kiểm tra, giám sát của người dân
Thứ nhất, ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến việc thực hiện giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Do tác động của tâm lý tư lợi, vun vén cá nhân ở một số cán bộ cơ sở, họ quan niệm Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng chỉ chuyên xoi mói chính quyền, vạch lá tìm sâu, nếu các ban này hoạt động hiệu quả thì những việc làm khuất tất, tham nhũng của họ sẽ bị phanh phui, ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân của họ. Vì vậy, một số cán bộ cơ sở có thái độ bất hợp tác, không tích cực giúp đỡ và ủng hộ hoạt động của các ban này. Một số nơi Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động đơn độc, khó khăn. Cán bộ cơ sở có nhiều hoạt động cản trở hiệu quả hoạt động của các ban này. Ví dụ như, việc giám sát các dự toán, quyết toán ngân sách đòi hỏi phải am hiểu sâu chuyên môn nghiệp vụ về kế toán, tài chính. Việc giám sát các công trình xây dựng đòi hỏi phải có kiến thức về kỹ thuật xây dựng, đọc và hiểu các bản thiết kế, nắm được quy trĩnh kỹ thuật thi công. Thiếu kinh nghiệm, ít hiểu biết về lĩnh vực kiểm tra, giám sát là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong hoạt động kiểm tra, giám sát. Vì vậy, một số nơi, chính quyền cơ sở không quan tâm đến việc tập huấn, hướng dẫn, trang bị các kiến thức, kỹ năng chuyên môn cần thiết cho các thành viên của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban thanh tra nhân dân, đặc biệt là việc nắm bắt các quy định về Luật đầu tư, luật xây dựng, luật đất đai, luật bảo vệ môi trường. Từ đó, làm giảm hiệu quả giám sát, kiểm tra của các ban này, tạo điều kiện cho những hoạt động tư lợi, tham nhũng của cán bộ cơ sở có điều kiện tồn tại.
Cùng với nhiều nhân tố khách quan và chủ quan khác nhau và do tác động của tâm lý coi thường pháp luật, thiếu kỷ cương, kỷ luật cộng với tâm lý tư lợi, vun
vén cá nhân, một số cán bộ cơ sở không thực hiện đầy đủ quyền giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Tại một số địa phương, chủ đầu tư chưa quan tâm đến việc cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến công trình, dự án làm căn cứ phục vụ cho việc giám sát của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Trong khi đó, cán bộ cơ sở ở địa phương không nhắc nhở, xử lý thậm chí còn dung túng cho những hành vi trái luật này. Có trường hợp khi ban giám sát phát hiện và kiến nghị sai sót của chủ đầu tư, nhà thầu thi công để xử lý, nhưng chính quyền cấp xã không can thiệp hoặc để đó đợi từ năm này đến năm khác, không kịp thời khắc phục hậu quả, làm giảm hiệu quả giám sát của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Bản thân các thành viên của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng cũng mang nặng tâm lý tiểu nông làm hạn chế khả năng đại diện cho nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Một số thành viên trong các ban này còn có tâm lý thụ động, dựa dẫm, chưa thể hiện tốt vai trò và trách nhiệm, chưa chủ động trong việc lập kế hoạch, chương trình hoạt động mà chủ yếu dựa vào sự phân công chỉ đạo của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc. Những thành viên “đại diện” cho người dân tham gia vào ban này cũng thường do uỷ ban nhân dân chỉ định. Nguồn tài chính để hoạt động các ban này do chính quyền cơ sở chi phối. Chính vì Ban thanh tra, giám sát ở cấp cơ sở đều phụ thuộc vào uỷ ban nhân dân cả về tài chính lẫn nhân lực nên khi các thành viên của các ban này còn có tâm lý tư lợi cá nhân, trọng tình hơn lý, coi thường pháp luật thì họ sẽ không tích cực thực hiện việc giám sát, ngại va chạm, ngại đấu tranh, né tránh, sợ giám sát quá sẽ bị cắt kinh phí hoạt động ảnh hưởng đến lợi ích của mình hoặc không được cơ cấu vào ban nhiệm kỳ sau. Hoạt động của ban thanh tra nhân dân ở một số nơi chỉ đi sâu giám sát những công việc dễ thấy như chính sách xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, quản lý thu chi các loại quỹ do nhân dân đóng góp trong khi giám sát cán bộ, công chức, giám sát uỷ ban nhân dân và các cơ quan công quyền trên địa bàn chưa đạt yêu cầu. Thậm chí, trong quá trình giám sát, một số thành viên ban giám sát đầu tư của cộng đồng có tâm lý tư lợi, vun vén cá nhân, nhận thù lao bồi dưỡng riêng từ chủ đầu tư. Điều này không đảm bảo tính hiệu quả, tính công bằng trong hoạt động giám sát.
