phần phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng thói quen, ý thức của công dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật
Giáo dục pháp luật có vị trí, ý nghĩa rất quan trọng. Vai trò của pháp luật bắt nguồn từ giá trị xã hội của pháp luật, từ sự hiểu biết và thực hiện nghiêm túc của các chủ thể pháp luật. Nếu pháp luật là công cụ rất quan trọng để Nhà nước quản lý đất nước, quản lý xã hội, là phương tiện để công dân thực thi nghĩa vụ và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì giáo dục pháp luật giúp cho Nhà nước (các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức) và công dân biết sử dụng phương tiện đó. Phổ biến, giáo dục pháp luật có ý nghĩa trực tiếp trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Bởi lẽ “những tri thức pháp lý đúng đắn sẽ định hướng cho hành vi hợp pháp, là những yếu tố quan trọng trong việc sử dụng quyền lực nhà nước, tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ, mở rộng quyền tự do công dân” [90, tr.17-18].
Việc phổ biến, giáo dục pháp luật về giáo dục và đào tạo là một khâu trong qui trình tổ chức thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa pháp luật về giáo dục và đào tạo vào cuộc sống. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được thể hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, giảng dạy pháp luật ở các nhà trường, thông qua các hoạt động xét xử, hoà giải...
Thực hiện pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật về giáo dục và đào tạo có mối quan hệ biện chứng với nhau. Pháp luật về giáo dục và đào tạo
được thực hiện có hiệu quả thì cần phải có cách thức tổ chức thực hiện hữu hiệu để đưa pháp luật ấy vào cuộc sống. Ngược lại, tổ chức thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo nghiêm túc, đầy đủ là một trong những hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật hữu hiệu.
Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và dân chủ hoá đời sống xã hội, thì việc phổ biến, giáo dục pháp luật về giáo dục và đào tạo không chỉ dừng lại ở mức cung cấp, phổ biến các thông tin pháp luật cho mọi đối tượng, “giáo dục pháp luật còn phải đáp ứng các nhu cầu hiểu biết đa dạng của từng người dân” [18, tr.136]. Nhu cầu hiểu biết pháp luật một cách cụ thể và thiết thực để bảo vệ lợi ích hợp pháp và giao dịch xã hội đang là đòi hỏi cấp thiết của từng cá nhân, gia đình và tập thể.
Công tác tổ chức thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo là một biện pháp lớn bao gồm nhiều mặt hoạt động nhằm đảm bảo cho pháp luật được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh trong thực tiễn. Cần tăng cường công tác giải thích pháp luật về giáo dục và đào tạo để làm sáng tỏ nội dung và ý nghĩa của các qui định pháp luật làm cơ sở cho việc phổ biến và giáo dục pháp luật đạt kết quả. Đẩy mạnh công tác phổ biến và giáo dục pháp luật về giáo dục và đào tạo nhằm làm cho nhân dân hiểu biết pháp luật từ đó nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, xây dựng thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Kết luận chương 1
Thực hiện pháp luật là toàn bộ những hành vi (hành động hoặc không hành động), những phương thức xử sự của các chủ thể pháp luật nhằm thực hiện các qui định của pháp luật. Thực hiện pháp luật có vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng trong toàn bộ các hoạt động về pháp luật, là quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống, khắc phục tình trạng không chấp hành pháp luật, hạn chế và ngăn ngừa những vi phạm pháp luật.
Thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo là quá trình hoạt động có mục đích làm cho các quy phạm pháp luật về giáo dục và đào tạo đi vào cuộc sống thực tiễn. Thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo có vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, là hoạt động tích cực của các chủ thể, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục-đào tạo nước nhà phát triển theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Pháp luật về giáo dục và đào tạo có những đặc điểm riêng mang tính đặc thù. Để pháp luật về giáo dục và đào tạo được bảo đảm thực hiện trong đời sống xã hội, phát huy được tác dụng, đòi hỏi các chủ thể thực hiện phải nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và ý nghĩa thiết thực của nó, từ đó chủ động có các biện pháp thích hợp để tổ chức thực hiện tốt những qui định của pháp luật về giáo dục và đào tạo. Làm được như vậy là tích cực góp phần vào việc phát triển vững chắc sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta.
Chương 2