các vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo
Pháp luật về giáo dục và đào tạo có được thực hiện trong đời sống xã hội, ngoài những giải pháp như nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo, xây dựng cơ chế thực hiện phù hợp, kiện toàn tổ chức và đội ngũ, tạo lập môi trường xã hội thuận lợi, bảo đảm điều kiện vật chất, tăng cường quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo... còn phải chú ý đến việc đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng để bảo đảm pháp luật về giáo dục và đào tạo được thực hiện trong đời sống xã hội.
Pháp luật về giáo dục và đào tạo được tuân thủ như thế nào, thực hiện đến đâu đều thể hiện bằng hành động thực tế, bằng một kết quả cụ thể, nhất định trong thực tiễn. Để đánh giá mức độ thực thi pháp luật phải thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, giám sát và thông qua đó phát hiện những hạn chế, thiếu sót để có những biện pháp khắc phục; đồng thời cũng thông qua kiểm tra, thanh tra, giám sát mà phát hiện những vi phạm pháp luật để có cách thức xử lý phù hợp. Hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về giáo dục và đào tạo được tiến hành thường xuyên, có tác động
tích cực nhằm bảo đảm cho pháp luật về giáo dục và đào tạo được thực hiện một cách nghiêm túc trong đời sống xã hội.
Để đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo, bảo đảm việc thực hiện những quy định của pháp luật về giáo dục và đào tạo ở tỉnh Bình Định, các cơ quan và các nhà chức trách có thẩm quyền cần thực hiện tốt các hoạt động sau:
- Tiến hành một cách thường xuyên hoạt động kiểm tra của cơ quan Đảng và tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đối với việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo của các địa phương trong tỉnh. Xem đây là hoạt động cơ bản nhằm bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc những qui định của pháp luật về giáo dục và đào tạo.
- Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra của các cơ quan hành chính nhà nước đối với việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình. Tiến hành thường xuyên hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo các cấp đối với tất cả các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
- Hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát phải gắn với việc kết luận đánh giá mức độ thực thi pháp luật, về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo. Xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm trong thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo. Gắn việc xử lý vi phạm với hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo, bảo đảm việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo ở tỉnh.
- Củng cố tổ chức, bộ máy cơ quan thanh tra giáo dục các cấp. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra; thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên kết hợp với thanh tra, kiểm tra đột xuất có trọng tâm, trọng điểm. Phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ việc, các hiện tượng tiêu cực trong thực
hiện chương trình đào tạo, trong quản lý và sử dụng tài sản, tài chính; trong tuyển sinh, thi cử, đánh giá; trong cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ.
- Tiếp tục thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo bố trí số cán bộ thanh tra đạt ít nhất 10% tổng biên chế quản lý nhà nước của cơ quan Sở Giáo dục - Đào tạo. Cán bộ làm công tác thanh tra cần được lựa chọn từ những người có trình độ chuyên môn, đã kinh qua công tác quản lý, có phẩm chất tốt, có năng lực đánh giá, kết luận, kiến nghị biện pháp giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn thanh tra giáo dục.
- Chú ý xây dựng đội ngũ thanh tra quản lý tài chính, tài sản. Bên cạnh số thanh tra chuyên trách cần tăng cường lựa chọn, bổ nhiệm cộng tác viên thường xuyên (thanh tra viên kiêm nhiệm) để đủ lực lượng hoàn thành các chỉ tiêu thanh tra. Các Phòng Giáo dục - Đào tạo phải bố trí ít nhất một cán bộ chuyên trách công tác thanh tra.