tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực văn hóa - xã hội
Thứ nhất, ở phương diện xã hội, dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa đều được thể hiện với tính cách là phương thức tổ chức, quản lý và hoạt động của tổ chức và xã hội. Tuy nhiên, cách thức thực hiện, tổ chức, quản lý và hoạt động của tổ chức và xã hội lại có sự khác nhau mang tính bản chất.
Một tổ chức hoặc cộng đồng xã hội muốn tồn tại, vận động và phát triển phải được tổ chức theo một cơ cấu hợp lý, với sự vận hành thông suốt, năng động, nhịp nhàng. Muốn vậy, cần tìm ra những cách thức, phương pháp, phương tiện phù hợp, hiệu quả có thế quy tụ và phát huy được các nguồn lực, trước hết là nguồn lực con người để xây dựng và phát triển xã hội. Thực tiễn lịch sử thế giới cho thấy, dân chủ là hình thức, phương pháp quản lý, tổ chức xã hội ưu việt và có hiệu quả nhất [76, tr.18].
Khi giai cấp tư sản ra đời, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, do các cuộc cách mạng công nghiệp đem lại, xu hướng dân chủ, tự do nảy nở và phát triển mạnh mẽ. Tự do cá nhân, duy trì tư hữu tư sản, chạy theo lợi nhuận là nhu cầu thiết yếu để giai cấp tư sản tự do kinh doanh, tự do mua bán sức lao động, tự do thông thương mở rộng thị trường. Đây là cơ sở kinh tế và cơ sở xã hội của dân chủ tư sản.
Giương cao ngọn cờ dân chủ, tự do, bình đẳng, giai cấp tư sản đã lãnh đạo các cuộc cách mạng tư sản, thiết lập nền cộng hòa dân chủ tư sản hoặc chế độ quân chủ đại nghị. Trong nền chuyên chính tư sản ấy, khác với chuyên chính của giai cấp thống trị (chủ nô và phong kiến) trước đây, chuyên chính tư sản thường được sử dụng các hình thức tổ chức và quản lý xã hội khác nhau, mà nổi trội là chế độ dân chủ tư sản; điều này phù hợp với cơ sở kinh tế của chế độ tư bản chủ nghĩa là quan hệ sản xuất tư sản, trong đó các cá nhân, công dân của xã hội tư sản, về mặt hình thức là được tự do cá nhân, không thuộc quyền sở hữu của giới chủ tư sản. Trong quản lý xã hội, giai cấp tư sản long trọng tuyên bố quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, biểu tình, quyền bầu cử, ứng cử, đồng thời sử dụng phương thức dân chủ trong tổ chức và hoạt động xã hội, trong đó có sự tham gia nhất định của quần chúng nhân dân dưới các hình thức và mức độ, phạm vi khác nhau. Mặc dù, về thực chất, mọi quyết định quan trọng, sự tham gia của quần chúng nhân dân rất mờ nhạt, mang tính hình thức. Bởi, giai cấp tư sản với sự lọc lõi về chính trị, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, nhiều mánh khóe về luật pháp, quy định, quy chế, tạo ra các rào cản hữu hình và vô hình, hạn chế sự tham gia của quần chúng trong việc đưa ra các quyết định, nhất là các vấn đề động chạm đến sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa và đe dọa đến chính quyền tư sản, tới an ninh trật tự xã hội tư sản [76, tr.20].
Bên cạnh đó, giai cấp tư sản, trong nền dân chủ tư sản còn sử dụng phương thức cưỡng chế, chuyên chính. Đây là một phương thức cơ bản của nhà nước tư sản để quản lý xã hội, nhất là trong xã hội tư sản có khủng hoảng chính trị và những biến động xã hội nghiêm trọng. Hoặc nhà nước tư sản thường kết hợp hai phương thức cơ bản trong quản lý xã hội theo kiểu "vừa đấm vừa xoa", "cây gậy và củ cà rốt", giai cấp tư sản, có thể sử dụng bất kỳ theo kiểu phương thức gì, miễn là đem lại hiệu quả quản lý xã hội cho chế độ tư bản.
