Giáo dục và đào tạo là một lĩnh vực của đời sống xã hội. Hình thức của thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo cũng có những nét chung của các hình thức thực hiện pháp luật, đó là:
Tuân theo (tuân thủ) pháp luật về giáo dục và đào tạo là hình thức thực
hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo, trong đó các chủ thể pháp luật kiềm chế không tiến hành những hành vi mà pháp luật ngăn cấm. Ví dụ: Điều 63a Luật Giáo dục năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2005) qui định: “Nhà giáo không
được có hành vi ảnh hưởng xấu đến phẩm chất và nghề nghiệp của nhà giáo; xúc phạm danh dự, phẩm chất, xâm phạm đến thân thể của người học; gian lận trong tuyển sinh, thi cử và cố ý đánh giá sai kết quả học tập và rèn luyện của người học...” [55, tr.43]. Như vậy, khi nhà giáo tuân thủ những qui định trên là đã tuân thủ pháp luật về giáo dục và đào tạo.
Thi hành (chấp hành) pháp luật về giáo dục và đào tạo là một hình thức thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực. Ví dụ: Điều 74 Luật Giáo dục năm 1998 qui định:
Người học có các nghĩa vụ sau đây:
1. Thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình kế hoạch giáo dục của nhà trường, cơ sở giáo dục khác;
2. Kính trọng nhà giáo, cán bộ quản lý, công nhân, nhân viên của nhà trường, cơ sở giáo dục khác, tuân thủ pháp luật của nhà nước; thực hiện nội qui, điều lệ nhà trường;
3. Tham gia lao động và hoạt động xã hội phù hợp với lứa tuổi, sức khoẻ và năng lực;
4. Giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường, cơ sở giáo dục khác; 5. Góp phần xây dựng, bảo vệ phát huy truyền thống của nhà trường, cơ sở giáo dục khác [55, tr.46].
Người học có trách nhiệm thi hành những qui định này một cách tích cực là đã chấp hành pháp luật về giáo dục và đào tạo.
Sử dụng pháp luật về giáo dục và đào tạo là một hình thức thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền chủ thể của mình. Ví dụ: Khoản 3 Điều 64 Luật Giáo dục năm 1998 qui định về quyền của nhà giáo: “Được hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu
khoa học tại các trường, cơ sở giáo dục và nghiên cứu khác với điều kiện đảm thực hiện đầy đủ chương trình, kế hoạch do nhà trường giao cho” [55, tr.43].
Các nhà giáo khi đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình, kế hoạch do nhà trường giao cho có thể tham gia hoặc không tham gia hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học tại các trường, cơ sở giáo dục và nghiên cứu khác.
Áp dụng pháp luật về giáo dục và đào tạo là một hình thức thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo, trong đó nhà nước (thông qua các cơ quan hoặc nhà chức trách) tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những qui định của pháp luật về giáo dục và đào tạo, hoặc tự mình căn cứ vào những qui định của pháp luật về giáo dục và đào tạo để ban hành các quyết định làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể trong lĩnh vực giốa dục và đào tạo. Ví dụ: Điều 104 Luật Giáo dục năm 1998 qui định việc phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú: “Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục có đủ tiêu chuẩn theo qui định của pháp luật thì được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú” [55, tr.55].
Khi nhà giáo có đủ tiêu chuẩn trên, Nhà nước có trách nhiệm áp dụng pháp luật theo những nội dung qui định này để phong tặng các danh hiệu cho nhà giáo.