tự đấu tranh, khắc phục những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông
Đấu tranh chống những tư tưởng, đạo đức cũ, lạc hậu, xây dựng tư tưởng, đạo đức mới, cách mạng là một quá trình thống nhất, gắn liền với nhau đòi hỏi một giải pháp đồng bộ, toàn diện. Các giải pháp về công tác cán bộ, giáo dục, đào tạo, tổ chức, rèn luyện bằng kỷ luật, kiểm tra, đánh giá là rất quan trọng nhưng chỉ phát huy hết tác dụng khi phát huy được nhân tố chủ quan, sự tự giác tu dưỡng, rèn luyện của chính bản thân mỗi cán bộ cơ sở trong việc đấu tranh ngăn chặn, hạn chế những tâm lý, thói quen lạc hậu trong đó có tâm lý tiểu nông. Việc cho rằng chỉ bằng công tác giáo dục, tuyên truyền từ bên ngoài từ tổ chức Đảng, đoàn thể là có thể xoá bỏ được ngay tâm lý, tư tưởng cũ trong mỗi con người sẽ là ảo tưởng, chủ quan “Bồi dưỡng tư tưởng mới để đánh thắng tư tưởng cũ, đoạn tuyệt với con người cũ để trở thành con người mới không phải là một việc dễ dàng, không phải trong một lớp nghiên cứu vài tháng mà hoàn toàn thắng lợi” [118, tr.149]. Công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ bên ngoài cần kết hợp với sự tự giác đấu tranh trong bản thân mỗi con người, mỗi cán bộ. Hồ Chí Minh cũng đã từng căn dặn điều này “Muốn gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ tức là thoái bộ, là lạc hậu” [115, tr.284]. Do đó, việc phát huy tính tự giác, tích cực trong tự tu dưỡng, tự cải tạo của từng cán bộ cơ sở để xoá bỏ, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông là giải pháp không thể thiếu, tạo ta nội lực mạnh mẽ để ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong hoạt động công vụ, trong đó có thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đảng ta cũng khẳng định nguyên nhân dẫn tới những yếu kém, khuyết điểm của cán bộ ta trong đó có những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó “nguyên nhân chủ quan là chính”. Để phát huy tính tự giác đấu tranh, rèn luyện ở mỗi cán bộ cơ sở trong ngăn ngừa, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông thì trước hết cần phải làm cho cán bộ cơ sở hiểu rõ phải, trái, thấy được sự cần thiết phải xây dựng tư tưởng, lập trường cách mạng khoa học, có đạo đức cách mạng, sự cần thiết phải xoá bỏ những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông để tạo ra động lực bên trong mạnh mẽ. Do đó, công tác giáo dục đào tạo cán bộ cơ sở, đặc biệt về mặt tư tưởng, đạo đức, lập trường tư tưởng sẽ tạo nền tảng, tiền để cho việc phát huy tính tích cực, tự giác của cán bộ
trong tự đấu tranh, rèn luyện. Tâm lý, tư tưởng cũ trong đó có tâm lý tiểu nông giống như cỏ dại, chỉ chờ có cơ hội là phát triển vì vậy đòi hỏi cán bộ cơ sở phải có ý chí, quyết tâm cao, bền bỉ, kiên trì. Đó là một cuộc đấu tranh gay gắt, quyết liệt trong mỗi con người. Phát huy tính tích cực, tự giác của cán bộ cơ sở trong đấu tranh ngăn ngừa, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông còn đòi hỏi phải nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình trong từng cán bộ “Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi” [114, tr.584]. Cán bộ cơ sở phải có tinh thần phê bình và tự phê bình cao, thường xuyên tự soi mình, tự sửa, tự đánh giá đúng những ưu điểm, khuyết điểm của bản thân, những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong công việc, hoạt động hàng ngày của mình giống như rửa mặt với quyết tâm cao độ trong sửa chữa. Đồng thời, những đồng nghiệp cùng làm việc với nhau cũng cần nêu cao tinh thần phê bình, giúp đồng nghiệp của mình nhận ra những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong hoạt động công tác, trong thực hiện dân chủ ở cơ sở để sửa chữa, ngăn chặn. Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác cán bộ, cán bộ cơ sở cần nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, tự vượt qua những cám dỗ, vượt qua và chiến thắng chính mình, đấu tranh nội tâm sâu sắc để chủ động xoá bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông mới có thể tiến tới thắng lợi trọn vẹn.