Từ đó có thể thấy, công cụ cơ bản của chuyên chính tư sản để quản lý xã hội là chế độ dân chủ tư sản hay chế độ quân chủ đại nghị (quân chủ lập hiến) cùng hai phương thức chủ yếu là chuyên chính và dân chủ. Dân chủ đã trở
thành phổ biến trong phương thức quản lý và tổ chức của chủ nghĩa tư bản, mặc dù còn có nhiều hạn chế và mang tính hình thức nhất định. Việc sử dụng hình thức nhà nước và phương thức quản lý xã hội gì, tùy thuộc vào bối cảnh lịch sử cụ thể của mỗi nhà nước tư sản trong các giai đoạn, thời kỳ cụ thể, song đều là nền chuyên chính tư sản và đều nhằm duy trì, bảo vệ quyền lợi kinh tế, quyền lực chính trị thống trị của giai cấp tư sản. V.I Lênin nhấn mạnh: "Những hình thức của các nhà nước tư sản thì hết sức khác nhau, nhưng thực chất chỉ là một: chung quy lại thì tất cả những nhà nước ấy, vô luận thế nào, cũng tất nhiên phải là nền chuyên chính tư sản" [123, tr.44].
Trong nền dân chủ tư sản, dân chủ không phải là mục tiêu mà giai cấp tư sản theo đuổi với ý nghĩa là đem lại tự do, bình đẳng, công bằng, quyền làm chủ thật sự cho nhân dân lao động, mà chủ yếu là một phương thức, phương tiện để duy trì, quản lý xã hội tư sản, bảo vệ quyền lợi, quyền lực thống trị của giai cấp tư sản.
Bởi thế, các thể chế và phương thức dân chủ có những hạn chế không tránh khỏi, có tính hình thức, đặc biệt là đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Thí dụ, quyền bình đẳng giữa các công dân trong tham gia quản lý xã hội, quản lý nhà nước, được pháp luật ghi nhận, nhưng chừng nào, người dân còn nghèo khổ, thất nghiệp, không được tiếp cận thông tin…thì thực tế họ cũng không thiết gì đến dân chủ, đến tham gia quản lý xã hội. Được hưởng những phúc lợi của tự do cá nhân trước hết là những người giàu có, khá giả, còn những người đầu tắt mặt tối, do chạy việc làm, kiếm sống thì đó là điều xa vời, trống rỗng. Tự do báo chí hay các thứ tự do về mặt xã hội khác được sử dụng chủ yếu bởi các tập đoàn truyền thông khổng lồ, bởi các thế lực nắm quyền sở hữu, nắm quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông, và sử dụng chúng để uốn nắn, định hướng dư luận theo ý đồ nào đó của các thế lực ấy, chứ không thể là của những người dân bình thường.
Trong khi đó, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa coi dân chủ là thuộc tính bản chất của chủ nghĩa xã hội. Bởi lẽ, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng xã hội, đem lại tự do, bình đẳng thật sự, tạo mọi điều kiện để con
người phát triển toàn diện, trở thành người làm chủ xã hội, làm chủ tự nhiên và làm chủ chính bản thân mình, là mục đích tự thân của chủ nghĩa xã hội. Do đó, đương nhiên, dân chủ là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Mặt khác, dân chủ lại là con đường, thiết chế, phương thức quan trọng đặc biệt để xây dựng, bảo vệ và phát triển xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Chỉ có thực hiện và phát huy dân chủ mới có thể xây dựng, bảo vệ và phát triển thắng lợi chủ nghĩa xã hội. Người xưa thường nói "dân là thứ nhất", "chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân". Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong"; đồng thời khẳng định rằng: "dân chủ là của quý bậc nhất của nhân dân"; "dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết công việc". Thực hiện và phát huy dân chủ bằng việc vận dụng đúng đắn, có hiệu quả phương thức dân chủ sẽ phát huy tốt nhất sức mạnh sáng tạo, tích cực, chủ động của nhân dân. Dân chủ xã hội chủ nghĩa không chỉ là bản chất, là mục tiêu mà còn là công cụ, phương thức, động lực quan trọng để đạt được các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, dân chủ là phương thức chủ đạo trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội, xây dựng các tổ chức; đồng thời, là cách thức vận hành của tất cả thể chế, thiết chế xã hội, đưa các giá trị dân chủ xã hội chủ nghĩa đi và cuộc sống. Sự vận hành của toàn bộ phương thức dân chủ là thuộc về nhân dân. Nhân dân tham gia một cách dân chủ vào việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, thiết chế, cơ chế, nguyên tắc, đồng thời chính nhân dân lại là chủ thể tham gia vào sự vận hành dân chủ, và được hưởng thụ các thành quả dân chủ. Quá trình này làm cho trình độ, năng lực làm chủ, dân chủ của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhân dân ngày càng quen và thuần thục hơn, ngày càng hiểu biết toàn diện và sâu sắc hơn về dân chủ; Nhờ đó, càng phát huy được quyền làm chủ, trí tuệ và năng lực sáng tạo của mình trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước
Thứ hai, dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa đều là giá trị tiến bộ xã hội, đều thừa nhận những quyền tự do, bình đẳng của công dân.
