Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khiếm khuyết trong quá trình lãnh đạo thực hiện CSDT của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk.
Về nguyên nhân khách quan: Xuất phát điểm của vùng DTTS, nhất là chất
lượng giáo dục và nguồn nhân lực thấp, biến đổi khí hậu gia tăng, khả năng thích ứng của đồng bào với xu thế phát triển, hội nhập của đất nước còn chậm; các thế lực thù địch vẫn còn tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là những khó khăn về kinh tế của đất nước, an ninh chính trị vùng biên giới. Vùng DTTS của tỉnh Đắk Lắk phát triển chậm, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng xu thế phát triển; một số nơi vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị.
Về nguyên nhân chủ quan:
Năng lực xây dựng và ban hành chính sách của các cấp, các ngành còn yếu, định mức kinh phí để xây dựng chính sách thấp, việc điều tra, khảo sát một số chính sách của sở, ngành địa phương chưa bảo đảm, dẫn đến chất lượng chính sách ban hành chưa cao.
Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn hầu hết đều mang tính hỗ trợ, chưa có chính sách đầu tư trọng điểm, nên hiệu quả chưa cao, chưa bền vững.
Nhiều chính sách mục tiêu kỳ vọng cao, song nguồn vốn không đáp ứng nên kéo dài thời gian thực hiện, hiệu quả thấp, gây lãng phí.
Đội ngũ cán bộ cơ sở vùng dân tộc và cán bộ trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu.
Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong xây dựng và phân bổ nguồn lực, kiểm tra đánh giá của một số chính sách chưa chặt chẽ.
Tính ưu tiên cho địa bàn vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn chưa được thể hiện rõ trong từng chương trình, chính sách.
Văn bản hướng dẫn của một số cấp, ngành về địa bàn thực hiện chính sách có điểm chưa thống nhất, chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Có nhiều đầu mối ban hành chính sách, vai trò và trách nhiệm cơ quan thẩm định về mặt nội dung chưa rõ ràng. Chưa có cơ chế để bảo đảm chủ động nguồn lực thực hiện chính sách. Tính chủ động của cấp ủy, chính quyền một số địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện CSDT trên địa bàn chưa được đề cao.
Một số chính sách riêng của tỉnh thực hiện trong vùng DTTS tại chỗ có ý nghĩa, nhưng nguồn lực đầu tư thấp, bị gián đoạn, hiệu quả thấp (chính sách phát triển kinh tế - xã hội thôn buôn đồng bào DTTS tại chỗ, chính sách cử tuyển dự bị đại học v.v.).
Một nguyên nhân nữa phải đề cập đến đối tượng thụ hưởng các chính sách là đồng bào DTTS. Trên thực tế, một bộ phận đồng bào DTTS chưa thực sự được tham gia sâu trong quá trình tham vấn, xây dựng, giám sát chương trình, chính sách. Tại nhiều địa phương, người dân không hề biết tới chính sách, "cho bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu thôi".
Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá chính sách của các cấp ủy Đảng và chính quyền nhiều nơi chưa được chú trọng đúng mức, chưa thật sự giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề nổi cộm, những bức xúc trong xã hội, trong dư luận, đặc biệt là vấn đề chênh lệch mức sống, vấn đề nhu cầu đất sản xuất, nhu cầu phát triển văn hóa v.v.