Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, tình hình thế giới biến đổi nhanh, phức tạp và khó lường. Trong đó, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn, nhưng xung đột sắc tộc và tôn giáo, tranh giành tài nguyên và lãnh thổ, nạn khủng bố và tội phạm gia tăng cùng với những vấn đề toàn cầu khác như đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên [50, tr.97]. Vấn đề dân tộc vẫn là "điểm nóng" ở nhiều khu vực, nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những quốc gia có đặc điểm đa tộc người, đa tôn giáo, có vấn đề phức tạp, nhạy cảm về lịch sử, quan hệ tộc người… Các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột dân tộc và tôn giáo vẫn còn tiếp diễn ở một số nơi, dưới nhiều hình thức.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á nói riêng đứng trước những vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm, như tranh chấp chủ quyền về biên giới, lãnh thổ, lãnh hải; tư tưởng tự trị, ly khai, mâu thuẫn, xung đột dân tộc và tôn giáo đã nổ ra và vẫn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn như ở Tây Tạng, Tân Cương (Trung Quốc), miền Nam Thái Lan, Philippin, Inđônêxia…, có ảnh hưởng đáng kể đến sự ổn định và phát triển của mỗi quốc gia và sự hợp tác giữa các quốc gia. Đặc điểm chung của các phong trào ly khai là đòi quy chế tự trị, đòi quyền tự trị hoặc đòi tách ra thành lập một quốc gia riêng.
Mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và tôn giáo trên thế giới ngày càng chặt chẽ, gia tăng mối quan hệ cố kết giữa yếu tố dân tộc và yếu tố tôn giáo trong phạm vi một quốc gia và giữa các quốc gia, dẫn đến việc hình thành các cộng đồng tộc người - tôn giáo liên/xuyên quốc gia, có thể là một trong những nguyên nhân tạo ra tranh chấp, xung đột giữa các tộc người, giữa các quốc gia.
Trong chiến lược "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, những vấn đề nguồn gốc, lịch sử tộc người, lịch sử vùng đất được chúng triệt để lợi dụng gắn với vấn
đề nhân quyền để kích động các tộc người đòi lại quyền về lãnh thổ, quyền tự trị. Các thế lực thù địch thường lợi dụng các Điều 10, 25, 26, 28, 29, 30 trong "Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa" đã được Liên Hợp quốc thông qua (Nghị quyết số 61/295, ngày 13-9-2007) [88], nhằm phục vụ cho các toan tính riêng của chúng.
Trong bối cảnh đó, vấn đề dân tộc ở Việt Nam nói chung, tại các địa bàn chiến lược có đặc điểm đa tộc người, nhiều tôn giáo, có những vấn đề phức tạp, nhạy cảm về lịch sử vùng đất và quan hệ tộc người nói riêng, đã và đang bị tác động bởi những yếu tố nêu trên với các mức độ khác nhau, xuất hiện những vấn đề mới, diễn biến theo xu hướng mới hoặc tiềm ẩn, khó lường, có tác động trực tiếp đến công tác dân tộc, nhất là trong lĩnh vực ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.