Đặc điểm tự nhiên

Một phần của tài liệu Dai - LA _nop QD_ (Trang 28 - 30)

Ngày 26-11-2003, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia tách tỉnh Đắk Lắk thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

Đắk Lắk sau khi chia tách tỉnh có diện tích tự nhiên 1.302.620 ha, với dân số là 1.666.854 người, mật độ dân số 124,61 người/km2, có 42 dân tộc cùng sinh sống. Người Kinh chiếm 70,5%; các DTTS chiếm 29,5% [10, tr.176]. Có đường biên giới dài 73 km giáp tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Tỉnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Krông Búk, Ea Kar, Krông Ana, Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, M'Đrắk, Krông Pắk, Ea H'Leo, Krông Bông, Cư M'Gar, Krông Năng (sau đó chia tách thêm 2 đơn vị: Huyện Cư Kuin thành lập theo Nghị định 137/2007/NĐ-CP và Thị xã Buôn Hồ thành lập theo Nghị định 07/2008/NĐ-CP của Chính phủ), với 165 đơn vị hành chính cấp xã, 2.129 thôn, buôn, tổ dân phố [4, tr.358-359], [Phụ lục 1].

Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng không chỉ đối với Tây Nguyên mà đối với cả nước. Đắk Lắk có hệ thống giao thông tương đối phát triển, gồm nhiều tuyến đường bộ quan trọng. Từ Đắk Lắk có thể kiểm soát và khống chế toàn bộ Tây Nguyên, án ngữ các tuyến đường xuyên Việt từ Kon Tum - Plei Ku qua Đắk Lắk xuống miền Tây Nam Bộ (Quốc lộ 14), từ cao nguyên Đắk Lắk xuống dải đất ven biển Nam Trung Bộ, từ ven biển Trung Bộ qua Đắk Lắk sang các nước Lào và Campuchia (Quốc lộ 26, 27). Với vị trí và hệ thống đường giao thông trên, Đắk Lắk không quá cách xa các thành phố lớn và cảng biển để phát triển kinh tế - xã hội.

Đắk Lắk có địa hình đa dạng, tài nguyên đất, rừng phong phú. Độ cao trung bình từ 500-800 m so với mặt biển, địa hình tương đối bằng phẳng, có hướng thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc. Ở giữa tỉnh có cao nguyên Buôn Ma Thuột trải dài từ Bắc xuống Nam trên 90 km, từ Đông sang Tây khoảng 70 km, bề mặt có dạng đồi lượn sóng, nhưng khá bằng phẳng, độ dốc từ 3-15o. Bề mặt cao nguyên Buôn Ma Thuột là kết quả của phun trào núi lửa phủ lên bề mặt lớp phiến thạch mi-ca và sa phiến thạch bị phong hóa, tạo nên một lớp đất màu mỡ, rất thích hợp cho việc phát triển cây công nghiệp. Phía Nam có nhiều đồng trũng và đầm hồ dọc theo các con sông chính như Krông Ana, Krông Nô. Phía Đông Bắc và Đông Nam bao gồm các dãy núi cao trên 1.000m, tạo nên biên giới khí hậu giữa duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó lớn nhất là vùng núi Chư Yang Sin nằm ở phía Đông Nam, ngăn cách giữa cao nguyên Buôn Ma Thuột với cao nguyên Lâm Viên, có đỉnh Chư Yang Sin cao 2.445 m.

Địa hình phức tạp cùng với khác biệt về khí hậu tạo ra nhiều vùng sinh thái khác nhau ở Đắk Lắk, có điều kiện để đa dạng hóa nông nghiệp và lâm nghiệp; song cũng có nhiều hiện tượng bất lợi như xói mòn đất, rửa trôi, sụt lở đất đá…

Đất đai tự nhiên của tỉnh Đắk Lắk, được chia thành 11 nhóm chính và 84 đơn vị đất đai, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp (dễ khai thác, chi phí đầu tư cải tạo thấp, độ an toàn sinh thái cao). Đặc biệt, Đắk Lắk có nhóm đất đỏ bazan với diện tích 324.679 ha, chiếm 24,81% diện tích tự nhiên, phần lớn nằm trên địa hình tương đối bằng phẳng phù hợp cho phát triển cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cà phê, ca cao, cao su, tiêu… Ngoài ra còn có nhiều loại đất khác thích hợp với các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả, một số cây lâu năm và lúa nước.

Tỉnh Đắk Lắk gồm nhiều tiểu vùng khí hậu, vừa mang tính chất cao nguyên nhiệt đới ẩm, vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô nóng. Khí hậu chia thành hai mùa rõ rệt: Mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, khí hậu mát và lạnh, độ ẩm thấp, thường có gió cao nguyên từ cấp 4 đến cấp 6; Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, tập trung 90% lượng mưa hằng năm, khí hậu ẩm và dịu mát, hầu như không có bão nên không gây ảnh hưởng đối với các cây trồng lâu năm và hoa màu ngắn ngày.

Khí hậu Đắk Lắk có nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ mặt trời và tổng nhiệt độ cao, là điều kiện hình thành và phát triển một nền nông nghiệp với năng suất và chất lượng cao với các sản phẩm đặc trưng như cà phê, cao su, hồ tiêu, bông và nhiều cây lương

thực, thực phẩm có giá trị khác. Tuy nhiên, do phân hóa hai mùa khắc nghiệt nên luôn phải chú ý đến việc giữ nước chống hạn vào mùa khô. Đặc biệt, trong những năm gần đây, do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là hiện tượng El Nino, mùa khô ở Đắk Lắk có xu hướng kéo dài, mùa mưa kết thúc sớm, lượng mưa giảm nên xảy ra khô hạn, số giờ nắng và nhiệt độ trung bình trong năm cũng có xu hướng tăng; thiên tai do lũ, ngập úng, sạt lở đất, hạn hán, giông lốc diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng.

Tài nguyên rừng: Tính đến năm 2005, diện tích đất lâm nghiệp của Đắk Lắk có

khoảng 618,2 nghìn ha. Tổng trữ lượng rừng khoảng 59 - 60 triệu m3 [149, tr.11]. Rừng Đắk Lắk có nhiều loại gỗ, cây dược liệu, trong đó có một số loại gỗ quý như cẩm lai, trắc, lim, sến, táu… và nhiều loại lâm thổ sản khác; nhiều loài động vật quý hiếm, phân bố chủ yếu ở vườn quốc gia Yok Đôn, khu bảo tồn Nam Kar, Chư Yang Sin. Rừng Đắk Lắk nằm ở thượng lưu các sông suối lớn nên có vai trò quan trọng phòng hộ và bảo vệ nguồn sinh thủy không những cho tỉnh mà còn cho cả khu vực.

Đắk Lắk là địa phương có diện tích rừng rộng lớn và phong phú nhất cả nước với thảm thực vật đa dạng, chất đất màu mỡ, có nguồn lợi kinh tế cao.

Diện tích rừng ở Đắk Lắk có xu hướng giảm mạnh cả về số lượng và chất lượng. Trong vòng 9 năm (1995-2004), diện tích rừng giảm 77,9 nghìn ha, trung bình mỗi năm giảm 8,7 nghìn ha. Nguyên nhân chủ yếu là sự gia tăng dân số tự nhiên và đặc biệt là tình trạng di dân ngoài kế hoạch vào Đắk Lắk hằng năm rất lớn, dẫn đến nhu cầu về đất sản xuất tăng cao.

Một phần của tài liệu Dai - LA _nop QD_ (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(195 trang)
w