4.3.1.1. Mua theo đơn đặt hàng và hợp đồng mua bán hàng hóa
Đơn đặt hàng (còn gọi tắt là đơn hàng) là các định các yêu cầu cụ thể mặt hàng về số lượng, chất lượng, quy cách, cỡ loại, mầu sắc… và thời gian giao hàng mà người mua (doanh nghiệp thương mại) lập và gửi cho người bán (nhà sản xuất kinh doanh hoặc doanh nghiệp thương mại khác).
Để có hàng hóa thích hợp với khối lượng, cơ cấu và đúng thời gian yêu cầu, dựa vào mối quan hệ kinh doanh sẵn có hoặc thông qua chào hàng của các doanh nghiệp sản
xuất – kinh doanh, doanh nghiệp thương mại sau khi khảo sát, điều tra, thăm dò và đánh giá chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp thương mại phải lập đơn hàng và đặt hàng với các đơn vị đã được lựa chọn (Doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, …). Đơn hàng là yêu cụ thể mặt hàng mà doanh nghiệp thương mại cần mua và thời gian cần nhập hàng của doanh nghiệp. Các yêu cầu cụ thể mặt hàng là tên hàng, ký mã hiệu, nhãn hiệu, quy cách, cỡ loại, mầu sắc … số lượng, trọng lượng theo đơn vị tính (hiện vật, giá trị); theo tiêu chuẩn kỹ thuật mặt hàng, chất lượng, bao bì, giá cả, thời gian giao hàng… mà người ta không thể nhầm lẫn sang mặt hàng khác được. Nếu cùng nhóm mặt hàng có nhiều quy cách, cớ loại khác nhau thì có thể lập thành bản kê chi tiết từng danh điểm mặt hàng với số lượng và thời gian giao hàng tương ứng.
Khi lập đơn hàng cần phải quán triệt các yêu cầu sau đây :
- Lựa chọn mặt hàng và đặt mua loại hàng phù hợp với nhu cầu của nhu khách hàng về số lượng, chất lượng, quy cách, cỡ loại, mầu sắc, … và thời gian giao hàng.
- Phải nắm vững khả năng mặt hàng đã có hoặc có thể mua được ở doanh nghiệp thương mại.
- Phải tìm hiểu kỹ đối tác về lượng mặt hàng, trình độ tiên tiến của mặt hàng, công nghệ chế tạo mặt hàng, giá thành và giá bán của đối tác và khai thác đến mức cao nhất khả năng đáp ứng của đơn vị nguồn hàng.
- Phải yêu cầu chính xác số lượng, chất lượng của từng điểm mặt hàng và thời gian giao hàng bởi vì mọi sai sót về số lượng, chất lượng, quy cách, cỡ loại, màu sắc … đều dẫn đến tình trạng thừa thiếu, ứ đọng, chậm tiêu thụ và việc khắc phục nó phải mất thời gian và phải chi phí tốn kém.
Đơn hàng thường là một căn cứ để ký kết vào hợp đồng mua bán hàng hóa. Đối với loại hàng hóa có nhiều quy cách, cỡ loại, mầu sắc khác nhau thì đơn hàng là bản liệt kê theo danh điểm mặt hàng và được kèm với hợp đồng kinh tế như bản phụ lục hợp đồng để hai bên ký kết và thực hiện việc giao nhận hàng hóa.
Mua hàng theo đơn đặt hàng và hợp đồng mua bán hàng hóa là một hình thức chủ động, có kế hoạch trong việc tạo nguồn hàng của doanh nghiệp thương mại. Nó bảo đảm sự ổn định, chắc chắn cho cả người sản xuất (nguồn sản xuất) và cả đơn vị kinh doanh. Nó là hình thức mua bán có sự chuẩn bị trước, một hình thức văn minh, khoa học. Vì vậy, doanh nghiệp thương mại cần quan tâm, theo dõi, kiểm tra, giúp đỡ và hợp tác chặt chẽ với các đơn vị nguồn hàng để thực hiện đúng đơn hàng và hợp đồng mua bán đã ký kết.
