Theo tác giả Chu Bích Thu: “Cuộc sống của chúng ta không ngừng thay đổi, lượng kiến thức nhân loại tiếp thu được ngày càng tăng nhanh theo cấp số nhân trong khi thời gian và lượng kiến thức mà ta thu nhận được từ việc học ở trường là có giới hạn. Vì vậy để theo kịp sự phát triển của nhân loại thì mỗi người phải có khả năng học và hoạt động độc lập trong việc tìm kiếm tri thức. Hoạt động độc lập đó được gọi là tự học” [31].
Trên cơ sở nghiên cứu lí luận và thực tiễn đào tạo, GS.Viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn (Một tấm gương lớn về dạy học) cho rằng: “Tự học là tự mình động não, suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ (quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp,...) và có khi cả cơ bắp (khi phải sử dụng công cụ), cùng các phẩm chất của mình, rồi cả động cơ tình cảm, cả
nhân sinh quan, thế giới quan,... để chiếm lĩnh một lĩnh vực hiểu biết nào đó của nhân loại, biến lĩnh vực đó trở thành sở hữu của mình”[33].
Tác giả Nguyễn Kỳ ở Tạp chí Nghiên cứu giáo dục số 7/1998 cũng bàn về khái niệm tự học: “Tự học là người học tích cực chủ động, tự mình tìm ra tri thức kinh nghiệm bằng hành động của mình, tự thể hiện mình. Tự học là tự đặt mình vào tình huống học, vào vị trí nghiên cứu, xử lí các tình huống, giải quyết các vấn đề, thử nghiệm các giải pháp…Tự học thuộc quá trình cá nhân hóa việc học”.
Trong tập bài giảng chuyên đề Dạy tự học cho sinh viên trong các nhà trường trung học chuyên nghiệp và Cao đẳng, Đại học, GS – TSKH Thái Duy Tuyên viết: “Tự học là hoạt động độc lập chiếm lĩnh kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo, là tự mình động não, suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ (quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp…) cùng các phẩm chất động cơ, tình cảm để chiếm lĩnh tri thức một lĩnh vực hiểu biết nào đó hay những kinh nghiệm lịch sử, xã hội của nhân loại, biến nó thành sở hữu của chính bản thân người học”.
Trong bài phát biểu tại hội thảo Nâng cao chất lượng dạy học tổ chức vào tháng 11 năm 2005 tại Đại học Huế, GS Trần Phương cho rằng: “Học bao giờ và lúc nào cũng chủ yếu là tự học, tức là biến kiến thức khoa học tích lũy từ nhiều thế hệ của nhân loại thành kiến thức của mình, tự cải tạo tư duy của mình và rèn luyện cho mình kĩ năng thực hành những tri thức ấy”.
Tiến sĩ Võ Quang Phúc cho rằng: “Tự học là một bộ phận của học, nó cũng được hình thành bởi những thao tác, cử chỉ, ngôn ngữ, hành động của người học trong hệ thống tương tác của hoạt động dạy học. Tự học phản ánh rõ nhất nhu cầu bức xúc về học tập của người học, phản ánh tính tự giác và sự nỗ lực của người học, phản ánh năng lực tổ chức và tự điều khiển của người học nhằm đạt được kết quả nhất định trong hoàn cảnh nhất định với nồng độ học tập nhất định”.
Tự học thể hiện bằng cách tự đọc tài liệu, sách giáo khoa, sách báo, nghe radio, đài truyền hình, nghe báo cáo, xem phim, … Người tự học phải biết cách lựa chọn tài liệu, tìm ra những điểm chính, điểm quan trọng trong các tài liệu đã đọc, đã nghe, phải biết cách ghi chép những điều cần thiết, biết viết tóm tắt đề cương, biết cách tra cứu từ điển, sách tham khảo, biết cách làm việc trong thư viện…
Đối với học sinh, tự học còn thể hiện bằng cách tự làm các bài tập, tham gia các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ. Tự học đòi hỏi phải có tính độc lập, tự chủ, tự giác và kiên trì cao.
Tóm lại, tự học là một hình thức, một bộ phận của hoạt động học, nó đòi hỏi người học phải tự thân vận động tìm tòi và chiếm lĩnh tri thức thông qua việc lựa chọn, tham khảo tài liệu. Đối với học sinh thì tự học còn là tự tìm lấy kiến thức thông qua tài liệu dưới sự hướng dẫn của GV.