Cơ hội và thuận lợi:

Một phần của tài liệu báo cáo: Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam pdf (Trang 119 - 122)

VII. XUẤT KHẨU GIÀY DÉP.

Cơ hội và thuận lợi:

- Hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần thúc đẩy các cơ hội phát triển ngành da giày, việc chuyển giao công nghệ theo chu kỳ nhanh hơn phù hợp với yêu cầu khắt khe của thị trường. Việc gia nhập tổ chức mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) tạo điều kiện việc giao lưu hàng hoá thông suốt, ít cản trở, xoá bỏ hàng rào phi thuế quan, ưu đãi về thuế quan tạo điều kiện cho ngành hàng da giày thâm nhập vào thị trường khu vực.

- Trong những năm gần đây công tác xúc tiến thương mại đã bắt đầu được chú trọng. Toàn ngành đã có những hoạt động tích cực nhằm tăng cường tuyên truyền và quảng bá hình ảnh của ngành da giày Việt Nam như một quốc gia sản xuất và xuất khẩu da giày tiềm năng, nâng cao năng lực hiểu biết về kiến thức pháp luật, thị trường, phòng ngừa các vụ kiện bán phá giá và vận dụng luật để đấu tranh trong các vụ tranh chấp thương mại. Phương thức bán hàng tại các doanh nghiệp đã có nhiều đổi mới, hình thành nhiều mạng lưới bán buôn, bán lẻ, tham gia vào các kênh phân phối của các tập đoàn xuyên quốc gia, phát triển hình thức thương mại điện tử.

- Với dân số trên 80 triệu dân là một thị trường đầy tiềm năng cho thị trường nội địa. Mặt khác, với đời sống ngày càng được nâng cao, khả năng mua sắm của xã hội ngày càng được cải thiện, đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào thế giới làm cho ngành du lịch phát triển là những cơ hội để ngành da giày phát triển theo hướng xuất khẩu trực tiếp ngay trên sân nhà.

- Chế độ xã hội ổn định và đang tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thông qua cơ chế chính sách phù hợp với tình hình trong nước và thông lệ quốc tế.

- Về năng lực sản xuất: toàn ngành da giày hiện có khoảng 800 doanh nghiệp với năng lực sản xuất 780 triệu đôi giày dép, 120 triệu chiếc cặp túi xách/năm và 150 triệu sqft (mỗi sqft tương đương 0,3048 m2) da thuộc thành phẩm/năm với tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 14%.

Năng lực sản xuất của ngành đã đạt trên 90% mức năng lực được đầu tư, có mức tăng trưởng mạnh trong 7 năm liên tiếp với mức tăng trung bình đạt 10%/năm trên 2 loại sản phẩm chính là giày dép và túi cặp các loại. Riêng sản phẩm da thuộc đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm. Mặt hàng chủ lực của ngành vẫn tập trung chủ yếu vào giày thể thao, chiếm khoảng 51% năng lực sản xuất các sản phẩm giày dép của ngành, phù hợp với xu thế tiêu dùng của thị trường xuất khẩu.

Ngành da giày được xếp vào nhóm hàng công nghiệp có khả năng cạnh tranh theo kết quả nghiên cứu của dự án Hỗ trợ chính sách thương mại đa biên (MUTRAP) cùng với ngành may mặc. Hiện tại, đây hai trong những ngành xuất khẩu chủ lực của công nghiệp Việt Nam.