Chính vì những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong đội ngũ cán bộ cơ sở và những thành viên của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng như đã phân tích ở trên nên hiệu quả hoạt động của các ban này không cao, quyền giám sát của người dân thông qua đại diện của mình là Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng còn hạn chế. Theo khảo sát của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2011 chỉ có 30% số Ban Thanh tra nhân dân hoạt động tốt, số còn lại hoạt động trung bình hoặc yếu kém, thậm chí Ban Thanh tra nhân dân thành lập ra nhưng không hoạt động hoặc hoạt động hình thức [70, tr.96]. Cũng theo khảo sát của Nguyễn Văn Hiền, có 51,7% số người cho rằng, Ban thanh tra nhân dân chưa thực hiện tốt vai trò thực hiện dân chủ ở cơ sở [70, tr.259]. Hiệu quả hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng cũng còn khá mờ nhạt, theo khảo sát của tác giả Nguyễn Văn Hiển, có 39,8% đánh giá tốt vai trò của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, trong khi đánh giá ở mức trung bình là 37,4% vào 10,7% ý kiến đánh giá chưa tốt [70, tr.170].
Thứ hai, ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến việc nhân dân trực tiếp thực hiện giám sát thông qua quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị.
Để thực hiện tốt quyền nhân dân trực tiếp thực hiện giám sát thì bản thân nhân dân phải có ý thức làm chủ, năng lực làm chủ. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều cản trở chủ quan khác, chính tâm lý tiểu nông vẫn còn nặng nề ở một bộ phận nhân dân nên cũng hạn chế việc thực hiện quyền trực tiếp giám sát của mình.
Một bộ phận nhân dân có tâm lý thụ động, dựa dẫm vào tập thể, thiếu tinh thần trách nhiệm cá nhân nên chưa tích cực, chủ động thực hiện quyền trực tiếp giám sát. Họ quan niệm công việc của thôn, xã là công việc của chính quyền, không phải của mình, coi giám sát là việc chung, chẳng liên quan gì đến mình hoặc mình chẳng có trách nhiệm gì. Cũng do tâm lý tư lợi, vun vén cá nhân nên khi thực hiện quyền giám sát, họ chỉ quan tâm kiểm tra, giám sát việc liên quan trực tiếp đến lợi ích của họ như mức đóng góp kinh phí, giải quyết khiếu nại tố cáo, quản lý và sử dụng đất đai, thực hiện chế độ ưu tiên ưu đãi mà họ là diện được hưởng, còn những việc khác ít liên quan trực tiếp đến lợi ích bản thân, họ không quan tâm đến việc thực hiện quyền giám sát mà pháp luật trao cho, mà thường dựa vào ban thanh tra
nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Theo khảo sát của tác giả Trương Thị Hiền về việc người dân tham gia giám sát ở 6 nội dung là giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, thi công, nghiệm thu, quyết toán các công trình phúc lợi công cộng, quản lý và sử dụng đất đai, thu chi các loại quỹ công ở xã, thanh tra các vụ tiêu cực, tham nhũng liên quan đến cán bộ xã, thôn, ấp, thực hiện chế độ chính sách ưu đãi, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, số người tham gia việc giám sát ít nhất là thanh tra các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, liên quan đến cán bộ xã, thôn, ấp chiếm 10,3%, hai nội dung mà số người dân tham gia giám sát cao nhất là 23% là đối với thực hiện chế độ chính sách ưu đãi, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và thi công, nghiệm thu, quyết toán các công trình phúc lợi công cộng [74]. Đây cũng là những