Phân biệt quyết định hành chính với các loại quyết định khác 1 Phân biệt quyết định hành chính với quyết định của cơ quan

Một phần của tài liệu quyết định hành chính- lý luận lịch sử nhà nước và pháp luật (Trang 31 - 33)

1.6.1. Phân biệt quyết định hành chính với quyết định của cơ quan lập pháp

Đây là hai loại quyết định do các chủ thể thuộc hai hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước khác nhau ban hành để thực hiện quyền lực nhà nước. Chính vì vậy việc phân biệt hai loại quyết định này trước tiên căn cứ vào chủ thể ra quyết định.

Đối với quyết định hành chính như trên đã trình bày thì thuộc quyền chủ yếu của các chủ thể trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Còn đối với quyết định của các cơ quan lập pháp thì quyền đó chỉ thuộc về Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội. Theo quy định của Hiến pháp năm 1992 thì Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, ngoài quyền lập hiến thì Quốc hội còn có quyền ban hành các quyết định pháp luật dưới hình thức luật, nghị quyết; Ủy ban thường vụ quốc hội ban hành pháp lệnh và nghị quyết.

Xét về tính chất thì các quyết định hành chính là những quyết định dưới luật, ban hành trên cơ sở luật và để thi hành luật. Ví dụ, căn cứ Luật, pháp lệnh Chính phủ sẽ ban hành nghị định để thi hành luật.

Ngoài ra, hai loại quyết định này còn khác nhau về trình tự, thủ tục ban hành theo quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định trong việc xây dựng và ban hành các quy phạm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội, việc đầu tiên là phải thành lập ban soạn thảo. Khoản 1 Điều 32 quy định: Ban soạn thảo có trách nhiệm tổ chức việc soạn thảo và chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo. Sau đó luật còn quy định về trình tự thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, cũng như vai trò của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc xem xét và cho ý kiến về các dự án đó. Đặc biệt luật còn quy định trong quá trình soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến cơ quan, tổ chức hữu quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến; đăng tải toàn văn dự thảo trên trang thông tin điện tử của Chính phủ hoặc của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo trong thời gian ít nhất là sáu mươi ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến. Tiếp đến là việc thông qua dự án luật, pháp lệnh cũng như dự thảo nghị định. Công việc cuối cùng là công bố quyết định. Chủ tịch nước ban hành lệnh để công bố luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời hạn chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày luật, pháp lệnh, nghị quyết được thông qua.

Một phần của tài liệu quyết định hành chính- lý luận lịch sử nhà nước và pháp luật (Trang 31 - 33)