Trước hết, bộ máy cán bộ công nhân viên làm công tác tạo nguồn và mua hàng phải có tính chuyên nghiệp cao, cả về trình độ kỹ thuật cao, nghiệp vụ, bản lĩnh kinh doanh, nhanh nhạy và trung thành với doanh nghiệp thương mại. Đồng thời để thực hiện khuyến khích kịp thời hoạt động tạo nguồn hàng và mua hàng đúng yêu cầu về chất lượng, số lượng, giá cả, thời gian và địa điểm giao nhận… Doanh nghiệp thương mại cần áp dụng các biện pháp kinh tế (thưởng, phạt) để khuyến khích bộ phận tạo nguồn và mua hàng bằng các phương pháp như: khoán theo doanh số mua hàng; khai thác được nguồn hàng mới, có nhiều triển vọng, mua hàng về bán được nhanh không có hàng ứ đọng, kém mất phẩm chất, hàng thứ phẩm, hàng giả… phân bố lợi nhuận hợp lý giữa các đơn vị nguồn hàng và doanh nghiệp thương mại. Cần áp dụng chế độ trách nhiệm vật chất để cán bộ mua hàng chịu trách nhiệm đến cùng về kết quả các mặt hàng đã mua mà không bán được.
Câu hỏi ôn tập
1. Khái niệm về nguồn hàng, các loại nguồn hàng của doanh nghiệp thương mại? Mối liên hệ giữa các tiêu thức phân loại nguồn hàng?
2. Vị trí quan hệ tác nghiệp tạo nguồn, mua hàng ở doanh nghiệp thương mại. Nếu doanh nghiệp làm tốt nghiệp vụ này có tác dụng gì và nếu làm không tốt nghiệp vụ này có những hậu quả gì?
3. Sự khác nhau giữa tạo nguồn và mua hàng và mối quan hệ giữa tạo nguồn và mua hàng trong hoạt động kinh doanh thương mại?
4. Phân tích nội dung cơ bản của tạo nguồn, mua hàng của doanh nghiệp thương mại?
5. Phương pháp xác định khối lượng hàng cần mua và lựa chọn thị trường mua bán hàng hóa?
6. Phân tích ưu, nhược điểm của các hình thức tạo nguồn ở doanh nghiệp thương mại. Khi nào cần áp dụng các hình thức tạo nguồn trong hoạt động kinh doanh?
7. Phân tích ưu, nhược điểm của các hình thức mua hàng của doanh nghiệp thương mại? Sự khác nhau cơ bản giữa các hình thức đó?
8.Những biện pháp cơ bản để thực hiện tốt hoạt động tạo nguồn, mua hàng ở doanh nghiệp thương mại.
Tài liệu tham khảo
1. PGS. TS. Nguyễn Thừa Lộc, PGS. TS. Trần Văn Bão, Giáo trình quản trị doanh nghiệp thương mại - Nxb Đại học kinh tế quốc dân 2016.
2. GS.TS Đặng Đình Đào, Giáo trình kinh tế thương mại – NXB Đại học kinh tế Quốc dân, 2019
3. PGS.TS Lê Quân, PGS.TS Hoàng Văn Hải, Giáo trình Quản trị tác nghiệp doanh nghiệp thương mại – NXB Thống kê, 2010