Bình Định từng là trung tâm của vương quốc Chămpa cổ (938-1470) với cố đô là thành Đồ Bàn. Từ năm 1471 đến năm 1602 mang tên phủ Hoài Nhơn. Năm 1602 Nguyễn Hoàng đổi thành phủ Quy Nhơn. Năm 1789 Nguyễn Ánh đổi Quy Nhơn thành Bình Định. Trước năm 1945, Bình Định có 4 phủ (Hoài Nhơn, Phù Mỹ, An Nhơn, Tuy Phước), 3 huyện (Hoài Ân, Phù Cát, Bình Khê) và thành phố Quy Nhơn. Năm 1947 lập thêm 3 huyện miền núi: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 11/1975 hợp nhất 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình. Ngày 30/6/1989 tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khoá VIII đã thông qua Nghị quyết chia tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định theo địa giới như trước khi hợp
nhất. Hiện nay, tỉnh Bình Định có 11 huyện, thành phố; trong đó có 3 huyện miền núi, 2 huyện trung du, 3 huyện đồng bằng và 1 thành phố; trung tâm tỉnh lỵ là thành phố Quy Nhơn (đô thị loại II); toàn tỉnh có 155 xã, phường, thị trấn (gồm 127 xã, 16 phường và 12 thị trấn); trong số các xã có 28 xã miền núi (16 xã vùng cao) và 4 xã đảo, bán đảo.
Bình Định là tỉnh khá đông dân, tính đến cuối năm 2004 dân số có 1.545.000 người, lực lượng lao động chiếm hơn 50%, bao gồm nhiều dân tộc anh em sinh sống như Kinh, Bana, Chăm, Hrê...; trong đó người Kinh chiếm đa số (98%). Dân số phân bổ không đều, mật độ trung bình là 256,2 người/km2, cao nhất là thành phố Quy Nhơn 1178,4 người/km2, thấp nhất là huyện Vân Canh 30,1 người/km2 [19, tr.2].
Bình Định là một tỉnh còn nghèo có cơ cấu kinh tế nông-công nghiệp-dịch vụ. Trong thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã ra sức phấn đấu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và đạt được những thành tựu quan trọng: kinh tế liên tục tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng các ngành công nghiệp, dịch vụ; năm 2000 giá trị sản xuất nông nghiệp trong GDP chiếm 42,2%, công nghiệp-xây dựng chiếm 22,8%, dịch vụ chiếm 35,0%; năm 2005 tỉ lệ tương ứng là 37,1%-28,6%-34,3%. Tổng sản phẩm tăng bình quân hàng năm là 9%; năm 2005 GDP gấp 1,54 lần năm 2000; GDP bình quân đầu người tăng từ 219,7 USD năm 2000 lên 361 USD năm 2005. Bình Định hiện có khu công nghiệp tập trung Phú Tài hoạt động có hiệu quả, đặc biệt có khu kinh tế mở Nhơn Hội nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nhìn chung tình hình kinh tế có sự phát triển nên đời sống của nhân dân có sự cải thiện đáng kể.
Người dân Bình Định có truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động, đoàn kết, dũng cảm trong đấu tranh chống lại sự áp bức, bất công của các thế lực phong kiến và kẻ thù xâm lược. Bình Định có bề dày lịch sử lâu đời với văn hoá
Sa Huỳnh, đã từng là cố đô của vương quốc Chămpa, di sản còn lưu lại là các tháp Chàm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Văn hoá dân gian với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú, đa dạng: bài chòi, hát tuồng... Bình Định có truyền thống thượng võ, cái nôi của phong trào nông dân Tây Sơn vào giữa thế kỷ XVIII với tên tuổi của vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Người Bình Định có truyền thống hiếu học. Đầu thế kỷ XX, trường Quốc Học Qui Nhơn là điểm sáng về truyền thống học tập nơi xuất thân các nhà khoa học nổi tiếng tiêu biểu như Lê Văn Thiêm, Nguyễn Đình Tứ, Đặng Hữu..., những nghệ sỹ lừng danh tiêu biểu như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quách Tấn...; Bình Định “chẳng những là đất võ mà còn là đất văn nữa ”.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được quan tâm, lĩnh vực y tế dự phòng, tiêm chủng, bảo vệ sức khoẻ trẻ em, khám chữa bệnh có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư và nâng cấp. Hoạt động thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe của nhân dân được chú ý phát triển.
Chương trình Quốc gia giải quyết việc làm được thực hiện với chính sách đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, dịch vụ, đào tạo nghề. Mỗi năm tạo việc làm mới cho hơn 2,2 vạn lao động. Số hộ nghèo mỗi năm giảm bình quân 2%, năm 2005 còn 4,68%; đã cơ bản xoá nhà thô sơ. Các hoạt động xã hội, từ thiện, chăm sóc người có công với nước đạt kết quả khá.