Yếu tố thời đại tác động đến những điểm tương đồng và khác biệt giữa dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa

Một phần của tài liệu LA _ Thu Mai _cap Hoc vien_ (Trang 67 - 73)

biệt giữa dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa

Ra đời trong những điều kiện lịch sử nhất định nhưng mỗi thể chế dân chủ tư sản hay dân chủ xã hội chủ nghĩa luôn bị chi phối bởi yếu tố thời đại làm cho chúng có xu hướng phát triển khác nhau. Bởi thế, bối cảnh thời đại được coi là yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới sự tương đồng hay khác biệt giữa chế độ dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa đương đại.

Thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới đầy những biến động khôn lường. Từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX đến nay, thế giới có nhiều biến đổi nhanh chóng, phức tạp và sâu sắc trên nhiều mặt, cả về kinh tế, chính trị, quân sự và khoa học - công nghệ, trong đó, có những đặc điểm, xu hướng nổi bật và có cả những chấn động bất ngờ, biến hóa khôn lường, đầy kịch tính. Những sự kiện lịch sử, những đặc điểm, xu hướng vận động ấy của thế giới tác động, ảnh hưởng đến xu hướng cũng như thể chế, phương thức thực hành dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa của các quốc gia trên thế giới. Trong đó, đáng chú ý là những tác động của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa.

Thứ nhất, toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa, xét về bản chất là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, những ảnh hưởng, những tác động phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Toàn cầu hóa là kết quả tác

động phức tạp của nhân tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và khoa học, công nghệ...

Toàn cầu hoá là xu thế chủ đạo tác động trực tiếp đến hoạt động sống còn của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Có người nói một cách hình ảnh rằng, toàn cầu hoá giống như một con sống thần đang dần lan toả toàn cầu, đến một lúc nào đó nó có thể “xoá nhoà” ranh giới phân định các quốc gia, do vậy, bất kỳ một quốc gia lớn, nhỏ nào sớm muộn cũng phải hoà mình vào làn sóng chung này. Đương nhiên, nó cũng là một quá trình có tính hai mặt, vừa có tính tích cực, vừa có tính tiêu cực, vừa tạo cơ hội, vừa tạo thách thức rất lớn đối với tất cả các nước.

Toàn cầu hóa làm cho dân chủ trở thành vấn đề của hàng tỉ người trên hành tinh chứ không chỉ là công việc của hàng triệu người ở các quốc gia, dân tộc. Toàn cầu hóa các lĩnh vực đời sống xã hội đòi hỏi nguồn lực phải được phân bổ công bằng, hợp lý để cải thiện đời sống, việc làm, chỗ ở, môi trường, sức khỏe, giáo dục, các quyền tự do, dân chủ; bảo đảm lợi ích và quyền phát triển của tất cả mọi người, bất kể chủng tộc, màu da, quan điểm, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, giai cấp hay giới tính, lứa tuổi… Muốn thế, phải có những thể chế, thiết chế, cơ chế, cách thức để bảo đảm cho mọi công dân trên thế giới tham gia bình đẳng vào việc ra các quyết định ở cấp độ địa phương, quốc gia, khu vực cũng như cấp độ toàn cầu. Bởi vậy, toàn cầu hóa làm xuất hiện các quá trình quản lý toàn cầu, mở rộng phạm vi, đối tượng và các chủ thể quản lý trên phạm vi quốc tế. Toàn cầu hóa làm đa dạng hóa các chủ thể nắm giữ, thực thi quyền lực và cũng làm đa dạng hóa các cơ chế, hình thức quản lý xã hội trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Toàn cầu hóa đòi hỏi và thúc đẩy các nhà nước, các tổ chức kinh tế và chính trị quốc tế, khu vực, châu lục, các phong trào xã hội, các tổ chức phi chính phủ phải thay đổi về mô hình tổ chức, nội dung và cơ chế hoạt động theo hướng công khai, minh bạch và dân chủ hơn.