- Ngành da giày là ngành sử dụng nhiều lao động xã hội. Tính đến hết năm 2007, toàn ngành đã thu hút 600.000 lao động (chưa kể số lao động sản xuất trong lĩnh vực nguyên phụ liệu và lao động tại các cơ sở nhỏ, các hộ gia đình và các làng nghề có thể lên tới hơn 1 triệu lao động) chiếm 9% lực lượng lao động công nghiệp. Đây có thể được coi là lợi thế so sánh với mức chi phí nhân công thấp. từ năm 2010 trở đi, đặc biệt từ năm 2010 đến

năm 2015 được coi là thời kỳ "vàng" của ngành da giày nước ta bởi Việt Nam hiện đang có lợi thế cạnh tranh hơn một số nước trong khu vực. Ðiển hình là chi phí nhân công ở nước ta rẻ hơn. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, một trong những nước xuất khẩu giày dép lớn trên thế giới, hiện thu nhập bình quân đầu người đã đạt mức khoảng 3.000 USD/người/năm nên giá nhân công ở Trung Quốc bắt đầu tăng lên. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt khoảng 1.200 USD/người/năm. Ðây chính là lợi thế để Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như da giày. Ðến nay, phần lớn các sản phẩm da giày và thời trang trên thế giới được tập trung làm chủ yếu ở một số nước châu Á đông dân như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Ðộ, In-đô-nê-xi-a, Băng-la-đét... Không những thế, Việt Nam cũng là nước đang có cơ cấu dân số "vàng", tỷ lệ người bước vào độ tuổi lao động hằng năm đang tăng lên, tạo nguồn lao động dồi dào cho các ngành này.

- Về thị trường xuất khẩu, thị trường xuất khẩu da giày Việt Nam ngày càng được mở rộng và ổn định cụ thể:

• Thị trường EU:

Trong những năm vừa qua, giày dép Việt Nam xuất khẩu vào EU tăng trưởng nhanh về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu. Hết năm 2007, EU vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ giày dép của Việt Nam với doanh thu 2,6 tỉ USD, tăng 33,9% so với năm 2006 và chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép của Việt Nam.

• Thị trường Mỹ:

Năm 2004, Việt Nam đã vượt Italia và trở thành nhà cung cấp lớn thứ tư sau Trung Quốc, Brazil, Indonesia. Trong năm 2007, xuất khẩu vào Mỹ đạt 995 triệu USD, tăng 30% so với năm 2006. Tháng 1/2008, xuất khẩu giày dép vào Mỹ tăng 25% so với năm 2007, đạt 93,8 triệu USD, đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của toàn ngành. Hiện nay và trong những năm tới, Mỹ sẽ là thị trường xuất khẩu mục tiêu đối với sản phẩm giày dép của Việt Nam và các sản phẩm xuất khẩu chính sẽ là giày thể thao, giày da nam nữ.

• Thị trường các nước Đông Á:

Đây là khu vực thị trường có những phong tục tập quán tương đối giống Việt Nam, cùng nằm ở khu vực châu Á. Các sản phẩm chủ yếu xuất khẩu từ Việt Nam sang các thị trường này là giày thể thao, giày da nam nữ, dép đi trong nhà. Năm 2006, xuất khẩu vào Nhật Bản đạt 113 triệu USD, tăng 21% so với năm 2005.

Tuy nhiên năng suất lao động chưa cao, trình độ tổ chức sản xuất từ khâu thiết kế, mua nguyên vật liệu đến sản xuất, kiểm tra chất lượng còn thấp, nên giá thành còn cao. Số doanh nghiệp có chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng ISO còn chưa nhiều.

Trong bối cảnh hội nhập, ngành may và giày dép của Việt Nam có thể phát triển và cạnh tranh được nếu có sự đầu tư để phát triển các ngành sản xuất bổ trợ và tiếp tục duy trì được lợi thế cạnh tranh về giá và năng suất lao động, kết hợp với kỹ năng quản lý tiên tiến. Hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của ngành da giày: gia tăng các luồng chuyển giao vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, thúc đẩy giao lưu văn hoá, trí tuệ, củng cố và tăng cường các thể chế quốc tế, phát triển văn minh vật chất và tinh thần tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển thị trường quốc tế.

Một phần của tài liệu báo cáo: Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam pdf (Trang 119 - 122)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(185 trang)
w