Sau hơn 15 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986-2003), nhất là từ khi có Nghị quyết 22/NQ-TW, ngày 27-11-1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi và Quyết định số 72- HĐBT, ngày 13-3-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi; Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Đắk Lắk đã phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết các dân tộc, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cố gắng vươn lên giành nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng HTCT, đã tạo ra bước chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động trong vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết giữa các dân tộc. Sự bình đẳng cơ bản giữa các dân tộc được thể hiện và phát huy trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các dân tộc trong tỉnh đoàn kết gắn bó xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc. Nền kinh tế nhiều thành phần từng bước hình thành và phát triển đã xoá bỏ dần cung cách làm ăn tự cung, tự cấp, chuyển dần sang sản xuất hàng hoá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá phục vụ cho xuất khẩu và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, quy mô sản xuất ngày càng lớn, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư xây dựng nhiều hơn trong vùng DTTS đã làm cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện và nâng cao hơn trước.
Công tác xoá đói giảm nghèo và thực hiện, chính sách đối với DTTS tại chỗ được quan tâm thường xuyên. Số con em đồng bào các dân tộc đi học ngày càng nhiều, mặt bằng dân trí, chất lượng giáo dục - đào tạo trong đồng bào các dân tộc được nâng lên. Điều kiện, chất lượng khám chữa bệnh có nhiều tiến bộ, các xã vùng
sâu, vùng xa đã có bác sĩ và bảo đảm số thuốc để chữa các bệnh thông thường, các loại dịch bệnh được đẩy lùi. Đời sống văn hoá được cải thiện đáng kể, các phương tiện thông tin đại chúng, sóng phát thanh, truyền hình đã phủ sóng hầu hết vùng sâu, vùng xa, vùng lõm.
Hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được củng cố và tăng cường, năng lực cán bộ, đảng viên được nâng cao, phát huy được vai trò đảng viên, cựu chiến binh, già làng, trưởng buôn, người có uy tín ở vùng dân tộc. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững [120, tr.5].
Bên cạnh đó còn tồn tại những hạn chế, yếu kém chưa được khắc phục: Nền kinh tế của tỉnh vẫn còn trong tình trạng chậm phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, còn phụ thuộc vào nông nghiệp; tập quán canh tác của đồng bào vùng sâu, vùng xa còn lạc hậu, gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc chọn cây trồng, vật nuôi; chậm triển khai việc giao đất, giao rừng cho đồng bào các dân tộc.
Dân DCTD đến tỉnh ngày càng tăng dẫn đến tình trạng một bộ phận DTTS tại chỗ thiếu đất ở và đất sản xuất. Tỉ lệ nghèo đói lên tới 23,49% so với tổng số dân của tỉnh, trong đó đồng bào các DTTS tại chỗ chiếm tới 56% so với tổng số hộ đói nghèo toàn tỉnh. Sự phân hoá giàu nghèo và chênh lệch về mức sống giữa các vùng và tầng lớp dân cư ngày càng rộng; giáo dục đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS chưa được quan tâm đúng mức; công tác chăm sóc sức khoẻ chưa thật chu đáo, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao, cuối năm 2002 chiếm 39,5%; mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn thấp. Hoạt động của HTCT ở cơ sở còn yếu, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ
ở cơ sở còn hạn chế, công tác phát triển đảng viên chậm; cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể Nhân dân ở một số nơi hoạt động chưa hiệu quả, không sát cơ sở, không tập hợp được quần chúng.
Những hạn chế đó có nguyên nhân cơ bản là:
Về khách quan, do địa bàn sinh sống của các DTTS phân bố trên diện rộng, phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn; khó khăn trong tiếp cận với các dịch vụ thông tin, y tế, giáo dục, tiến bộ khoa học kỹ thuật...
Điểm xuất phát kinh tế - văn hoá - xã hội rất thấp, kết cấu hạ tầng còn yếu kém, kinh tế chưa phát triển, còn mang nặng tính chất tự cung, tự cấp. Các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng những khó khăn về đời sống, dân trí thấp và những thiếu sót
trong thực hiện CSDT để kích động, lôi kéo, chia rẽ phá hoại sự đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định về an ninh chính trị [120, tr.7].
Về chủ quan, nhận thức của nhiều cấp uỷ, chính quyền về vai trò, vị trí của công
tác dân tộc, về vấn đề dân tộc chưa đầy đủ và hạn chế; Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng DTTS còn nhiều hạn chế; Việc cụ thể hoá và tổ chức thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 72-HĐBT chưa tốt; kết quả còn hạn chế. Một số chương trình, dự án hiệu quả chưa cao, chưa thật sự đáp ứng nguyện vọng của đồng bào.
Một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên và Nhà nước; một số địa phương chưa phát huy được ý chí tự lực, tự cường, tự vươn lên của đồng bào, chưa khơi dậy, huy động tối đa mọi nguồn lực hiện có để đầu tư cho phát triển.
Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ làm công tác dân tộc còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo và bồi dưỡng kịp thời; công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực người DTTS chưa nhiều; giải quyết việc làm cho con em DTTS có trình độ còn chậm; bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể một số nơi còn quan liêu chưa sâu sát, chưa nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của dân, có nơi vi phạm CSDT của Đảng, Nhà nước làm giảm lòng tin của Nhân dân các dân tộc. Cơ quan làm công tác tham mưu và thực hiện CSDT từ tỉnh đến huyện chưa thật sự ngang tầm nhiệm vụ.