VII. XUẤT KHẨU GIÀY DÉP.
Giải pháp và phương hướng phát triển ngành giày dép Việt Nam.
Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày đến năm 2010, với mục tiêu phát triển ngành da giày trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động . Chuyển dần từ gia công sang thiết kế và hướng đến mục tiêu đạt 13 tỷ USD vào năm 2020, nâng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu nội địa từ 30%-35% hiện nay lên 70% vào năm 2020. Để làm được như vậy, cần phải:
- Tạo lợi thế cạnh tranh bắt đầu từ xây dựng thương hiệu riêng, phát triển thị trường nội địa:
Việc tạo dựng một thương hiệu cho giày da Việt Nam tại thị trường quốc tế là một điều ngoài tầm của doanh nghiệp vì chi phí lên đến hàng triệu USD. Do đó phải thực hiện theo lộ trình, trong đó phải bằng mọi giá tạo dựng thương hiệu ngay từ trong thị trường nội địa và giành lấy thị phần. Việc tập trung vào sản xuất hàng gia công xuất khẩu bấy lâu đã khiến các doanh nghiệp bỏ quên hẳn thị trường nội địa đầy tiềm năng, trong khi khoảng 800 doanh nghiệp trong ngành dư sức để làm được điều này. Thực tế đã cho thấy, 55% thị phần tại thị trường nội địa đã bị các doanh nghiệp nước ngoài chiếm giữ. Theo đánh giá của Viện nghiên cứu da giày Việt Nam, hầu hết 3 phân khúc thị trường từ thấp , trung và cao thì giầy dép trong nước đều lép vế so với hàng ngoại nhập. Nguyên nhân của sự lép vế này thì có nhiều nhưng có một trong nguyên nhân đóng vai trò quan trọng là yếu kém về khâu thiết kế mẫu mã. Thật vậy, do tập trung làm hàng xuất khẩu theo mẫu mã thiết kế sẳn từ đối tác ở nước ngoài nên khi quay sang làm hàng phục vụ thị trường sân nhà đã bộc lộ lổ hỏng lớn về khâu thiết kế, mẫu mã đưa ra thị trường thường đơn điệu, chưa gây ấn tượng với người tiêu dùng. Thêm vào đó, phần lớn công nhân lao động
trong ngành rất ít cơ hội để được đào tạo nâng cao tay nghề một cách chuyên nghiệp, bài bản, nên thua thiệt là điều dễ hiểu.
Việc nâng cao trình độ thiết kế sẽ giúp các doanh nghiệp làm ra những sản phẩm mới có mẫu mã cạnh tranh. Đó mới chính là lợi thế giúp các doanh nghiệp tăng giá thành, tăng lợi nhuận trên cơ sở đó nâng cao thu nhập cho người lao động.
Như vậy ngành da giày cần định hướng phát triển theo cả 2 hướng là làm hàng xuất khẩu và làm hàng nội địa thông qua làm chủ công nghệ và thiết kế để phát triển đủ chuỗi giá trị gia tăng.
- Lấy chất lượng làm lợi thế cạnh tranh.
Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu giày dép nằm trong top 10 thế giới nhưng ngành giày dép nước ta vẫn chưa phát huy được hết thế mạnh của mình, bởi không ít những hạn chế đang tồn tại. Để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 4,5 tỷ USD các sản phẩm giày dép trong năm nay, các chuyên gia cho rằng, ngành da giày cần nhanh chóng giải được một số “bài toán”, trong đó quan trọng nhất là biết lấy chất lượng sản phẩm làm lợi thế cạnh tranh.
Công nghệ chính là vấn đề mấu chốt hiện nay mà nhiều doanh nghiệp phải quan tâm chuyển đổi để tạo hướng phát triển. Nếu thay đổi công nghệ phù hợp cũng sẽ làm giảm áp lực của việc thiếu hụt lao động phổ thông như hiện nay. Chỉ cần quan tâm đào tạo thợ bậc cao, có tay nghề và trình độ chuyên môn để tạo ra sản phẩm tầm cao hơn là chạy theo số lượng mà lợi nhuận thấp. Một ví dụ điển hình là trong 3 năm trở lại đây, xu hướng phát triển của các thương hiệu lớn ở nước ngoài là nâng cao kỹ thuật trên từng sản phẩm, thay vì trước đây họ chú trọng đến nguyên liệu da, hoá PU... thì nay họ sử dụng các chất liệu nhẹ hơn, tốt hơn. Tỷ lệ may hiện chỉ chiếm 20% đôi giày, còn lại là sử dụng công nghệ dán.
Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới, ngành da giày Việt Nam phải từng bước điều chỉnh cơ cấu ngành, đổi mới máy móc thiết bị, chú trọng
sản xuất các sản phẩm trung và cao cấp, các loại giày da, cặp túi xách thông dụng và thời trang, tập trung quản lý và thiết kế mẫu sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng đã âm thầm xây dựng những dây chuyền sản xuất hiệu quả, những nhà xưởng sản xuất được điều hành rất bài bản, chuyên nghiệp, biết ứng dụng nhiều biện pháp quản lý hiện đại như ISO 9000, sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing), quản lý chất lượng toàn diện (Total Quality Management - TQM) hoặc 6 Sigma… để có năng suất cao và chất lượng ổn định.
- Xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành giày dép
Trong định hướng phát triển theo đề án mới, ngành sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành giày dép, có đủ điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật và xử lý môi trường để kêu gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào ngành sản xuất giày dép. Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng cường khả năng cung ứng nguyên liệu, bán thành phẩm, phụ liệu đầu vào trong nước cho sản xuất; thúc đẩy mối quan hệ bổ trợ liên ngành giữa các ngành công nghiệp, tăng sự chủ động về nguyên liệu đầu vào nhằm giảm thiểu các tác động từ bên ngoài, giảm chi phí sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu. Song song đó, cần xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu để tăng khả năng cung ứng về nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của việc sản xuất giày dép xuất khẩu. Xem xét việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ nguyên phụ liệu cho da giày.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần liên kết cùng nhau mua đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu có giá trị lớn để giảm chi phí đầu vào đồng thời tránh được việc các nhà cung cấp nguyên liệu ép giá.
- Giải quyết vấn đề nguồn nhân lực:
Doanh nghiệp cần làm sao đưa được đơn hàng về những nơi có lợi thế về lao động để tranh thủ nguồn lao động dồi dào ở các địa phương, tiết kiệm chi phí thuê nhân công. Giải pháp khắc phục dài hạn là Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm
khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà máy sản xuất da giày tại các vùng có lực lượng lao động, nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Có thể quy hoạch thành năm vùng cho phát triển ngành da giày như vùng 1 gồm một số tỉnh phía bắc như Thái Bình, Nam Ðịnh, Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng; vùng 2 gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, một phần Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng; vùng 3 gồm các tỉnh Khánh Hòa, Quy Nhơn, Bình Ðịnh, Bình Thuận; vùng 4 gồm các tỉnh Ðông Nam Bộ và vùng 5 gồm các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre. Nhà nước có thể ban hành chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền thuê đất, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuẩn bị mặt bằng sạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sẵn... để thu hút các doanh nghiệp da giày vào đầu tư tại những vùng này. Việc quy hoạch các vùng nêu trên sẽ khắc phục được những bất cập về bất ổn xã hội trong thu hút lao động cho ngành da giày tại những khu công nghiệp tập trung như hiện nay.
- Phát triển nhân lực và marketing.
Ngành sẽ tập trung vào lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực, trong đó đội ngũ thiết kế và marketing là khâu then chốt để vươn ra thị trường quốc tế. Đồng thời, ngành còn thành lập các trung tâm giới thiệu hàng Việt Nam ở nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm, nắm bắt thị hiếu khách hàng và tận dụng kênh phân phối của người Việt Nam ở đây để tạo thị trường mới
Các doanh nghiệp trong ngành cần thường xuyên bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên, tuyển dụng cán bộ làm công tác pháp lý, am hiểu luật pháp Việt Nam và quốc tế để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng quy định pháp luật của nhà nước và của quốc tế. Đồng thời, ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ thiết kế giày, đội ngũ giỏi về marketing và xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp, chú trọng tạo dựng một đội ngũ công nhân đủ về số lượng, thạo tay nghề, đảm bảo đủ điều kiện tiếp thu công nghệ mới. đây chính là lực lượng chủ yếu giúp doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất phù hợp và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cũng cần phải xác định việc đào tạo nghề như một hình thức giữ chân người lao động. Đào tạo lao động
lành nghề, rút ngắn thời gian thử việc cũng được coi là một giải pháp giúp người lao động gắn bó hơn với công việc và công ty của mình.
Đặc biệt, để giảm tối đa biến động về lao động, các doanh nghiệp lớn nên nghiên cứu phương án xây dựng nhà ở cho công nhân.
