Quan niệm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa

Một phần của tài liệu LA _ Thu Mai _cap Hoc vien_ (Trang 34 - 37)

dân chủ xã hội chủ nghĩa

Về nền dân chủ tư sản, nghiên cứu vấn đề dân chủ được đặt ra trong điều kiện phải đấu tranh trực tiếp với những quan điểm tư sản về dân chủ; sự tuyệt đối hóa những giá trị dân chủ đạt được trong chủ nghĩa tư bản đương thời cũng như nhu cầu thực tiễn phải vượt qua dân chủ tư sản, C.Mác và Ph.Ăngghen trước hết vạch trần bản chất giả dối của dân chủ tư sản. Ph.Ăngghen viết về chế độ dân chủ tư sản như sau:

Chế độ dân chủ, giống như bất kỳ chính thể nào khác, cũng là sự dối trá, chẳng qua cũng chỉ là sự giả dối... Tự do chính trị là tự do giả, là chế độ nô lệ tồi nhất; nó chỉ là cái vẻ bề ngoài của tự do, và vì thế, trên thực tế, nó là chế độ nô lệ. Bình đẳng chính trị cũng như vậy, vì thế chế độ dân chủ (tức là dân chủ trong chủ nghĩa tư bản -

người trích), giống như bất kỳ mọi hình thức quản lý nào khác, cuối cùng phải tan rã; sự giả dối không thể tồn tại lâu dài, mâu thuẫn che đậy ở trong đó tất yếu sẽ bộc lộ ra; hoặc là chế độ nô lệ thực sự, tức là chế độ chuyên chế không che đậy, hoặc là tự do thực sự và bình đẳng thực sự, tức là chủ nghĩa cộng sản [15, tr.723].

Khi nghiên cứu tư tưởng trên đây của Ph.Ăngghen, cần lưu ý rằng: một , chế độ dân chủ mà ông viết ở đây là chế độ dân chủ tư sản; hai là, dân chủ tư sản chỉ là giả dối, là bức màn che của bản chất nô lệ trong chủ nghĩa tư bản; ba là, nền dân chủ đó chứa đầy mâu thuẫn mà sự vận động nội tại của những mâu thuẫn ấy nhất định sẽ dẫn chế độ dân chủ tư sản đến chỗ tiêu vong; bốn là, tự do, bình đẳng thực sự chỉ đạt được trong chủ nghĩa cộng sản. Như vậy, việc phân tích tính chất tạm thời, tính chất nhất định sẽ bị vượt qua của dân chủ tư sản đã đưa các nhà kinh điển mácxít đến tư tưởng về cách mạng xã hội chủ nghĩa như là bước đi tất yếu để tiến tới một xã hội dân chủ chân chính mà đỉnh cao nhất trong sự phát triển của nó, dân chủ sẽ tiêu vong [96, tr.10].

Về bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, thực chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa là quyền lực chính trị thuộc về giai cấp công nhân: "Trước hết nó tạo ra một chế độ dân chủ mà nhờ đó trực tiếp hay gián tiếp tạo ra quyền thống trị chính trị của giai cấp vô sản" [17, tr.469].

Với tư cách đó, dân chủ là bản chất của chủ nghĩa cộng sản: "đối với giai cấp công nhân, dân chủ và chủ nghĩa cộng sản là những danh từ hoàn toàn đồng nghĩa" [16, tr.749]. Xã hội còn giai cấp và nhà nước thì tất yếu nền dân chủ cũng mang tính giai cấp. Tuy nhiên, trong chủ nghĩa xã hội, lợi ích của giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích của đa số nhân dân lao động nên đây là nền dân chủ giành cho số đông, nó khác về chất so với các kiểu dân chủ đã có trong lịch sử.