nội dung có liên quan đến lợi ích cá nhân, trực tiếp, thiết thân của họ. Một biểu hiện nữa của tâm lý tư lợi, vun vén cá nhân, chỉ chăm chăm lo cho lợi ích của bản thân trong việc trực tiếp thực hiện quyền kiểm tra, giám sát là người dân chưa tích cực kiểm tra, giám sát những công trình đầu tư từ ngân sách nhà nước, ngay kể cả khi những công trình đó liên quan trực tiếp đến đời sống của cộng đồng. Vì nguồn kinh phí từ cấp trên, người dân chỉ được hưởng lợi, nếu công trình không phát huy tác dụng thì họ cũng chẳng mất gì. Hơn nữa, người ta sợ đấu tranh thì cấp trên sẽ không cho nữa. Do đó, người dân chỉ tích cực thực hiện quyền kiểm tra, giám sát đối với các công trình do họ trực tiếp đóng góp. Một bộ phận người dân có tâm lý trọng tình hơn lý nên biểu hiện dĩ hoà vi quý, ngại va chạm, ngại hỏi đến cùng sợ dẫn đến mâu thuẫn vì dù sao cũng đều là quan hệ xóm làng cả nên ít chất vấn. Chính những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông này ở một bộ phận nhân nhân dân làm hạn chế ý thức làm chủ của người dân trong kiểm tra, giám sát nên nhiều công trình hạ tầng nông thôn như đường sá, cầu cống, kênh mương, trường học, nhà văn hoá thôn do doanh nghiệp thi công, người dân tham gia giám sát còn hình thức, chưa hiệu quả. Không ít công trình chất lượng chưa đạt yêu cầu, xảy ra hiện tượng giá thành thực hiện một số công trình trong đề án cao nhiều lần so với giá thực tế hoặc tình trạng rút ruột đường nông thôn mới ở một số địa phương.
Bên cạnh đó, do nhận thức, hiểu biết chưa đầy đủ về pháp luật và tâm lý trọng lệ hơn luật, coi thường pháp luật, chưa hiểu biết đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhẹ dạ cả tin, bị kẻ xấu kích động, lôi kéo, xúi giục, nên một bộ phận nhân dân có những hành vi phạm pháp luật trong thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, thậm chí còn vu khống cán bộ. Cũng không ít hiện tượng lạm dụng quyền dân chủ để làm những việc sai trái như có trường hợp công dân vì đố kỵ, hiềm khích cá nhân suy diễn tạo dựng sự việc không có thật, đưa ra các tài liệu giả vu khống, kích động làm mất đoàn kết nội bộ. Có trường hợp đi khiếu tố “thuê” để được hưởng lợi từ những người có liên quan đến vụ việc khiếu tố nhưng không muốn lộ diện. Có những người lợi dụng sự thiếu biết về pháp luật của một bộ phận nhân dân để kích động, gây rối, phục vụ mục đích cá nhân hoặc phe cánh.
Tâm lý bè phái, cục bộ, họ hàng và tâm lý coi thường pháp luật ở một bộ phận cán bộ cơ sở cũng làm hạn chế quyền trực tiếp giám sát của nhân dân. Cán bộ cơ sở là người nhận những khiếu nại, tố cáo của nhân dân và giải quyết những khiếu nại, tố cáo đó. Nhưng vì đối tượng bị tố cáo đôi khi là những người họ hàng, cùng phe cánh nên không thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, xử lý không nghiêm người vi phạm, có hiện tượng bao che, giơ cao đánh khẽ, hình thức xử lý không tương xứng với mức độ vi phạm. Nhiều tố cáo của nhân dân chưa được xem xét xử lý kịp thời, nghiêm minh, có cơ quan nhận tin tố cáo không tiến hành kiểm tra, xác minh đầy đủ hoặc cho rằng thiếu chứng cứ, căn cứ để xem xét. Vì vậy, theo số liệu khảo sát của PAPI năm 2017 tại Việt Nam về quản trị ở cộng đồng cơ sở, tỷ lệ người cho biết khiếu nại của họ được trả lời thoả đáng còn thấp chỉ là là 53% và tỷ lệ người cho biết tố cáo của họ được trả lời thoả đáng còn thấp hơn chỉ có 33% [25, tr 39].