Trên thực tế, toàn cầu há đang làm thay đổi căn bản vai trò của nhà nước. Trong tiến trình toàn cầu hoá, biên giới quốc gia về kinh tế, xã hội, văn hoá mất dần tác dụng, tạo điều kiện cho sự ra đời của một xã hội toàn cầu, trong đó vai trò quyền lực của các tổ chức toàn cầu (liên quốc gia) sẽ tăng lên trong khi vai trò quyền lực nhà nước quốc gia sẽ phải điều chỉnh cho thích ứng. Toàn cầu hoá đồng thời buộc mọi quốc gia phải thay đổi quan niệm truyền thống về vai trò nhà nước. Trước đây, khi chưa xuất hiện xu hướng toàn cầu hoá, với tính cách là những chủ thể riêng biệt, mỗi nhà nước có những quyền lực độc tôn mang tính quốc gia như đánh thuế, cấm đoán, trừng phạt và đòi hỏi đơn phương các đối tượng tham gia hoạt động. Trng đó, quyền đánh thuế của nhà nước tạo khả năng cho các cơ quan nhà nước có thể tài trợ cho việc phân phối, cung cấp các hàng hoá công cộng cũng như can thiệp vào giá cả hàng hoá khi trên thị trường, giá cả có sự biến động - điều đã xảy ra phổ biến trong các nước xã hội chủ nghĩa vận dụng cơ chế kinh tế kế hoạch như Liên Xô, các nước Đông Âu hay Việt Nam,... Quyền cấm đoán và trừng phạt của nhà nước cho phép nó bảo vệ sự an toàn cá nhân, an ninh quốc gia và quyền sở hữu. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hoá, nhà nước không thể thực hiện các quyền độc tôn theo một cách cứng nhắc, võ đoán, tuỳ tiện mà phải “tuỳ cơ ứng biến” theo “sự đỏng đảnh” của cơ chế thị trường và tuân thủ nguyên tắc chung của luật pháp và thị trường quốc tế. Việc tranh tụng, khiếu kiện về vấn đề bán phá giá giữa các nước có quan hệ xuất nhập khẩu hàng háo với nhau thời gian vừa qua là một ví dụ điển hình chứng minh rằng, luật pháp quốc gia này phải ít nhiều phụ thuộc, tham chiếu, học hỏi luật pháp quốc gia khác và luật pháp mọi quốc gia phải nhất quán tuân thủ những quy định chung của luật pháp quốc tế.

Về nguyên tắc, toàn cầu hóa với những luật lệ riêng của mình đã tạo ra sân chơi bình đẳng, dân chủ cho tất cả các quốc gia, dân tộc. Theo đó, cho phép các quốc gia, dân tộc, các doanh nghiệp, cho đến từng con người cụ thể

trên khắp hành tinh có thể cùng với cộng đồng quốc tế chia sẻ khó khăn, chia sẻ nguồn lực, phát huy tiềm năng, vừa hợp tác vừa cạnh tranh nhằm tiếp cận, nắm bắt, làm chủ vốn đầu tư quốc tế, công nghệ mới và thông tin toàn cầu để đi tới văn minh và dân chủ. Tuy nhiên, do điểm xuất phát của các quốc gia, dân tộc tham gia vào toàn cầu hóa là khác nhau, sân chơi không cùng mặt bằng, luật chơi và những chuẩn mực, quy tắc dân chủ lại do kẻ mạnh định trước, nên toàn cầu hóa không chia đều lợi ích, rủi ro và thua thiệt cho các quốc gia, dân tộc. Toàn cầu hóa không chỉ đem đến cho quá trình dân chủ hóa trên thế giới những vấn đề mới mẻ, tiến bộ, mà trên thực tế, toàn cầu hóa còn đặt các giá trị dân chủ, các thể chế dân chủ, các nền dân chủ ở các quốc gia, dân tộc đứng trước nhiều thử thách, nguy cơ. Trong ba thập niên gần đây, không ít khu vực trở nên bất ổn định, không ít quốc gia lâm vào chiến tranh, xung đột, thù hận, mâu thuẫn, huynh đệ tương tàn và theo đó, nhiều giá trị dân chủ bị chà đạp và bị tước đoạt bởi chiêu bài, thủ đoạn can thiệp, áp đặt các chuẩn mực dân chủ, nhân quyền của Mỹ và phương Tây.

Thứ hai, cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại

Trong thời đại ngày nay, khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và truyền thong đang diễn ra với một tốc độ nhanh chóng. Trong tác phẩm Cú sốc tương lai, nhà tương lai học người Mỹ Alvin Toffler đã cho rằng, mỗi một phát minh khoa học trong thế giới hiện đại sẽ là một cú sốc cho loài người về mọi phương diện cuộc sống.

Xét về phương diện thực tiễn, cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp với sự phát triển của công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới... tạo cơ sở vật chất, điều kiện để các quốc gia, dân tộc hiểu biết lẫn nhau hơn, khắc phục khoảng cách về không gian, thời gian và khoảng cách giàu nghèo.

Sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện đại không chỉ tác động đến kinh tế, đến lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất; không chỉ tác động đến văn

hóa, xã hội, đạo đức, giáo dục, mà còn tác động đến tâm lý, hành vi của công dân, đến quan hệ giữa nhà nước với công dân và doanh nghiệp, giữa các giai cấp, thành phần xã hội và giữa các quốc gia, dân tộc, đến cách thức tổ chức, cơ chế vận hành và tính chất của thể chế chính trị, thể chế dân chủ...

Cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, nhất là khoa học - công nghệ về thông tin tác động đến đời sống chính trị, đến dân chủ cũng ngày càng sâu sắc, trực tiếp. Những khái niệm như: dân chủ điện tử, cộng đồng mạng, xã hội thông tin, công dân toàn cầu, bầu cử điện tử, hội nghị trực tuyến, chính phủ điện tử, nghị viện điện tử, hành chính điện tử... đã phản ánh những thay đổi chưa từng có trong đời sống chính trị - xã hội của nhân loại dưới tác động của khoa học - công nghệ hiện đại nói chung và công nghệ thông tin nói riêng.