Các cuộc đấu tranh để giành lấy dân chủ đều dẫn đến những khả năng giải phóng, nâng cao vị trí của con người trong lịch sử hình thành và phát triển
ở con người ý thức và năng lực làm chủ xã hội. Mặc dù có những khuyết tật, những hạn chế nhưng những thành tựu của dân chủ tư sản, xét về ý nghĩa khách quan, đều mang những tiến bộ xã hội, vì nó từng bước chuẩn bị tiến tới nền dân chủ đầy đủ, triệt để và hoàn thiện nhất trong chủ nghĩa xã hội. Mặc dù chưa đem lại quyền lực cho đa số người lao động, nhưng nền dân chủ tư sản vẫn cần thiết đối với tiến bộ xã hội. Nó tích lũy và làm chín muồi ý thức dân chủ, tinh thần phản kháng mọi hiện tượng bất công, mất dân chủ, tạo nên sự trưởng thành về chính trị, ý thức giai cấp của quần chúng, cung cấp cho họ kinh nghiệm thực tiễn cần thiết để chuyển từ đấu tranh đòi cải thiện dân sinh dân chủ sang đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội, tức là vì dân chủ thực sự, triệt để nhất.
Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, dân chủ luôn gắn liền với việc bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của công dân. Theo hai ông: "… những quyền tự do như tự do báo chí, tự do lập hội và tự do hội họp, quyền đầu phiếu phổ thông, quyền tự trị của địa phương - những quyền mà nếu không có… thì công nhân sẽ không bao giờ có thể giải phóng được mình" [20, tr.98]. Hai ông cũng đã chỉ ra nền tảng cơ bản để thực hiện dân chủ là bảo đảm quyền bình đẳng giữa các cá nhân. Trong bối cảnh giữa thế kỷ XIX, khi nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mới ở giai đoạn phôi thai về mặt lý luận, hai ông đã nhận ra cơ sở nền tảng để thực hiện nó: "Mặc dầu quần chúng không phải bao giờ cũng hiểu được rõ ràng cái ý nghĩa duy nhất chính xác đó của dân chủ nhưng đối với họ, cái khái niệm dân chủ đã bao hàm khát vọng, tuy còn mơ hồ, về bình đẳng xã hội" [15, tr.791].
Khi phân tích dân chủ dưới góc độ là đảm bảo các quyền tự do, bình đẳng, C.Mác đã chỉ ra rằng:
Cách mạng Pháp đã đặt cơ sở cho chế độ dân chủ ở châu Âu. Theo quan điểm của tôi chế độ dân chủ, giống như bất kể chính thể nào khác, rốt cuộc cũng là sự mâu thuẫn ở ngay trong bản thân, cũng là sự dối trá. Tự do chính trị là tự do giả, là chế độ nô lệ tồi nhất; nó chỉ là cái vẻ bề ngoài của tự do, và vì thế trên thực tế, nó là chế độ nô lệ. Bình đẳng chính trị cũng vậy; vì thế chế độ dân chủ, giống như tất cả mọi quản lý nào khác, cuối cùng phải tan rã; sự giả dối không thể tồn
tại lâu dài, mâu thuẫn che đậy ở trong nó tất yếu sẽ phải bộc lộ ra; hoặc là chế độ nô lệ thực sự, tức là chế độ chuyên chế không che đậy, hoặc là tự do thực sự và bình đẳng thực sự tức là chủ nghĩa cộng sản [15, tr.723].
