nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới, cần chú ý một số định hướng sau:
Một là, cần chuyển đổi mạnh chính sách đầu tư theo hướng tập trung ưu đãi hơn nữa cho nông nghiệp, bao gồm cả đầu tư của Nhà nước, đầu tư của hộ nông dân, của doanh nghiệp trong nước và vốn đầu tư gián tiếp và trực tiếp nước ngoài. Trong khi hiện nay các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp và dịch vụ thì Nhà nước, một mặt có chính sách ưu đãi hơn đối với đầu tư ngoài Nhà nước cho nông nghiệp để bảo đảm các nhà đầu tư thu lợi nhiều hơn; mặt khác Nhà nước phải ưu tiên trực tiếp đầu tư cho nông nghiệp. Trong tình thế mới hiện nay, đầu tư cho nông nghiệp cần tập trung cho mục tiêu "năm
hóa": thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hóa, sinh học hóa nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, Nhà nước cũng cần chú ý đầu tư và khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất theo chuẩn quốc tế như VietGap trong sản xuất nông nghiệp…
Hai là, có những chính sách ưu đãi và khuyến khích để phát triển ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp ở Việt Nam nhằm cung cấp vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp nước ta cả về số lượng và chất lượng. Phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp sẽ trực tiếp góp phần vào việc thực hiện năm hoá ở nước ta là thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hóa, sinh học hóa.
Ba là, coi trọng nâng cao trình độ dân trí nói chung và trình độ kỹ thuật, công nghệ cho người lao động nông nghiệp. Nhà nước cần có cơ chế phù hợp đẩy mạnh giáo dục, đào tạo trong nông dân, nông thôn, các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển mạng lưới khuyến nông phổ biến tập huấn kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân.
Bốn là, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, chủ yếu bằng con đường xây dựng hợp tác xã kiểu mới. Hoàn thiện chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất, có cơ chế khuyến khích hình thành các trang trại, công ty cổ phần, doanh nghiệp nông nghiệp, các hình thức tổ chức hợp tác xã, liên doanh liên kết giữa các hộ nông dân trong mô hình cánh đồng lớn, khuyến khích các doanh nghiệp lớn bao tiêu sản phẩm cho nông dân, ký kết sản xuất theo hợp đồng cho nhân dân…
Giải pháp để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta cần tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay bao gồm các thể chế về sở hữu, các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp, thể chế phân phối cả đầu vào và đầu ra, thể chế bảo đảm đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, thể chế đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh
tế quốc tế, thể chế đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước để kinh tế thị trường ở nước ta phát triển hiện đại, hội nhập và theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường quản lý nhà nước đối với nền kinh tế nhằm giảm thiểu can thiệp của Nhà nước vào giá cả, tăng cường điều tiết thông qua các công cụ thị trường. Nhà nước sử dụng chính sách tài chính, tiền tệ, thương mại quốc tế để điều tiết phân bổ nguồn lực và phân phối của cải xã hội, khắc phục cơ chế bao cấp, xin cho trong các quan hệ kinh tế, xoá bỏ độc quyền doanh nghiệp, ưu đãi theo loại hình doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và thực thi pháp luật về kinh tế của nhà nước… Điều này sẽ làm hạn chế những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường, từ đó xoá bỏ mảnh đất dung dưỡng cho những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông.
Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở địa bàn nông thôn, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Nhân dân, nông dân ở vùng nông thôn là nơi mà những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông còn tồn tại nặng nề hơn nhưng cũng là nơi mức độ phát triển kinh tế thị trường còn thấp, vì vậy phải đẩy nhanh tốc độ thị trường hoá trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt ở đây. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong sản xuất nông nghiệp, ở vùng nông thôn, cần khuyến khích phát triển các dịch vụ cung ứng, phân phối, thu mua các mặt hàng sản xuất và tiêu dùng, mở rộng số lượng, quy mô các chợ giao dịch nông sản, tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi cung ứng, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để người nông dân sản xuất theo thị trường, hạn chế dần tình trạng sản xuất tự cung, tự cấp.