu trưởng thôn, được góp ý kiến cho chính quyền, được biết về việc tiếp thu ý kiến của chính quyền sau khi lấy ý kiến của nhân dân, được biết các thủ tục hành chính, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, góp ý kiến cho hoạt động của cán bộ chủ chốt cấp xã, được biết kết quả thanh tra, kiểm tra các vụ tiêu cực liên quan đến cán bộ, công chức cấp xã… Quyền dân chủ về kinh tế của người dân được thể hiện ở việc được thông tin các vấn đề kinh tế của địa phương, được tham gia ý kiến vào các vấn đề kinh tế của địa phương, được bàn và quyết định chủ trương, mức đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng ở địa phương, giám sát trực tiếp và gián tiếp các công trình xây dựng ở địa phương… Quyền dân chủ về văn hoá, xã hội của người dân thể hiện ở việc xây dựng hương ước, quy ước để tự quản lý các vấn đề văn hoá, xã hội ở địa phương. Như vậy, nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở là rất toàn diện và bao quát các quyền của người dân trên mọi lĩnh vực, các hình thức dân chủ cũng như bao quát tất cả các quy trình thực hiện dân chủ.

Một cách tiếp cận khác về nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở chính là nội dung các quyền dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Cụm từ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” do nhân dân phường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, Hải Phòng và nhân dân xã Đông Sơn, huyện Thuỷ Nguyên, Hải phòng nêu ra năm 1984. Chỉ thị số 53 - CT/TW về tăng cường công tác quần chúng của Đảng (28-11- 1984) lần đầu tiên tổng kết sáng kiến này và nâng lên thành phương châm chung để áp dụng phổ biến. Với quy chế dân chủ ở cơ sở và đặc biệt là Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” không chỉ là khẩu hiệu dân vận hoặc phương châm thực hiện chủ trương, đường lối mà trở thành một định chế về quyền làm chủ của nhân dân. Nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam hiện nay chính là việc “thể chế hoá và thực hiện tốt phương châm dân

biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” [53, tr.169-170.] Nội dung của thực hiện dân chủ trên địa bàn các xã là biểu hiện cụ thể của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, là sự đảm bảo nguyên tắc toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân tại địa bàn các xã trên cơ sở thực hiện quyền được biết, quyền được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thầm quyền quyết định, quyền được quyết định, biểu quyết và quyền được giám sát với những nội dung có liên quan đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của người dân ở trên địa bàn các xã bằng những hình thức nhất định, phù hợp với các nguyên tắc, quy định của pháp luật. Theo quy định của Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, nội dung thực hiện dân chủ trên địa bàn các xã ở Việt Nam được thể hiện ở những nhóm quyền cơ bản của người dân như sau

- Dân biết (Quyền được biết với các nội dung cần được công khai cho người dân).

Dân biết là khâu trước hết trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Có thể nói, dân biết là điểm khởi đầu của dân chủ, là điều kiện, tiền đề để thực hiện các nội dung sau của dân chủ. Nếu dân không biết thì không thể bàn, quyết định hay kiểm tra, giám sát. Dân biết ở mức độ thấp là trang bị vốn hiểu biết, tăng thêm thông tin để nâng cao nhận thức. Dân biết ở mức độ cao là sử dụng vốn hiểu biết của mình để tham gia vào các quyết định quản lý, để kiểm tra. Để thực hiện quyền được biết của nhân dân, phải thực hiện các nội dung, hình thức cần công khai cho nhân dân. Nội dung công khai với dân không chỉ là những vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày ở cơ sở bởi trong chế độ ta, dân biết không chỉ để giải quyết những vấn đề về quyền và lợi ích của chính họ, mà còn đóng góp vào sự cải biến xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, do nhận thức có giới hạn, Đảng cần định hướng cho dân nên biết cái nào trước,, cái nào sau. Theo pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, có 11 nội dung cần được công khai cho nhân dân biết, bao gồm:

1. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm của cấp xã.

2. Dự án, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên

địa bàn cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn cấp xã.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc của nhân dân.

4. Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với cấp xã; các khoản huy động nhân dân đóng góp.

5. Chủ trương, kế hoạch vay vốn cho nhân dân để phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo; phương thức và kết quả bình xét hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, trợ cấp xã hội, xây dựng nhà tình thương, cấp thẻ bảo hiểm y tế.

6. Đề án thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính liên quan trực tiếp tới cấp xã.

7. Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức cấp xã, của cán bộ thôn, tổ dân phố; kết quả lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.

8. Nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cấp xã mà chính quyền cấp xã đưa ra lấy ý

kiến nhân dân theo quy định tại Điều 19 của Pháp lệnh này.

9. Đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã trực tiếp thu.

10. Các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân do chính quyền cấp xã trực tiếp thực hiện.

11. Những nội dung khác theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền cấp xã thấy cần thiết.

- Dân tham gia ý kiến để cấp có thẩm quyền quyết định.

Dân được tham gia ý kiến là tôn trọng quyền được phát ngôn, biểu thị ý chí, nguyện vọng của nhân dân đối với các cơ quan quản lý nhằm góp ý cho Đảng và Nhà nước quyết định các chủ trương, chính sách cho phù hợp. Theo pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, những nội dung nhân dân tham gia ý kiến bao gồm:

1. Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; đề án định canh, định cư, vùng kinh tế mới và phương án phát triển ngành nghề của cấp xã.

2. Dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng quỹ đất của cấp xã.

3. Dự thảo kế hoạch triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn cấp xã; chủ trương, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tái định cư; phương án quy hoạch khu dân cư.

4. Dự thảo đề án thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính liên quan trực tiếp đến cấp xã.

5. Những nội dung khác cần phải lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền cấp xã thấy cần thiết.

- Dân được quyết định trực tiếp và biểu quyết, quyết định.

Nhân dân quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.

Nhân dân tham gia xây dựng và biểu quyết cho bản hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố.

Nhân dân bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố. Nhân dân bầu, bãi nhiệm thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

- Dân kiểm tra, giám sát.

Nhân dân thực hiện quyền giám sát thông qua Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc trực tiếp thực hiện quyền giám sát thông qua khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Nội dung nhân dân tham gia giám sát chính là các nội dung nhân dân được biết, được tham gia ý kiến và được bàn bạc, quyết định và biểu quyết.

Ngoài ra, quyền giám sát của nhân dân còn được thể hiện qua việc lấy phiếu tín nhiệm những cán bộ chủ chốt cấp xã định kỳ trên cơ sở bản đóng góp ý kiến của nhân dân đối với bản tự kiểm điểm của đội ngũ này trước nhân dân. Theo Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành như sau:

1. Hai năm một lần trong mỗi nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cấp xã, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.

2. Thành phần tham gia lấy phiếu tín nhiệm gồm các thành viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên Ban thường vụ của các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, Trưởng ban thanh tra nhân dân, Trưởng ban giám sát đầu tư của cộng đồng (nếu có), Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố.

Bốn nội dung của thực hiện dân chủ ở cơ sở có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau. Có thực hiện được dân biết thì mới thực hiện được dân tham gia ý kiến, dân biểu quyết, quyết định cũng như kiểm tra, giám sát. Mức độ dân biết, dân bàn sẽ quyết định đến quy mô huy động lôi cuốn dân làm trong thực tế cuộc sống. Đồng thời, dân thực hiện được quyền kiểm tra, giám sát tốt thì sẽ tác động trở lại đối với việc thực hiện quyền tham gia ý kiến, quyền biểu quyết và quyết định của họ.

Một phần của tài liệu LA HA THI THUY DUONG (Trang 63 - 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(172 trang)
w