Mặc dù cho đến nay, hầu hết những thành tựu cách mạng khoa học - công nghệ của nhân loại đều do các tập đoàn tư bản lớn và các nước tư bản phát triển chi phối, nó chủ yếu được sử dụng để củng cố địa vị thống trị và lợi ích của chủ nghĩa tư bản, trong đó có không ít thành tựu được dùng làm phương tiện để hủy diệt cuộc sống, đe dọa an ninh, hòa bình thế giới, xâm phạm tự do, dân chủ và độc lập của các dân tộc, nhưng là lực lượng sản xuất, khoa học - công nghệ hiện đại vận động khách quan bất chấp ý muốn chủ quan, hẹp hòi của chủ nghĩa tư bản. Với tư cách đó, nó đem đến cho nhân loại nói chung, các quốc gia, dân tộc nói riêng nhiều thời cơ, vận hội phát triển nhưng cũng tạo ra không ít những thách thức, nguy cơ khó lường.

Tất nhiên, tiêu cực có thể chuyển thành tích cực và ngược lại; thời cơ chứa đựng thách thức, thách thức bao hàm nguy cơ; thời cơ bị bỏ qua lại biến thành thách thức và thách thức được giải quyết lại tạo nên thời cơ mới. Do đó, thời cơ, vận hội, hay nguy cơ, thách thức đối với mỗi quốc gia, dân tộc là khác nhau, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh khách quan và chủ quan của mỗi nước.

Thứ ba, kinh tế tri thức

Nhờ những bước tiến mới của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, từ cuối thế kỷ XX đến nay, kinh tế tri thức đã trở thành hiện thực ở nhiều quốc gia, dân tộc. Đó là nền kinh tế có hiệu quả cao, tiêu hao vật chất giảm thiểu, phát triển nhanh và bền vững; là kết quả của việc sử dụng có hiệu quả tri thức mới của toàn nhân loại và phát huy vai trò của con người trong mọi lĩnh vực.

Sự ra đời, phát triển của kinh tế tri thức đã tạo ra những điều kiện thực tế phong phú, sinh động cả bề rộng và chiều sâu để hiện thực hóa các giá trị dân chủ. Khi tri thức trở thành tư liệu sản xuất chủ yếu và việc khai thác tri thức, trí tuệ của người lao động trở thành vấn đề sống còn của sự phát triển sản xuất thì vị trí và giá trị của người lao động trí tuệ được khẳng định cao hơn. Người lao động sáng tạo với trình độ cao trở thành nguồn lực cơ bản của phát triển hiện đại. Họ mang trong mình, họ nắm giữ, họ làm chủ một tư liệu sản xuất đặc biệt đó là tri thức và công nghệ. Mỗi người lao động là một nhà quản lý, trước hết là tự quản lý bản thân và phân công, phối hợp cùng quản lý đa chiều trong mạng thông tin điện tử để bảo đảm tự chủ, tự do sáng tạo hiệu quả.

Theo đó, kinh tế tri thức vừa yêu cầu, đòi hỏi, vừa tạo ra điều kiện, môi trường bảo đảm sự tự chủ, tự do và thúc đẩy, khuyến khích sáng tạo của người lao động. Bảo đảm về điều kiện sống, làm việc; đầu tư cho học tập, nghiên cứu và sáng tạo trở thành quan tâm lớn của người lao động và doanh nghiệp. Xây dựng xã hội học tập, chính phủ điện tử, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, công khai hóa, minh bạch hóa, dân chủ hóa nền quản trị quốc gia trở thành mối quan tâm thường trực của các chính phủ và các đảng chính trị tiến bộ. Bởi thế, kinh tế tri thức là yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới khả năng làm chủ của mỗi người dân.

Tuy nhiên, không phải phát triển kinh tế tri thức là có ngay dân chủ, không phải phát triển kinh tế tri thức là dân chủ sẽ lập tức đơm hoa, kết trái.

Kinh tế tri thức tạo ra điều kiện của dân chủ, thúc đẩy dân chủ hóa mạnh mẽ nhưng nó cũng đặt các giá trị dân chủ, các thể chế dân chủ đứng trước những thử thách gay gắt. Thực tế cho thấy, ngay tại những quốc gia có kinh tế tri thức phát triển, phân hóa giàu nghèo, thiếu việc làm, khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, xã hội vẫn là vấn đề nan giải. Việc thu nhận, tạo ra, quảng bá và sử dụng tri thức trong tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong nhiều trường hợp đã xâm phạm nghiêm trọng đến các giá trị tự do, nhân quyền, dân chủ; thậm chí, trong điều kiện toàn cầu hóa, nó còn đe dọa đến an ninh, hòa bình thế giới, đến cả sự tồn vong của các thể chế chính trị, dân chủ và cả các nền văn hóa.

Một phần của tài liệu LA _ Thu Mai _cap Hoc vien_ (Trang 67 - 73)