4.3.1.2. Mua hàng không theo hợp đồng mua bán
Trong quá trình kinh doanh, tìm hiểu thị trường và khảo sát thị trường nguồn hàng, có những loại hàng hóa doanh nghiệp thương mại kinh doanh, có nhu cầu của khách hàng, giá cả phải chăng, doanh nghiệp thương mại có thể mua hàng không theo hợp đồng mua bán ký trước. Mua hàng theo hình thức mua bán đứt đoạn, mua bằng quan hệ hàng – tiền hoặc trao đổi hàng – hàng. Đây là hình thức mua bán hàng trên thị trường, không có kế hoạch trước, mua không thường xuyên, thấy rẻ thì mua … Với hình thức mua hàng này, người mua hàng phải có trình độ kỹ thuật nghiệp vụ mua hàng thông thạo, phải có kinh
nghiệm và phải đặc biệt chú ý kiểm tra kỹ mặt hàng về số lượng, chất lượng, quy cách, cỡ loại, mầu sắc, kỳ hạn sử dụng, phụ tùng … để đảm bảo hàng mua về có thể bán được.
4.3.1.3. Mua hàng qua đại lý
Ở những nơi tập trung nguồn hàng, doanh nghiệp thương mại có thể đặt mạng lưới mua trực tiếp. Tuy nhiên ở những nơi (khu vực) nguồn hàng nhỏ lẻ, không tập trung, không thường xuyên, doanh nghiệp thương mại thường mua hàng thông qua đại lý. Tùy theo tính chất kỹ thuật và đặc điểm của mặt hàng thu mua, doanh nghiệp thương mại có thể chọn các đại lý theo các hình thức đại lý độc quyền, đại lý rộng rãi, hoặc đại lý lựa chọn.
Mua hàng qua đại lý thì doanh nghiệp thương mại không phải đầu tư cơ sở vật chất, nhưng doanh nghiệp thương mại cần phải giúp đỡ điều kiện vật chất cho đại lý thực hiện việc thu mua và giúp đỡ huấn luyện cả về kỹ thuật và nghiệp vụ.
Doanh nghiệp thương mại phải ký kết hợp đồng với đại lý, xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của đại lý. Quyền lợi và trách nhiệm của bên giao đại lý (doanh nghiệp thương mại), đặc biệt chú ý đến số lượng, chất lượng, giá cả hàng hóa thu mua được và trả thù lao cho bên đại lý
4.3.1.4. Nhận bán hàng ủy thác và bán hàng ký gửi
Doanh nghiệp thương mại có mạng lưới bán hàng rộng rãi, quy mô lớn hoặc có cả bộ phận xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, có thể nhận bán hàng ủy thác và bán hàng ký gửi.
Về thực chất, hàng ủy thác và hàng ký gửi là loại hàng hóa thuộc sở hữu của đơn vị khác. Các đơn vị đó không có điều kiện bán hàng cho khách hàng nên ủy thác hoặc ký gửi cho doanh nghiệp thương mại bán hàng cho khách hàng. Doanh nghiệp thương mại bán hàng ủy thác theo hợp đồng ủy thác và khi bán được hàng được nhận phí ủy thác. Doanh nghiệp thương mại bán hàng ký gửi theo điều lệ nhận hàng ký gửi và khi bán được hàng được hưởng tỷ lệ phí ký gửi. Như vậy, khi nhận bán hàng ủy thác hoặc bán hàng ký gửi, doanh nghiệp thương mại có thêm các nguồn hàng mới, phong phú hơn, đáp ứng được nhu cầu đa dạng, nhiều vẻ của khách hàng và tận dụng được cơ sở vật chất và lao động ở doanh nghiệp thương mại; đồng thời, lôi kéo được nhiều khách hàng đến với doanh nghiệp.