Các hình thức tạo nguồn

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản trị doanh nghiệp thương mại: Phần 1 (Trang 66 - 68)

4.3.2.1. Liên doanh, liên kết tạo nguồn hàng

Có những doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh có sẵn các cơ sở vật chất, có sẵn công nhân…nhưng do điều kiện thiếu vốn, thiếu nguyên vật liệu, phụ liệu, thiếu thị trường tiêu thụ … làm cho doanh nghiệp không thể nâng cao được chất lượng và khối lượng mặt hàng sản xuất ra. Có những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm, nguyên vật liệu, … nhưng lại không có vốn, không có công nghệ để chế biến thành sản phẩm có thể xuất khẩu được. Chính vì vậy, Doanh nghiệp thương mại có thể tận dụng ưu thế của mình về vốn, về nguyên vật liệu, về công nghệ, về thị trường tiêu thụ … có thể liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để tổ chức sản xuất, tạo ra nguồn hàng lớn, chất lượng tốt hơn để cung ứng ra thị trường. Liên doanh liên kết bảo đảm lợi ích của cả hai bên. Bằng hợp đồng liên kết hoặc xây dựng thành xí nghiệp liên doanh,

hai bên cùng góp vốn, góp sức theo nguyên tắc có lợi cùng hưởng, lỗ cùng chịu theo điều lệ doanh nghiệp.

4.3.2.2. Gia công đặt hàng và bán nguyên liệu thu mua thành phẩm

Gia công đặt hàng là hình thức bên đặt gia công có nguyên vật liệu giao cho bên nhận gia công thực hiện việc gia công hàng hóa theo yêu cầu và giao hàng cho bên đặt gia công. Bên nhận gia công được hưởng phí gia công. Bên đặt gia công có hàng hóa để bán cho khách hàng trên thị trường. Nội dung của gia công đặt hàng trong thương mại gồm : sản xuất, chế biến, chế tác, sửa chữa tái chế, lắp ráp, phân loại, đóng gói hàng hóa theo yêu cầu và bằng nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công (Điều 129 – Luật Thương Mại). Gia công đặt hàng là một hình thức tạo nguồn hàng của doanh nghiệp thương mại. Doanh nghiệp thương mại có tiến hành gia công đặt hàng thì doanh nghiệp thương mại mới có nguồn hàng phù hợp với yêu cầu của thị trường và mới đảm bảo kinh doanh có hiệu quả. Thông thường, việc gia công đặt hàng được thực hiện bằng hợp đồng gia công. Hợp đồng gia công xác định quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công, quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công. Hai bên phải thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký.

Bán nguyên vật liệu và thu mua thành phẩm là hình thức tạo nguồn hàng chủ động hơn của người sản xuất (nguồn hàng). Người sản xuất mua nguyên vật liệu và chủ động tiến hành sản xuất ra hàng hóa và ký hợp đồng bán hàng hóa cho người đã bán nguyên vật liệu cho mình. Quan hệ giữa bán nguyên liệu và thu mua thành phẩm vẫn có, nhưng đã có sự độc lập hơn giữa người sản xuất và người cung ứng nguyên vật liệu. Về chất lượng hàng hóa sản xuất ra, mẫu mã, mầu sắc, quy cách đều do người sản xuất phải chịu trách nhiệm, người mua chỉ mua những hàng hóa đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, quy cách, mẫu mã, mầu sắc, … theo hợp đồng mua bán hàng hóa đã ký. Bán nguyên vật liệu và thu mua thành phẩm cũng phải được xác lập bằng hợp đồng mua bán nguyên vật liệu và mua bán hàng hóa. Với hình thức này, người tiến hành sản xuất kinh doanh có lợi hơn và có quyền chủ động hơn. Người kinh doanh thương mại (mua hàng hóa) không phải lo nguyên vật liệu, kiểm tra, kiểm soát ở người sản xuất, nhưng lợi nhuận thu được sẽ không cao như hình thức gia công đặt hàng.

4.3.2.3. Tự sản xuất, khai thác hàng hóa

Để chủ động trong tổ chức tạo nguồn hàng, khai thác các nguồn lực và thế mạnh của doanh nghiệp thương mại, cũng như đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp thương mại có thể tự tổ chức các xưởng (xí nghiệp) sản xuất ra hàng hóa để cung ứng cho khách hàng. Đầu tư vào lĩnh vực sản xuất đòi hỏi doanh nghiệp thương mại cần có nguồn vốn lớn, phải chú trọng đến các yếu tố sản xuất – kỹ thuật – công nghệ, nguyên vật liệu, phụ liệu, … Doanh nghiệp thương mại có thể bắt đầu tổ chức những xưởng sản xuất nhỏ, sau đó phát triển nâng dần lên quy mô trung bình và lớn. Doanh nghiệp thương mại cũng có thể mua lại các doanh nghiệp sản xuất nguồn hàng không có hiệu quả, tái cơ cấu và đầu tư thành đơn vị tạo nguồn hàng cho mình.

Doanh nghiệp thương mại cũng có thể tự tổ chức khai thác hàng hóa để đáp ứng cho nhu cầu thị trường. Khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có ở địa phương, ở

những vùng doanh nghiệp thương mại hoạt động kinh doanh và có điều kiện khai thác cho phép, doanh nghiệp thương mại cũng sẽ làm phong phú thêm nguồn hàng của mình, vừa thỏa mãn được tối đa nhu cầu của khách hàng, vừa thay thế được hàng nhập khẩu, vừa có giá cả phải chăng và đặc biệt là doanh nghiệp thương mại chủ động phát triển được nguồn hàng của minh. Một vài ví dụ về vấn đề này : Có doanh nghiệp cung ứng phân bón hóa học cho nông nghiệp, khi phát hiện ở địa phương có dòng sông bị lấp hiện có nguồn phân bùn rất lớn, doanh nghiệp thương mại đã tổ chức khai thác, chế biến thành phân vi sinh cung ứng cho khách hàng. Có doanh nghiệp thương mại cung ứng dây điện, cáp điện nhập khẩu, trong khi đó doanh nghiệp thương mại lại cung ứng cả đồng, cả cao su, cả hạt nhựa … Doanh nghiệp thương mại đã tổ chức sản xuất dây điện, cáp điện cung ứng cho khách hàng với chất lượng không kém hàng nhập ngoại và giá thành lại thấp hơn do đó hạ được giá bán cho khách hàng, được khách hàng hoan nghênh.

Như vậy, với doanh nghiệp thương mại có nguồn vốn dồi dào, có nguồn nguyên vật liệu, có các nguồn lực để tự sản xuất, khai thác nguồn hàng để đưa vào kinh doanh. Đầu tư vào sản xuất, khai thác thì doanh nghiệp thương mại có nguồn hàng vững chắc, vừa đảm bảo được lợi ích của người sản xuất, vừa đảm bảo lợi ích của người kinh doanh. Doanh nghiệp thương mại hiểu biết sản xuất hơn. Tuy nhiên đầu tư vào sản xuất, khai thác, đòi hỏi nguồn vốn lớn, vốn quay vòng vốn dài, sinh lợi chậm và đặc biệt phải có sự hiểu biết về công nghệ mới tiên tiến, hiện đại và xu hướng phát triển của nó.

Một phần của tài liệu Bài giảng Quản trị doanh nghiệp thương mại: Phần 1 (Trang 66 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(71 trang)