- Nâng cao chất lượng đào tạo.
Ngành da giày cần tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng các lớp trung học kỹ thuật và cao đẳng về ngành da giày, có chế độ đào tạo lại đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo của ngành.
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp thị sản phẩm
Ngoài ra, phải đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp thị sản phẩm để phát triển mở thị trường xuất khẩu, đồng thời nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nguyên phụ liệu, sản phẩm, mẫu mã, nhằm chủ động hội nhập vững chắc với nền kinh tế thế giới, đưa ngành da giày của Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.
Tăng cường tìm kiếm bạn hàng và ký kết hợp đồng xuất khẩu trực tiếp trên cơ sở tăng cường năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm và gia tăng tỷ lệ nguyên phụ liệu trong nước tự đáp ứng được. Đẩy mạnh khai thác những thị trường ngách, thị trường nhỏ nhưng chấp nhận mức giá cao và ưa thích các sản phẩm đặc thù.
Giảm bớt tình trạng sản xuất theo hợp đồng và tăng sản lượng xuất khẩu trực tiếp với khách hàng. Mở rộng mạng lưới bán hàng ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ.
- Đa dạng hóa thị trường và sản phẩm:
Từ chỗ lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường là EU, ngay từ giữa những năm 2000, Mỹ là thị trường được các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam nhắm đến như một thị trường chiến lược với tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, từ mức 20% của năm 2005 đã tăng lên 25,6% vào năm 2009.
Bên cạnh đó, rất nhiều thị trường nhỏ như Đài Loan, Úc, Nam Mỹ, châu Phi, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ... đã được mở ra trong chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm hóa giải tình trạng lệ thuộc vào một thị trường. Nhóm thị trường nhỏ này đã chiếm đến gần một phần tư thị trường xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam. Bảng số liệu của Hiệp hội Da giày Việt Nam bên cạnh cho ta thấy được hình ảnh đó.
- Đẩy mạnh vào thị trường chiến lược Mỹ, EU và Nhật Bản
+ Trong thời gian tới, Mỹ sẽ là thị trường xuất khẩu mục tiêu đối với sản phẩm giày dép của Việt Nam, với các sản phẩm xuất khẩu chính là giày thể thao, giày da nam nữ. Bởi, tuy Mỹ là quốc gia có sức tiêu thụ giày dép cao nhất thế giới với mức bình quân 7 đôi/người/năm và nhu cầu nhu cầu mặt hàng này khoảng 20 tỷ USD/năm, nhưng xuất khẩu giày dép của nước ta vào thị trường này chỉ chiếm 5% kim ngạch nhập khẩu. Để xâm nhập vào kênh phân phối và đáp ứng các yêu cầu của khách hàng tại thị trường này đòi hỏi các doanh nghiệp phải băt năm đầy đủ thông tin, lựa chọn đối tác tin cậy và thực hiện tốt các yêu cầu về trách nhiệm xã hội.
+ EU: Để có thể phát triển to6`t tại thị trường này, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải nắm rõ và thực hiện đầy đủ các điều kiện, quy định về chất lượng sản phẩm, độ an toàn, các quy định về kỹ thuật, giấy phép chứng nhận...
Các doanh nghiệp cần xác định rõ thị trường mục tiêu, nghiên cứu, lựa chọn được sản phẩm ưu tiên và thị trường mục tiêu trong khối EU, cần chú trọng đến kênh phân phối phù hợp. Các kênh phân phối có thể trên thị trường EU là các nhà nhập khẩu, các đại lý, các nhà phân phối và/hoặc cung ứng trực tiếp.
Bước tiếp theo trong kế hoạch xuất khẩu là lựa chọn các công cụ tiếp thị đối với sản phẩm xuất khẩu, tính chi phí, định giá và xúc tiến xuất khẩu.
+ Nhật Bản đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, thời hạn giao hàng và chủng loại sản phẩm. Tuy Việt Nam và Nhật Bản chính
thức dành cho nhau quy chế Tối huệ quốc từ năm 2000 song ngành da giày vẫn chưa gia tăng xuất khẩu được nhiều sang thị trường này.
- Để đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành da giày Việt Nam, từ nay đến năm 2010, toàn ngành sẽ phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng nhanh số lượng và kim ngạch xuất khẩu thông qua việc tranh thủ các lợi thế, đáp ứng tối đa nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, đồng thời nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu, chuyển mạnh từ gia công sang tự sản xuất không phụ thuộc vào các đối tác như hiện nay