Dành thị phần vận tải cho đội tàu biển Việt Nam

Một phần của tài liệu Đội tàu biển việt nam và những giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh (Trang 82 - 84)

II. CÁC GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CỦA ĐỘI TÀU BIỂN VIỆT NAM.

3. Dành thị phần vận tải cho đội tàu biển Việt Nam

Dành quyền vận chuyển cho đội tàu quốc gia là yếu tố quan trọng hàng đầu có tính chất sống còn trong phát triển đội tàu biển, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi năng lực cạnh tranh của đội tàu nước ta còn rất hạn chế. Các nước trong khu vực đã có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này. Chính phủ Philippines quy định những hàng hoá ngoại thương do Chính phủ kiểm soát, hàng do Chính phủ vay tiền, hàng được cấp tín dụng hoặc hàng do Chính phủ đảm bảo nghĩa vụ phải được vận chuyển bằng tàu treo cờ Philippines. Thái Lan khuyến khích các chủ hàng thuê tàu nước mình bằng cách giảm thuế, mức giảm tương đương một nửa tiền cước theo vận đơn. Chính phủ Indonesia quy định những công ty hàng hải Indonesia muốn thuê tàu nước ngoài trước hết phải sử dụng hết tàu trong nước và các tàu nước ngoài muốn tham gia vận tải hàng hoá ngoại thương phải có giấy phép theo thời gian hạn chế: 1 năm đối với tàu chuyên tuyến, 6 tháng đối với tàu vận tải gỗ, 3 tháng cho tàu vận tải hàng hoá khác.

Nhà nước Việt Nam có thể tranh thủ thời gian vài năm tới, khi nước ta chưa hội nhập hoàn toàn vào các tổ chức thương mại tự do khu vực và thế giới để học tập kinh nghiệm các nước đi trước áp dụng những biện pháp dành quyền vận tải cho đội tàu quốc gia. Nhà nước nên đưa ra những quy định cụ thể về việc dành quyền vận tải cho đội tàu biển Việt Nam chuyên chở một số mặt hàng xuất nhập khẩu như than, dầu thô, lương thực, nông sản …, đặc biệt là những lô hàng mua bằng nguồn tài chính của Chính phủ. Các chủ hàng mua hàng cho các công trình của Nhà nước, hàng viện trợ, hàng mua bằng các nguồn vốn vay do Chính phủ bảo lãnh … bắt buộc phải ký hợp đồng vận tải với các tàu quốc tịch Việt Nam.

Đối với các hàng hoá xuất nhập khẩu khác, Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp khuyến khích về tài chính, chẳng hạn như giảm 50% thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng tàu Việt Nam. Hiện nay, các nhà xuất nhập khẩu nộp thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 10% giá CIF. Nếu khoản thuế này được giảm đi một nửa, các chủ hàng xuất nhập khẩu sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí lớn.

Tất cả các doanh nghiệp khi được hỏi đều ủng hộ chính sách này. Họ sẵn sàng thuê tàu Việt Nam nếu mức thuế VAT chỉ được giảm 5%, với điều kiện giá cước dựa trên sự thoả thuận. Nếu thuế suất chỉ còn 5%, chỉ riêng với một container 40 feet đi Nhật Bản với giá CIF trung bình là 20 triệu USD thì các nhà xuất nhập khẩu đã tiết kiệm được 1.500 USD.

Làm như vậy, tuy nguồn thu ngân sách từ thuế VAT giảm nhưng bù lại, chúng ta sẽ thu được nhiều ích lợi khác có giá trị lớn hơn. Các chủ tàu Việt Nam ngoài lợi ích nâng được doanh thu khai thác tàu còn không phải mất chi phí môi giới cho người nước ngoài. Khoản phí này thường vào khoảng 2,5-5% trên tổng cước thu nếu ký được hợp đồng trực tiếp với các chủ hàng Việt Nam. Chính sách này cũng đem lại lợi ích cho cả các chủ hàng xuất nhập khẩu. Khi thuê tàu Việt Nam, các chủ hàng hạn chế được rủi ro thuê phải tàu ma như một số trường hợp đã gặp phải thời gian qua vì các công ty trong cùng một nước sẽ dễ kiểm tra thông tin về độ tin cậy của đối tác hơn. Việc khuyến khích dành hàng cho đội tàu Việt Nam chuyên chở không chỉ đem lại quyền lợi kinh tế chung cho người xuất nhập khẩu, người bảo hiểm và người vận tải Việt Nam mà còn mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội khác: tăng thu ngoại tệ, tạo thêm việc làm cho người lao động trong ngành vận tải biển, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển, tạo thế chủ động trong xuất nhập khẩu trước những biến động kinh tế - chính trị thế giới và khu vực. Thêm vào đó, nếu có tranh chấp xảy ra thì việc giải quyết sẽ nhanh chóng và đỡ phức tạp hơn vì không liên quan tới yếu tố nước

ngoài, từ đó tránh được những xung đột pháp luật có thể kéo dài quá trình giải quyết tranh chấp.

Chính sách nói trên đã được nhiều nước áp dụngvới mức giảm thuế VAT khác nhau cho từng thời kỳ, có thể từ 10% đến trong100%. Chính sách này tuy chỉ mang tính chất bảo hộ gián tiếp nhưng lại khá hiệu quả, khuyến khích một cách hợp lý các chủ hàng xuất nhập khẩu trong nước sử dụng đội tàu quốc gia để vận tải hàng hoá.

Một biện pháp khuyến khích tài chính khác để dành thị phần vận tải cho đội tàu biển Việt Nam là Nhà nước ưu tiên bảo lãnh cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; tăng thuế quan đối với những lô hàng mua FOB / bán CIF hoặc giảm thuế quan cho những lô hàng mua CIF / bán FOB; đồng thời giảm một số loại phí, lệ phí cho các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, những cán bộ nghiệp vụ xuất nhập khẩu trực tiếp đàm phán và ký kết được hợp đồng mua FOB / bán CIF nên được hưởng một số ưu đãi, như trích thưởng theo hợp đồng chẳng hạn.

Nếu Chính phủ chú trọng dành thị phần vận tải cho đội tàu quốc gia bằng cả những biện pháp trực tiếp và gián tiếp như nêu trên, chắc chắn các chủ hàng xuất nhập khẩu sẽ mặn mà hơn với việc thuê tàu Việt Nam vì điều đó gắn liền với những lợi ích mà họ được hưởng. Các biện pháp bảo hộ trực tiếp chỉ có thể áp dụng trong một thời gian ngắn nữa, trước khi chúng ta phải thực hiện những cam kết đối với các tổ chức thương mại tự do. Biện pháp khuyến khích gián tiếp có tuổi thọ dài hơn và đem lại hiệu quả sâu rộng hơn. Làm được như vậy, tàu Việt Nam sẽ có thêm hàng để chở, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, có thêm tích luỹ; trên cơ sở đó có thể đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, dần nâng cao khả năng cạnh tranh, chuẩn bị hội nhập khu vực và quốc tế.

Một phần của tài liệu Đội tàu biển việt nam và những giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh (Trang 82 - 84)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w