Những thách thức và hạn chế:

Một phần của tài liệu báo cáo: Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam pdf (Trang 122 - 127)

VII. XUẤT KHẨU GIÀY DÉP.

Những thách thức và hạn chế:

- Đối thủ cạnh tranh lớn mạnh: Các doanh nghiệp sản xuất giày dép Việt Nam đang gặp phải cạnh tranh gay gắt từ các thế lực kinh tế mạnh trong khu vực và quốc tế như Brazil, Trung Quốc và một số nước ASEAN. Xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng thị phần của Việt Nam cũng mới chỉ chiếm 2,1% về số lượng so với 83,5% của Trung Quốc. Đối với các thị trường xuất khẩu khác như Liên bang Nga, các nước Đông Âu, Trung Đông, châu Phi, tuy không yêu cầu cao về mẫu mã và chất lượng nhưng hàng Việt Nam vẫn không thể thâm nhập mạnh vào thị trường các nước này.

Trong khi đó tính cạnh tranh của ta còn yếu do thiếu khả năng cung ứng vật tư nguyên liệu, điều kiện kinh tế và hạ tầng dịch vụ chưa theo kịp các nước kết hợp với giá dịch vụ vận chuyển cao.

Trước hết phải kể đến là sự cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc, một đất nước có thế mạnh về mặt hàng giày dép. Gần đây Trung Quốc là có thêm lợi thế với việc gia nhập tổ chức thương mại quốc tế (WTO). Mặt hàng giày dép xuất khẩu của Trung Quốc có ưu thế hơn giày dép xuất khẩu của Việt Nam do trình độ công nghệ của Trung Quốc tiên tiến hơn, mẫu mã của họ đẹp và đa dạng hơn.

Bên cạnh đó, sự vươn lên mạnh mẽ của một số nước sản xuất giày trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia hoặc Bangladesh... đã chia sẻ bớt thị trường xuất khẩu da giày của thế giới.

Thị trường xuất khẩu của da giày Việt Nam chủ yếu là EU, Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, ở những thị trường này hiện nay tiềm ẩn đầy những thử thách bởi nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật khắc khe. Vì vậy, để tăng trưởng xuất khẩu, giầy da Việt Nam chịu sức ép rất lớn về khả năng cạnh tranh. Trong những sản phẩm thuộc ngành hàng này thì chỉ có giày thể thao, giày nữ, giày vải là có khả năng cạnh tranh, số còn lại như sản phẩm túi, ví là mặt hàng cạnh tranh yếu.

- Năng lực cạnh tranh của giày dép Việt Nam yếu là do:

• Công nghệ sản xuất mà các doanh nghiệp đang áp dụng phần nhiều lạc hậu và chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng ngày càng cao của nhiều thị trường xuất khẩu, thậm chí là tại thị trường nội địa. Theo thống kê của Viện nghiên cứu da giày Việt Nam, thiết bị sản xuất giầy dép của các doanh nghiệp hiện nay được nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Phần lớn trong số đó đã không còn phù hợp. Đây chính là mấu chốt làm suy giảm khả năng cạnh tranh.

Các doanh nghiệp sản xuất giày dép tập trung chủ yếu ở Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Hà Nội. Công nghệ sản xuất hiện đang ở mức trung bình và trung bình khá so với khu vực, sản xuất vẫn theo phương thức cơ giới hóa và còn khá lệ thuộc

vào nước ngoài về trang bị máy móc. Khả năng đầu tư và chuyển giao công nghệ mới phụ thuộc vào nguồn tài chính hạn hẹp, đội ngũ chuyên gia hiểu biết sâu và cập nhật công nghệ còn quá ít và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, kinh nghiệm và khả năng đàm phán, ký kết hợp đồng về công nghệ còn hạn chế...Đây là một trong những nguyên nhân làm hạn chế năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Điều này còn dẫn đến việc ngành có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế.

• Năng lực sản xuất của ngành chủ yếu tại các cơ sở ngoài quốc doanh và có yếu tố nước ngoài, chiếm trên 90% năng lực của cả ngành, chứng tỏ năng lực ngành phụ thuộc hoàn toàn vào làn sóng đầu tư của tư bản tư nhân trong nước và quốc tế.

• Nguyên vật liệu sản xuất của ngành da giày chiếm đến 80% giá trị của sản phẩm trong đó ngành sản xuất da đóng vai trò quan trọng nhất. Theo LEFASO, nhu cầu da thuộc năm 2007 của toàn ngành khoảng 350 triệu feet vuông, trong khi đó công nghệ thuộc da trong nước hiện có hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam và 5 doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên năng lực cũng như công suất còn rất hạn chế mới chỉ sản xuất và đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu da thuộc của cả nước, 80% còn lại phải nhập khẩu. Điều này lý giải vì sao ngành da giày Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu.

Ngành da giày Việt Nam cần một nhà máy thuộc da để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, tuy nhiên không địa phương nào cấp phép đầu tư vì ô nhiễm môi trường. Ngoài việc các địa phương ngại cấp phép vì lý do môi trường, chi phí đầu tư những dự án thuộc da rất lớn khiến lĩnh vực này không được doanh nghiệp mặn mà.