C.Mác và Ph.Ăngghen cũng cho rằng, việc thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn với bảo đảm các quyền tự do, bình đẳng của công dân. Theo các ông: "… những quyền tự do như tự do báo chí, tự do lập hội và tự do hội họp, quyền đầu phiếu phổ thông, quyền tự trị của địa phương - những quyền mà nếu không có… thì công nhân sẽ không bao giờ có thể giải phóng được mình" [20, tr.98-99]. Trong bối cảnh giữa thế kỷ XIX, khi nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mới ở giai đoạn phôi thai về mặt lý luận, các ông đã nhận ra cơ sở nền tảng để thực hiện nó: "Mặc dầu quần chúng không phải bao giờ cũng hiểu được rõ ràng cái ý nghĩa duy nhất chính xác đó của dân chủ nhưng đối với họ, cái khái niệm dân chủ đã bao hàm khát vọng, tuy còn mơ hồ, về bình đẳng xã hội" [16, tr.791]. Rất nhiều công trình nghiên cứu sau này đều có nhận định, quyền bình đẳng xã hội của các công dân là tiền đề quan trọng nhất trong thực hiện dân chủ [2, tr.10-21].

Kế thừa tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, từ thực tiễn của cách mạng vô sản Nga, V.I.Lênin đã tiếp tục hoàn thiện, phát triển quan niệm về dân chủ. Trước hết, V.I.Lênin đã đưa ra những đánh giá khách quan, khoa học về nền dân chủ tư sản. Theo ông, tư tưởng dân chủ tư sản là một nấc thang trong tiến trình phát triển của tư tưởng dân chủ của nhân loại. Sự vận hành của chế độ dân chủ tư sản trên thực tế đã tạo ra những thành tựu dân chủ quan trọng. Tuy nhiên, hạn chế lịch sử của nó là "tính ước lệ, hạn hẹp". Xã hội tư bản chủ nghĩa, xét trong những điều kiện phát triển thuận lợi nhất của nó, đem lại một chế độ dân chủ ít nhiều đầy đủ trong chế độ cộng hoà dân chủ. Những chế độ dân chủ ấy luôn bị bó buộc trong khuôn khổ chật hẹp của sự bóc lột tư bản chủ nghĩa. Nó luôn là chế độ dân chủ đối với thiểu số, là chế độ dân chủ của giai cấp có của, giàu có. So sánh nền dân chủ tư sản và nền dân chủ vô sản, trong tác phẩm Cách mạng vô sản và tên phản bội Cauxky, V.I.Lênin đã có một luận điểm nổi tiếng khi khẳng định "nền dân chủ vô sản hơn gấp triệu lần nền dân chủ tư sản". Những luận cứ điển hình mà ông đưa ra để làm sáng

tỏ quan điểm của mình là: Sau khi đánh đổ chế độ Nga sa hoàng, giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã xóa bỏ toàn bộ hệ thống chính quyền cũ, xây dựng hệ thống chính quyền mới gọi là các "xô viết", về thực chất, quyền lực của các xô viết này là do giai cấp công nhân và nhân dân lao động quyết định. Cũng tại nước Nga, sau khi cách mạng thành công, các quyền tự do, dân chủ cơ bản của công dân như tự do hội họp, tự do đi lại, tự do báo chí… được thực hiện trong thực tế cho hầu hết nhân dân lao động: "quyền tự do xuất bản không còn là một cái gì giả dối nữa, vì các nhà in giấy đã được tước đoạt khỏi tay giai cấp tư sản. Các lâu đài, các dinh thự, các tư thất, các nhà ở tốt nhất… cũng thế.

Có thể thấy tư tưởng nổi bật của ông về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ dựa trên và gắn liền với các quyền tự do cơ bản của con người - điều mà nhà triết học Anh John Locke đã đưa ra từ thế kỷ XVII. Các quyền ấy được thực hiện trong thực tế cho hầu hết nhân dân lao động chứ không phải chỉ là những lời tuyên bố suông [96]. Liên hệ với tình hình thực tế cuộc sống của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong những năm đầu thế kỷ XX - khi mà đại bộ phận nhân dân lao động tại các nước Á, Phi, Mỹ Latinh đang chịu cảnh nô lệ; giai cấp công nhân và nhân dân lao động tại các nước tư bản đang bị bóc lột sức lao động một cách nặng nề sẽ thấy rõ, V.I.Lênin đã từ những ví dụ thực tế và sinh động đó mà đi đến kết luận: "Chế độ dân chủ vô sản so với bất cứ chế độ dân chủ tư sản nào, cũng dân chủ hơn gấp triệu lần, chính quyền xô viết, so với các cộng hòa tư sản dân chủ nhất, cũng dân chủ hơn gấp triệu lần" [126, tr.312-313].

Một phần của tài liệu LA _ Thu Mai _cap Hoc vien_ (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(162 trang)
w