Doanh nghiệp thương mại là một tác nhân trên thị trường do đó để phát triển kinh doanh thích ứng với thị trường doanh nghiệp phải nghiên cứu thị trường. Nghiên cứu thị trường là việc cần thiết, đầu tiên đối với mỗi doanh nghiệp khi bắt đầu kinh doanh vì thị trường không phải là bất biến mà thị trường luôn biến động, đầy bí ẩn và thay đổi không ngừng. Nghiên cứu thị trường là xuất phát điểm để định ra các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, từ chiến lược đã xác định doanh nghiệp tiến hành lập và thực hiện các kế hoạch kinh doanh, chính sách thị trường. Do đó nghiên cứu thị trường là việc làm thường
xuyên của doanh nghiệp thương mại. Mục đích việc nghiên cứu thị trường của các doanh nghiệp thương mại là nghiên cứu xác định khả năng bán một loại mặt hàng hoặc nhóm mặt hàng nào đó trên địa bàn xác định.Trên cơ sở đó nâng cao khả năng cung ứng để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Như vậy nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp lựa chọn mặt hàng và lĩnh vực kinh doanh đúng đắn, chỉ kinh doanh những mặt hàng mà thị trường có nhu cầu.
Mỗi loại hàng hóa lại có nguồn sản xuất, nguồn cung ứng khác nhau, có đặc tính cơ, lý, hóa học khác nhau và phục vụ cho một phần nhu cầu tiêu dùng (sử dụng) nhất định. Do đó, nó có tính chất đặc thù không giống nhau. Khi nghiên cứu thị trường hàng hóa doanh nghiệp kinh doanh cần phân biệt: thị trường nguồn hàng (nguồn sản xuất, người cung cấp); đặc điểm của nguồn hàng sản xuất, tổ chức sản xuất, phương thức bán và chính sách tiêu thụ sản phẩm của người cung cấp, mối quan hệ bạn hàng; chi phí vận chuyển hàng hóa và những thỏa thuận của người cung ứng với các hang khác về cung cấp hàng hóa. Nhưng quan trọng hơn cả là thị trường bán hàng của doanh nghiệp. Bởi vậy chỉ có nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường mới có cơ sở tổ chức bộ máy kinh doanh, lựa chọn phạm vi và quy mô kinh doanh hợp lý để tổ chức các hoạt động nghiệp vụ kinh doanh theo xu thế biến động của thị trường. Chỉ có thông qua nghiên cứu thị trường mới giúp doanh nghiệp làm chủ đồng vốn, làm chủ diễn biến của thị trường để kinh doanh có lãi.
Tóm lại, trên cơ sở những thông tin đầy đủ về thị trường giúp cho doanh nghiệp có cách nhìn tổng quát về thị trường như tổng cung, tổng cầu, giá cả thị trường, các chính sách của Nhà nước, hiểu biết chi tiết về các đối thủ cạnh tranh từ đó tìm ra được cơ hội cũng như nguy cơ đe dọa của thị trường. Kết hợp với phân tích khả năng của doanh nghiệp để lựa chọn chiến lược, định hướng hoạt động, đưa ra giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường và kinh doanh có lãi.