Tổ chức hợp lý mạng lưới thu mua hàng hóa phù hợp với đặc điểm điều kiện nguồn hàng, điều kiện sản xuất, điều kiện vận tải là vấn đề hết sức quan trọng để có thể bảo đảm nguồn hàng được mua đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, đúng số lượng và thời gian cần hàng với chi phí thấp nhất.
Tổ chức mạng lưới mua hàng được tổ chức theo nguyên tắc chuyên doanh, vừa bảo đảm tính chuyên nghiệp của hệ thống, vừa đáp ứng yêu cầu chất lượng và số lượng của hàng hóa, cũng như những yêu cầu về quy cách, mẫu mã, màu sắc, các tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh, an toàn môi thường… cũng như kịp thời đối với các nguồn cung ứng đã sản xuất ra.
Tùy theo tính chất, đặc điểm của loại hàng hóa, yêu cầu của việc thu mua, giao nhận, vận chuyển, phân phối và đặc điểm của ngành sản xuất, doanh nghiệp thương mại có thể tổ chức mạng lưới thu mua thành các trạm (thu mua), xí nghiệp (thu mua), kho thu mua. Đây là mạng lưới trực tiếp của doanh nghiệp thương mại. Các mạng lưới này có thể cố định (ổn định) ở một địa điểm hoặc có thể di động theo thời gian.
Đối với hàng nhập khẩu, ở các ga, cảng đầu mối, doanh nghiệp thương mại có thể tổ chức trạm (tiếp nhận), đội (tiếp nhận), kho (tiếp nhận) để nhận hàng và phân phối hàng hóa về các điểm bán hàng hoăc kho dự trữ hàng hóa của doanh nghiệp thương mại.
Mạng lưới thu mua trực tiếp được tổ chức ở những nơi nguồn hàng tập trung, ở những nguồn hàng chính, vào thời gian thu hoạch hàng hóa (đối với nông lầm hải sản).
Doanh nghiệp thương mại cũng có thể tổ chức mạng lưới gián tiếp bằng tổ chức các đại lý thu mua ở những nơi nguồn hàng phân tán, nguồn hàng nhỏ lẻ, không thường xuyên liên tục để tăng thêm nguồn hàng cho doanh nghiệp mình.