Ở đây, C.Mác chỉ ra rằng, dân chủ dưới chủ nghĩa tư bản là giả dối vì nhân dân không có tự do chính trị, không có bình đẳng thật sự, chỉ khi đến chủ nghĩa cộng sản, con người mới có dân chủ đích thực, khi các quyền tự do, bình đẳng của con người là thực sự.
Trong Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo, vấn đề bình đẳng giữa các thành viên của Liên đoàn được xem như một vấn đề có tính nguyên tắc: "Tất cả các hội viên của Liên đoàn đều bình đẳng, họ là anh em và trong mọi trường hợp, đều có nghĩa vụ giúp nhau như anh em" [17, tr.733]. Khi xác định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp công nhân quốc tế, C.Mác và Ph.Ăngghen cũng chỉ rõ:
Mỗi hội viên của Hội Liên hiệp công nhân quốc tế đều có quyền tham gia bầu cử đại biểu dự đại hội của toàn Hội Liên hiệp và có quyền được bầu làm đại biểu… Mỗi chi bộ không kể số lượng hội viên ra sao đều có quyền cử một đại biểu dự đại hội… Mỗi đại biểu chỉ có một phiếu ở đại hội… Tất cả những vấn đề về nguyên tắc đều được đưa ra biểu quyết có ghi tên… [21, tr.587-588].
Ở đây, hai ông đã nói đến dân chủ như là các quyền tự do và quyền bình đẳng của các hội viên Hội Liên hiệp công nhân quốc tế trong các hoạt động của hội.
Theo C.Mác, con người và sự tôn trọng những quyền của con người là điểm xuất phát và cũng là điểm cuối cùng để đánh giá một chế độ là dân chủ hay chuyên chế. Chỉ có trong chế độ dân chủ, con người mới là chủ thể của xã hội. Dân chủ không chỉ đem lại sự bình đẳng về mặt chính trị, mà còn đem lại sự bình đẳng về mặt xã hội.
Trong quá trình phát triển lý luận và chỉ đạo hoạt động thực tiễn cách mạng ở nước Nga, V.I.Lênin cũng đã tiếp cận dân chủ từ góc độ giá trị. Theo
V.I.Lênin, dân chủ chỉ tồn tại trong hình thái nhà nước thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của nhân dân và thừa nhận sự thống trị của đa số. Trong Đại hội I toàn Nga của ngành giáo dục ngoài nhà trường, V.I.Lênin coi dân chủ là tự do, là bình đẳng, là quyết định của đa số:
Dân chủ là tự do, là bình đẳng, là quyết định của đa số; còn có gì cao hơn tự do, bình đẳng, quyết định của đa số nữa! Nếu các anh, những người bônsêvích, các anh tách khỏi dân chủ và ngay cả khi làm như vậy, các anh lại trắng trợn nói rằng các anh cao hơn cả tự do, cả bình đẳng, cả quyết định của đa số, thì như vậy các anh đừng lấy làm lạ và đừng có than phiền rằng chúng tôi coi các anh là những kẻ tiếm đoạt, những kẻ cường bạo! [127, tr.414.].
Dân chủ nói một cách cụ thể, là: 1) Bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật; 2) Tự do chính trị cho mọi công dân; 3) Quyết định theo đa số của mọi công dân; 4) Quyết định bằng cách biểu quyết, đó là thực chất của dân chủ hòa bình hoặc dân chủ thuần túy, v.v.. [128, tr.515]. Khi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công, V.I.Lênin vẫn tiếp tục khẳng định phải có sự bình đẳng trong một chế độ nhà nước: "Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa là chính thức thừa nhận quyền bình đẳng giữa những công dân, thừa nhận cho mọi người được quyền ngang nhau trong việc xác định cơ cấu nhà nước và quản lý nhà nước" [123, tr.123]. Như vậy, tự do và bình đẳng với tư