III. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG TỒN TẠI DẪN ĐẾN KHẢ NĂNG CẠNH TRANH YẾU CỦA ĐỘ
4. Vấn đề quản lý và sử dụng vốn
Có thể nói vốn trong lĩnh vực hàng hải ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là vốn của Nhà nước (vốn từ ngân sách, vốn tự có, vốn có nguồn gốc từ vốn Nhà nước). Việc quản lý và sử dụng vốn của các doanh nghiệp hàng hải thời gian qua tuân tủ theo những quy chế chung áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước đã giúp cho phần lớn các doanh nghiệp này bảo toàn và phát triển vốn trong quá trình sản xuất kinh doanh. Mặt khác, những tồn tại trong quản lý và sử dụng vốn cũng bộc lộ rõ và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển ngành.
Mặc dù cùng là sở hữu nhà nước nhưng các công ty kinh doanh khai thác tàu lại thuộc nhiều cấp quản lý khác nhau: trung ương, quân đội, các ngành, các địa phương … Vì thế, vốn của toàn ngành hàng hải Việt Nam so với các công ty, tập đoàn nước ngoài đã nhỏ bé lại bị phân tán, đầu tư manh mún, không theo một quy hoạch chung. Sự xuất hiện ồ ạt của đội tàu các ngành, các địa phương giai đoạn 1985-1995 là một ví dụ điển hình. Chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều ngành, địa phương bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp đã thành lập các công ty vận tải biển của riêng mình, đưa số đội tàu trong nước có lúc lên tới 75. Sự phát triển này mang tính chắp vá, tự phát và thiếu cơ sở khoa học. Các công ty tàu biển địa phương chiếm 60,8% số lượng tàu nhưng chỉ có được 19,8% tổng số tấn tàu của cả đội tàu quốc gia. Đa phần các tàu này đều nhỏ bé, cũ kỹ, tình trạng kỹ thuật lạc hậu, hiệu quả khai thác thấp. Sự phát triển không theo một quy hoạch tổng thể đó đã làm sâu sắc thêm sự mất cân đối trong cơ cấu đội tàu quốc gia, tăng thêm sự tụt hậu về công nghệ của đội tàu nói chung.
Các công ty vận tải biển hiện đang ở trong tình trạng chung của các doanh nghiệp nhà nước, chịu sự quản lý, giám sát của cơ chế tài chính hiện hành. Cơ chế này giờ đây đã được cải thiện nhiều nhưng nhìn chung chưa tạo cho doanh nghiệp những quyền stự chủ nhất định về tài chính, trong đó có quyền tự chủ về sử dụng vốn. Đại diện chủ sở hữu của tài sản nhà nước là ai cho đến nay vẫn không rõ, gây cho doanh nghiệp một số lúng túng trong việc sử dụng tài sản nhà nước. Không có nhiều đổi mới về quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước từ Nghị định 59/CP đến Nghị định 57/CP. Những bất hợp lý về khoản thu sử dụng vốn, về quản lý tiền lương, về khấu hao nhanh tài sản, về việc hình thành các quỹ … vẫn là trở ngại lớn, chưa khuyến khích các công ty vận tải biển vay vốn đầu tư mở rộng và sử dụng vốn hiệu quả.
Để đa dạng hoá sở hữu, các công ty nhà nước cũng đã bắt đầu được cổ phần hoá. Năm 1993, Công ty Đại lý Liên hiệp vận chuyển thuộc Cục Hàng hải Việt Nam là đơn vị đầu tiên tiến hành cổ phần hoá và đã thành công. Sau 5 năm,
vốn của công ty đã tăng 10 lần và mọi mặt hoạt động đều đạt hiệu quả cao. Tiếp theo đó là một số công ty khác hoặc bộ phận của các công ty: Công ty Inlaco phía Bắc, Công ty Container phía Nam, các xí nghiệp thành phần của Công ty Container phía Bắc, Vosa … Tuy vậy, tỷ lệ các doanh nghiệp đã và sắp được cổ phần hoá so với tổng số doanh nghiệp trong ngành còn chưa cao, chưa tận dụng được một nguồn vốn đáng kể để phát triển đội tàu.
Một trong số những chiến lược tạo vốn khác của ngành là thành lập Ngân hàng Cổ phần Hàng hải năm 1990. Mục tiêu đặt ra là khai thác tập trung mọi nguồn vốn của các doanh nghiệp hàng hải, các tổ chức kinh tế và các cá nhân trong nước, tranh thủ nguồn ngoại tệ của các tổ chức nước ngoài để đảm bảo khoảng 15-20% nhu cầu vốn đầu tư phát triển hàng năm của ngành. Nhưng do thiếu những biện pháp quản lý đồng bộ nên sự tương hỗ giữa Ngân hàng Hàng hải với các doanh nghiệp hàng hải mới chỉ dừng lại ở mức quan hệ giữa một ngân hàng cổ phần với các tổ chức kinh tế khác.