• Ngành phụ liệu sản xuất còn trầm trọng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ sản xuất được một vài mặt hàng rất hạn chế như nhãn, ren, dây giày... nhưng lại “bỏ ngỏ” những loại phụ kiện tinh xảo là các sản phẩm nhựa có xi mạ như khoen, móc, cườm, các vật trang trí trên giày, đặc biệt là giày nữ và giày trẻ em. Trên thực tế, việc sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành da giày trong nước chỉ đáp ứng rất ít nhu cầu của doanh nghiệp, tỷ lệ nội địa hóa chỉ chiếm khoảng 50%, 50% còn lại là phải nhập khẩu, từ da thuộc, da tổng hợp, vải, gót giày, phom giày, bao bì và phụ liệu khác. Và nguyên phụ liệu

có khi chiếm đến 75% giá thành của sản phẩm. Vì vậy, việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Mặc khác, sự phụ thuộc này sẽ đưa đến sự phát triển thiếu tính vững chắc nếu thị trường cung cấp bị biến động.

• Tuy có lợi thế giá nhân công rẻ, nguồn cung ứng lao động dồi dào do dân số trẻ, nhưng năng suất lao động của người Việt Nam rất thấp, trung bình trên 1 dây chuyền 450 lao động đạt mức sản lượng 500.000 đôi/năm, chỉ bằng 1/35 năng suất lao động của người Nhật, 1/30 của Thái Lan, 1/20 của Malaysia và 1/10 của Indonesia.

• Nhu cầu da giày của thế giới hàng năm khoảng 17 tỷ USD, gia công chủ yếu ở châu Á, trong đó Việt Nam chiếm khoảng 4,1 tỷ USD. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì dù có đến 90% sản lượng xuất khẩu, nhưng lợi nhuận thu về từ ngành này chỉ đạt mức 25% giá trị gia tăng, vì ngành này chủ yếu vẫn “bán” sức lao động là chính. Chính vì thói quen sản xuất theo khuôn mẫu có sẵn của các đơn đặt hàng nên các doanh nghiệp Việt Nam từ lâu đã không chú trọng vào việc phát triển bộ phận nghiên cứu, thiết kế mẫu mã mới, thương hiệu riêng của mình. Một lý do khác để giải thích cho vấn đề này đó là tình trạng thiếu hụt các nhà thiết kế lành nghề. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thành công trên thị trường xuất khẩu các sản phẩm giày dép của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào những nhà thiết kế có khả năng luôn tạo ra các mẫu mã giày dép hợp thời trang với khách hàng quốc tế. Hiện nay, Việt Nam có quá ít cán bộ thiết kế lành nghề, hoặc nếu có thì họ cũng chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp, bài bản.

- Khó khăn lớn nhất mà ngành giày dép Việt Nam đang đối mặt vào thời điểm này đó là sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động để đáp ứng được lượng đơn đặt hàng đang tăng kể từ đầu năm đến nay.

Theo phản ánh của Lefaso, trung bình các doanh nghiệp trong ngành đang thiếu hụt khoảng 10% lao động, gần như tất cả các doanh nghiệp da giày xuất khẩu đều thiếu từ 200 - 300 lao động, thậm chí có doanh nghiệp thiếu đến 500 lao động.. Đối với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và liên doanh, đang nắm giữ trên 65% kim ngạch

xuất khẩu của ngành như Pou Yuen, Pou Chen (Đài Loan), Shang Hung Cheng, Tea Kuang Vina (Hàn Quốc)… có quy mô từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn lao động thì việc thiếu hụt khoảng 10% lao động là cả một vấn đề không nhỏ. Nếu không có giải pháp điều động lao động hài hoà và phù hợp, trong bối cảnh khó tuyển thêm lao động mới thì khả năng bị ảnh hưởng đến xuất khẩu là khó tránh khỏi. Đây được coi là hệ lụy của tình trạng thiếu đơn hàng từ năm ngoái, khi các doanh nghiệp lâm vào tình cảnh thiếu việc làm và không đủ chi phí để giữ công nhân.

Hiện nay, thu nhập của người lao động trong ngành da giày còn thấp hơn một số ngành khác nên đã xuất hiện tình trạng dịch chuyển lao động sang những ngành sản xuất có thu nhập cao hơn. Nếu doanh nghiệp nhận đơn hàng vượt năng lực sản xuất của mình và để kịp giao hàng cho đối tác, thì doanh nghiệp buộc phải tăng lương công nhân, tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu, vận chuyển bằng đường hàng không... Nhiều doanh nghiệp da giày sẽ không chịu nổi một loạt chi phí tăng lên như vậy.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đơn hàng xuất khẩu nhiều nhưng ngành da giày vẫn không thu hút được công nhân là do giá gia công thấp và việc biến động giá ngoại tệ trong thời gian gần đây đang ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận vốn đã ít ỏi của các doanh nghiệp.

- Khó khăn kế tiếp phải kể đến là: tuy sức mua của thị trường truyền thống (EU) vẫn giữ ở mức ổn định nhưng Việt Nam bị chịu nhiều sức ép hơn về thuế và các rào cản so với một số nước như Brazil, Indonesia... đặc biệt từ ngày 6 tháng 10 năm 2006, EU áp thuế chống bán phá giá giày mũ da sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang EU là 10%.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa cho biết, Vụ Nhập khẩu, Tổng vụ Ngoại thương Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng giày dép nhập khẩu từ Việt Nam. Theo quyết định này, giày dép thuộc các mã HS 6402, 6403 và 6404 của Việt Nam sẽ bị áp thuế tự vệ thêm ba năm nữa (đến 9/8/2012), với biểu thuế giảm dần theo ba giai đoạn, từ 1,70 – 2,55% xuống 1,60 – 2,45%.

Như vậy, cho đến nay giày dép xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với tổng cộng 3 biện pháp phòng vệ thương mại. Hai biện pháp còn lại là: thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da tại thị trường EU và thuế chống bán phá giá đối với giày và dép mũ vải tại Peru.

Một phần của tài liệu báo cáo: Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam pdf (Trang 122 - 127)