những quy định nhằm tăng quyền của người dân
Về nội dung thực hiện quyền nhân dân được biểu quyết, quyết định, có thể và cần chuyển một số nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định thành nội dung nhân dân biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định đó là việc quản lý sử dụng quỹ đất của cấp xã, chủ trương phương án đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tái định cư, phương án quy hoạch khu dân cư, kế hoạch sử dụng các khoản đóng góp của người dân… Những nội dung này không mang tính chất kỹ thuật, chuyên môn cao và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi cơ bản của người dân, có tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương nên phải được nhân dân biểu quyết làm cơ sở cho cấp có thẩm quyền quyết định. Hơn nữa, đây là những nội dung kinh tế chứa đựng nhiều lợi ích, việc tăng quyền cho nhân dân được biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định sẽ hạn chế sự tuỳ tiện, không tuân thủ pháp luật của cán bộ cơ sở nhằm tư lợi cá nhân hoặc nhóm lợi ích bè phái cục bộ.
Với các nội dung cần lấy ý kiến của nhân dân trước khi cấp có thẩm quyền quyết định, cần có những quy định cơ chế đảm bảo việc lấy ý kiến có chất lượng, ngăn cản việc cán bộ cơ sở tuỳ tiện quyết định theo lợi ích cá nhân hoặc nhóm lợi ích cục bộ, địa phương. Ví dụ như để nâng cao chất lượng đóng góp ý kiến của nhân dân như với nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định (dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã), cần kèm theo văn bản giải thích cụ thể, rõ ràng về nội dung của các dự thảo cần lấy ý kiến nhân dân. Điều này giúp nhân dân đóng góp có hiệu quả hơn bởi những dự thảo nói trên thường có tính chuyên môn, kỹ thuật cao, nếu không sẽ gây khó khăn cho người dân. Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến nên có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nội dung quan trọng nhất của dự thảo. Hoặc với những dự án xây dựng trên địa bàn xã, phường dù không sử dụng kinh phí do nhân dân đóng góp nhưng liên quan đến lợi ích, đời sống của người dân cũng cần thông tin công khai, tổ chức thăm dò ý kiến người dân về việc triển khai các dự án xây dựng công trình công cộng tại địa bàn cấp xã. Đặc biệt, để tránh tình trạng cán bộ cơ sở vẫn lấy ý kiến nhân dân nhưng không tiếp thu, vẫn áp đặt theo lợi ích cá nhân khi quyết định cần quy định cụ thể về việc giải trình của chính quyền cấp xã trước nhân dân đối với những nội dung đã lấy ý kiến, những ý kiến nào tiếp thu, những ý kiến nào chưa tiếp thu, tại sao chưa tiếp thu.
Để hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tư lợi cá nhân và dòng họ của cán bộ cơ sở, pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn cũng cần tăng quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân cả hình thức trực tiếp và đại diện cũng như các cơ chế đảm bảo quyền kiểm tra, giám sát được thực thi trên thực tế. Pháp lệnh cần quy định rõ, cụ thể hơn trách nhiệm quyền hạn, cách thức hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, ví dụ quy định rõ, cụ thể quy trình tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Gắn vai trò và trách nhiệm của Ban Giám sát khi kết thúc công trình bằng cách quy định đại diện Ban Giám sát phải là một bên ký xác nhận trong biên bản nghiệm thu công trình. Đây là hình thức để thể hiện ý kiến của ban giám sát về chất lượng công trình, mức độ hài lòng của người dân trong quá trình giám sát. Điều này sẽ hạn chế bớt
những hoạt động tham nhũng, tư lợi trong xây dựng công trình ở một số cán bộ cơ sở. Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn là thiết chế giám sát của nhân dân, có tính chất đại diện cho cộng đồng dân cư, các thành viên được lựa chọn từ cộng đồng, do cộng đồng bầu ra và chỉ bị bãi nhiệm bởi hội nghị của cộng đồng nhân dân. Vì vậy, cần hoàn thiện quy trình bầu ban thanh tra nhân dân theo hướng giảm thiểu tối đa sự can thiệp của chính quyền vào quá trình lựa chọn người cũng như bầu cử. Đồng thời, sẽ là không phù hợp nếu đặt thiết chế thanh tra nhân dân bên cạnh thiết chế thanh tra chuyên ngành được điều chỉnh bởi luật Thanh tra. Luật thanh tra cần sửa đổi theo hướng chỉ điều chỉnh tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra chuyên ngành, không điều chỉnh tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân. Thiết chế thanh tra nhân dân nên được quy định tập trung trong pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, ban đầu tư giám sát của cộng đồng, pháp lệnh cũng cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong tổ chức đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giám sát, cung cấp tài liệu, thông tin đầy đủ cho các ban này. Nhiệm kỳ của Ban thanh tra nhân dân hiện nay là 2 năm là quá ngắn làm cho cơ cấu tổ chức thiếu ổn định, cơ quan có thẩm quyền không thể xây dựng được kế hoạch, phương hướng bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thành viên Ban thanh tra nhân dân nhằm nâng cao chất lượng giám sát. Vì vậy, cần tăng nhiệm kỳ của Ban thanh tra nhân dân lên 5 năm. Trong việc thực hiện quyền giám sát của nhân dân, pháp lệnh cũng cần tăng thêm các hình thức dân chủ trực tiếp của nhân dân ở xã, phường, thị trấn như nhân dân được tham gia bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, Chủ tịch phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã. Điều này sẽ giúp cho cán bộ chủ chốt cơ sở nâng cao trách nhiệm trong thực hiện công vụ nói riêng, trong tổ chức thực hiện pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
4.4. HOÀN THIỆN CÔNG TÁC CÁN BỘ NHẰM ĐẢM BẢO ĐỘI NGŨ CÁNBỘ, CÔNG CHỨC Ở CƠ SỞ CÓ ĐỦ NĂNG LỰC, PHẨM CHẤT