CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG ĐÁNH BẮT, NUÔI TRỒNG VÀ CHẾ BIẾN THỦY SẢN TỈNH BÌNH THUẬN.
2.2.3. Thuận lợi về kinh tế xã hộ
2.2.3.1. Dân cư và lao động
Hiện nay Bình Thuận có các cụm cư dân tạo nên 4 vùng kinh tế - xã hội miền biển, được coi là các vùng kinh tế động lực của tỉnh. Đó là Tuy Phong, Phan Thiết, Hàm Tân và
Phú Quý. Chủ yếu sẽ phát triển theo hướng tổng hợp cả đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản cùng đóng sửa tàu thuyền, buôn bán và dịch vụ nghề cá.
Phan Thiết, thủ phủ của tỉnh Bình Thuận là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội đồng thời cũng là trung tâm nghề cá của tỉnh. Với 3 khu vực chính là Mũi Né, Phú Hải và Cồn Chà. Khai thác, chế biến và đóng tàu thuyền là những lĩnh vực chủ yếu của ngành Thuỷ sản nơi đây. Trong năm 2002, lượng tàu thuyền cập, xuất cảng 10.852 lượt, bằng 117% so với năm trước. Lượng hải sản thông qua cảng là 40.940 tấn. Cảng Phan Thiết khánh thành và đưa toàn bộ công trình vào sử dụng đã góp phần rất lớn đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản không chỉ của riêng thành phố mà của cả ngành Thuỷ sản toàn tỉnh. Bên cạnh việc duy trì và phát triển khâu đánh bắt, nuôi trồng thì chế biến là một khâu được chú trọng đầu tư nhất. Dự kiến năng lực chế biến từ nay đến năm 2010: năng lực cấp đông 100 tấn/ ngày, hệ thống kho lạnh 2000 tấn, sản phẩm đông lạnh xuất khẩu 9000 tấn/ năm, hàng khô 3000 tấn. Chủ yếu tập trung chế biến hải đặc sản xuất khẩu. Nâng cấp đồng bộ và hiện đại hóa các cơ sở chế biến, khuyến khích đầu tư những dây chuyền hiện đại nhằm nâng cao năng lực chế biến tạo đà xuất khẩu những sản phẩm chất lượng ngày một cao là mục tiêu trong những năm tới.
Bên cạnh Phan Thiết, trung tâm phát triển thì đảo Phú Quý cũng được chú trọng. Bởi vị trí thuận lợi và ý nghĩa an ninh quốc phòng. Toàn bộ huyện đảo có diện tích tự nhiên 17000 ha. Thế mạnh của đảo là phát triển ra biển, trước hết là dọc bờ biển quanh đảo, chủ yếu được sử dụng để nuôi cá lồng. Trong những năm tiếp theo sẽ khoanh nuôi một số vùng biển, rạng đá để nuôi tôm hùm, cá mú... tạo nên sản phẩm hải đặc sản phục vụ xuất khẩu. Ngành Thủy sản dự kiến đến năm 2010 sản lượng đánh bắt chiếm 7,0% sản lượng khai thác của toàn tỉnh với năng lực đánh bắt là 320 chiếc/17.400 CV. Tập trung đầu tư phát triển cơ sở chế biến xuất khẩu tại đảo với hệ thống kho lạnh, nhà máy nước đá.
Vùng kinh tế xã hội miền biển chủ đạo thứ ba là Tuy Phong. Thế mạnh nơi đây là nuôi tôm tập trung tại các vùng Vĩnh Hảo, Bình Thạnh, Chí công, Liên Hương...Dự kiến đến năm 2005 diện tích nuôi tôm thâm canh và công nghiệp tại các vùng này là 1.300 ha, đến năm 2010 sẽ là 2.745 ha. Ngoài ra còn phát triển hệ thống trạm trại sản xuất tôm giống dọc bờ biển Vĩnh Hảo, Bình Thạnh, hải đặc sản ở Cù lao câu, nuôi cá nước ngọt ở hồ Đá Bạc trong những năm tới. Cảng Phan Rí tiếp tục được hoàn chỉnh và tiến tới xây dựng bến cá Liên Hương sẽ tạo điều kiện cho việc vận chuyển, giao lưu với các vùng.
Hàm Tân, một trong bốn vùng trọng điểm, có xu hướng là trung tâm du lịch, có quan hệ trực tiếp với vùng kinh tế trọng điểm phía nam nên việc chế biến hải sản thường gắn với thực phẩm ăn liền. Dự kiến triển khai xây dựng nhà máy đồ hộp 1000 tấn/năm. Xu hướng từ nay đến năm 2010 Hàm Tân sẽ phát triển tổng hợp cả đánh bắt, nuôi trồng, và chế biến.
Một thuận lợi của ngành Thuỷ sản nơi đây là nhân tố lao động. Lao động trong ngành Thủy sản khoảng 71.000 người, chiếm 13,1% tổng số lao động cả tỉnh. Ngư dân có truyền thống lao động, có kinh nghiệm và chịu khó học hỏi. Họ hầu như đảm nhận toàn bộ dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện nay trong lao động chế biến và nuôi trồng thủy sản, ngư dân được sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trong việc áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới đã tạo được những hiệu quả nhất định.
Dù còn nhiều hạn chế về điều kiện sống, trình độ dân trí thấp, phương thức dịch vụ hậu cần còn phân tán, quy mô nhỏ... nhưng họ vẫn luôn là lực lượng lao động chủ đạo của ngành Thuỷ sản của tỉnh.
Người lao động còn phát triển thành hộ thuỷ sản: cùng với sự phát triển nhanh về sản xuất thuỷ sản trong những năm qua, số hộ thuỷ sản cũng tăng khá ở tất cả các vùng. Đến năm 2006 toàn tỉnh có 30.000 hộ thuỷ sản (khu vực thành thị là 17.279 hộ), tăng 1.150 hộ (tăng 20,45%) so với năm 2001, bình quân mỗi năm tăng 0,98%.