Tiểu kết chương 4
Hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải sử dụng tổng hợp các biện pháp cả về kinh tế lẫn giáo dục, cơ chế, chính sách. Ở đây, tác giả đề xuất 4 giải pháp chính. Giải pháp thứ nhất là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - cơ sở vật chất xoá bỏ tâm lý tiểu nông. Trong giải pháp này, tác giả đã phân tích công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế thị trường sẽ giúp xóa bỏ những biểu hiện tiêu cực nào của tâm lý tiểu nông. Đồng thời, tác giả có đưa ra 1 số định hướng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giải pháp thứ hai là nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao trình độ, nhận thức, văn hóa
của nhân dân từ đó dần hạn chế những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong nhân dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Công tác giáo dục, tuyên truyền trong nhân dân rất rộng bao gồm nhiều nội dung, hình thức khác nhau, trong đó tác giả tập trung vào các giải pháp ngăn chặn phương thức tác động của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở là đổi mới nội dung, hình thức giáo dục gia đình và kế thừa những giá trị tốt đẹp, hạn chế những biểu hiện tiêu cực, lạc hậu trong phong tục, tập quán, hương ước, quy ước. Giải pháp thứ ba là hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế về thực hiện dân chủ ở cơ sở, đảm bảo dân chủ ở cơ sở thực thi trên thực tế là cơ sở để hạn chế những biểu hiện của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Giải pháp thứ tư là hoàn thiện công tác cán bộ ở cơ sở nhằm đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất, hạn chế dần những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông tới thực hiện dân chủ ở cơ sở của đội ngũ này. Khắc phục những biểu hiện của tâm lý tiểu nông trong công tác cán bộ ở cơ sở góp phần xóa bỏ tâm lý tiểu nông trong đội ngũ này. Đồng thời, công tác đào tạo bồi dưỡng, đánh giá, kiểm tra và chế độ chính sách đối với cán bộ cơ sở cũng trực tiếp hạn chế những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông ở đội ngũ này. Trong nhóm giải pháp thứ tư, tác giả còn cho rằng cần phải quan tâm nâng cao ý thức tự giác, tích cực trong hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông ở chính bản thân từng cán bộ cơ sở.
KẾT LUẬN
Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định hệ động lực tổng hợp để đổi mới và phát triển ở nước ta, trong đó có dân chủ đó là “Kết hợp hài hoà các lợi ích, phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nhân tố con người, vai trò của khoa học - công nghệ” [53, tr.76]. Để dân chủ phát huy được vai trò động lực thì dân chủ cần được thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm túc trên thực tế.
Tuy nhiên, quyền làm chủ của người dân có được thực thi trên thực tế hay không phụ thuộc vào nhiều nhân tố cả bên trong và bên ngoài. Những nhân tố bên trong của các chủ thể thực hiện dân chủ cũng rất nhiều như ý thức, năng lực làm chủ của người dân và năng lực tổ chức thực hiện dân chủ, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân, tôn trọng quyền và lợi ích của nhân dân ở đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước... Tuy nhiên, do lịch sử để lại, những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông ở cả nhân dân và đội ngũ cán bộ còn khá sâu sắc, dai dẳng đang là lực cản trên con đường phát huy dân chủ ở nước ta hiện nay.
Trong thực hiện dân chủ thì thực hiện dân chủ ở cơ sở là khâu quan trọng và cấp bách nhất. Đồng thời, cán bộ và nhân dân ở cơ sở, ở các xã là những đối tượng còn mắc nhiều biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông nặng nề nhất. Vì vậy, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở nước ta hiện nay đang là vấn đề cần thiết và cấp bách trong quá trình xóa bỏ những tàn dư, rào cản của quá khứ đối với thực hiện dân chủ. Chỉ khi nào ngăn chặn và hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực này thì việc thực hiện dân chủ ở cơ sở mới thực sự theo đúng pháp luật, ngày càng thực chất và có ý nghĩa trong phục vụ nhân dân, phát triển cộng đồng.
Xuất phát từ tầm quan trọng của vấn đề này, luận án đã phân tích khái niệm, bản chất, những biểu hiện tiêu cực cụ thể của tâm lý tiểu nông, các cơ sở hình thành tâm lý tiểu nông ở nước ta cũng như sự cần thiết và các nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, luận án đi vào làm rõ những phương thức tác động của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện
nay, sự cần thiết phải hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là những vấn đề lý luận quan trọng làm cơ sở cho quá trình đánh giá thực trạng ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tâm lý tiểu nông trong đội ngũ cán bộ cơ sở và nhân dân đã ảnh hưởng đến dân chủ ở cơ sở thông qua việc thực hiện dân chủ ở những chủ thể này. Từ đó, luận án đi vào đánh giá, tìm hiểu ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trên 4 nhóm quyền cơ bản của người dân là quyền được biết, quyền tham gia ý kiến, quyền biểu quyết, quyết định và quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân. Trên cơ sở phân tích thực trạng, luận án cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam thời gian qua. Những nguyên nhân này cũng là cơ sở để luận án đề xuất các giải pháp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực này là một quá trình khó khăn, lâu dài, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, toàn diện, kiên trì, bền bỉ. Tác giả luận án đề xuất 4 nhóm giải pháp cơ bản là đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế thị trường để xoá bỏ cơ sở vật chất của tâm lý tiểu nông; đổi mới công tác giáo dục tuyên truyền nâng cao trình độ văn hoá, nhận thức, ý thức của nhân dân, hạn chế tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở nhân dân; hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ; hoàn thiện công tác cán bộ ở cơ sở để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở đội ngũ cán bộ cơ sở. Tác giả hy vọng và tin tưởng rằng, những giải pháp này khi được quán triệt và thực hiện nghiêm túc sẽ xoá bỏ những lực cản trong thực hiện dân chủ ở nước ta hiện nay, nâng cao ý thức, năng lực làm chủ của người dân, trách nhiệm của cán bộ cơ sở trong đảm bảo quyền dân chủ của người dân, từ đó làm cho dân chủ được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, phát huy vai trò động lực của mình.