Thứ ba, ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến việc nhân dân trực tiếp góp ý bản kiểm điểm của các cán bộ chủ chốt ở cơ sở.
Theo quy định, cán bộ chủ chốt ở các xã được lấy phiếu tín nhiệm phải viết và tự đọc bản kiểm điểm tại cuộc họp thôn để nhân dân góp ý vào bản kiểm điểm nhằm mục đích nhân dân thấy được quá trình công tác, năng lực và phẩm chất của cán bộ đồng thời là cơ hội để lắng nghe nhân dân góp ý rút kinh nghiệm và sửa
chữa những khuyết điểm. Tuy nhiên, do tâm lý thụ động, dựa dẫm tập thể, thiếu trách nhiệm cá nhân, tâm lý tư lợi chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân đồng thời do tâm lý trọng tình hơn lý, ngại va chạm với những người quen biết cùng xóm giềng nên người dân không chủ động quan tâm đến việc góp ý cũng như không nhiệt tình, thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế của cán bộ. Một bộ phận người dân chưa quan tâm đến hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại xã, theo khảo sát của tác giả Nguyễn Văn Hiển, có 41,3% số người trả lời chưa từng tham gia hội nghị góp ý vào bản kiểm điểm công tác ở thôn, tổ dân phố, với nhóm đối tượng khảo sát là những người dưới 30 tuổi thì tỷ lệ này còn cao hơn, có 56,3% [70, tr.279]. Việc họ tham gia hội nghị góp ý đã ít nhưng chưa chắc họ đã tích cực và có những ý kiến góp ý thực sự có chất lượng cho hoạt động của các cán bộ xã khi chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm.
Tâm lý tiểu nông còn tồn tại trong bản thân những cán bộ chủ chốt lấy phiếu tín nhiệm là Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã và Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã cũng như những người có trách nhiệm trong công tác lấy phiếu tín nhiệm nên cũng tác động tiêu cực đến việc thực hiện quyền trực tiếp góp ý vào bản kiểm điểm công tác của cán bộ cơ sở.
Viết và đọc bản kiểm điểm trong hội nghị góp ý kiến của nhân dân là yêu cầu bắt buộc trước khi lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, những cán bộ này còn có tâm lý tư lợi, vun vén cá nhân, và tâm lý coi thường pháp luật, sợ nhân dân góp ý những hành vi sai trái, nhũng lạm, thu vén lợi ích cá nhân nên thực hiện chiếu lệ, hình thức. Nhiều bản kiểm điểm của cán bộ đưa ra trước nhân dân rất sơ sài, hình thức nhiều khi giống báo cáo thành tích của xã, chưa thẳng thắn nhìn nhận những sai phạm, khuyết điểm của bản thân người làm kiểm điểm. Việc không nghiêm túc tuân thủ quy định này còn thể hiện ở chỗ có tình trạng bản kiểm điểm không do người được lấy phiếu tín nhiệm tự trình bày mà lại do cán bộ thôn đọc, cán bộ viết bản kiểm điểm viện lí do bận đi công tác vắng mặt không tham dự. Thái độ không nghiêm túc trong thực hiện quy định này còn biểu hiện ở chỗ cán bộ không có thái độ cầu thị, lắng nghe, sửa chữa những khuyết điểm theo ý kiến đóng góp của nhân dân. Có không ít cán bộ được nhân dân góp ý, chỉ ra nhiều khuyết điểm nhưng chưa nghiêm túc tiếp thu và sửa chữa. Có 26,5% số người cho rằng cán bộ tiếp thu sửa