II. CÁC GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CỦA ĐỘI TÀU BIỂN VIỆT NAM.
2. Tăng cường công tác tổ chức quản lý, điều hành doanh nghiệp
Để nâng cao được khả năng cạnh tranh, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho đội tàu, các công ty tàu biển phải quản lý tàu một cách hiệu quả nhất. Quản lý hiệu quả tức là vừa phải đảm bảo khai thác đem lại lợi nhuận cao nhất với chi phí bỏ ra là thấp nhất, vừa phải đảm bảo an toàn cho con người, cho hàng hoá và cho bản thân con tàu khi hành hải. Trong công tác quản lý tàu, người ta luôn phải kết hợp hai yếu tố đối lập nhưng luôn song hành, đó là tính an toàn và tính kinh tế. Nếu quá coi trọng tính an toàn thì chi phí quản lý sẽ rất cao, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Ngược lại, nếu chỉ coi trọng tính kinh tế mà xem nhẹ tính an toàn thì nguy cơ tiềm ẩn luôn đe doạ con tàu trong quá trình
hành hải trên biển, khi tổn thất xảy ra thì chi phí khắc phục có thể sẽ cao hơn nhiều chi phí đã tiết kiệm được. Đây là điều hay gặp với một số chủ tàu Việt Nam. Do chỉ nghĩ đến lợi ích kinh tế trước mắt hoặc do nguồn vốn quá hạn hẹp nên họ bất chấp cả tính an toàn: không đầu tư trang thiết bị an toàn tối thiểu, thường xuyên chở quá tải, không chịu bảo dưỡng tàu đúng định kỳ … nên nhiều khi để xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Để cân bằng tính an toàn và hiệu quả kinh tế, các chủ tàu nên lập và thực hiện các kế hoạch quản lý trên cơ sở hiểu rõ môi trường làm việc của tàu. Dân gian có câu "Phòng bệnh hơn chữa bệnh", nếu thường xuyên tự kiểm tra định kỳ, doanh nghiệp có thể kịp thời phát hiện và kịp thời khắc phục những hỏng hóc, trục trặc kỹ thuật, đồng thời phòng ngừa được khả năng phát sinh những vấn đề mới với chi phí thấp nhất. Một vết gỉ nhỏ nếu không được phát hiện và xử lý sớm có thể lan ra khắp boong tàu, để lâu có nguy cơ dẫn đến sự cố cho máy móc hay lây bẩn cho hàng hoá. Khi đó, chi phí khắc phục, bồi thường sẽ rất lớn. Trong kinh doanh hiện đại, các doanh nghiệp có xu hướng đầu tư và thu lợi nhuận tối ưu chứ không chỉ chạy theo lợi nhuận tối đa. Có như thế việc làm ăn mới hiệu quả và lâu dài được.
Chi phí quản lý tàu bao gồm những hạng mục như chi phí vật tư cần thiết cho tàu (sơn, dầu mỡ, ống dẫn nhiên liệu …), chi phí tự sửa chữa, chi phí lên đà, chi phí bảo hiểm tàu, bảo hiểm P&I. Chi phí quản lý thay đổi theo chủng loại tàu, cỡ tàu và tuổi tàu. Tuy nhiên, ngay cả khi các tàu cùng cỡ, độ tuổi và chủng loại thì mỗi công ty cũng sẽ có những phương pháp quản lý của riêng mình để có chi phí quản lý hợp lý nhất.
Trong tương lai, các công ty tàu biển cũng nên nghiên cứu áp dụng những thành tựu của tin học ứng dụng vào quản lý kỹ thuật tàu. Đội tàu ngày càng đi vào hiện đại hoá và chuyên dụng hoá ở mức cao hơn, các quy định về an toàn của các công ước quốc tế đối với đội tàu vận tải biển ngày càng chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn và do đó cũng đòi hỏi trình độ quản lý khai thác kỹ thuật phải
vươn lên với trình độ ngày càng cao để thích ứng. Để có thể tồn tại và phát triển, công việc quan trọng đầu tiên đối với các công ty chủ tàu là phải có một hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống xử lý thông tin liên quan đến đội tàu một cách khoa học nhất, đảm bảo đưa ra được kịp thời những phương án kinh doanh khai thác có lợi nhất.
Hiện tại, hầu hết các công ty vận tải biển trong nước nói chung đang quản lý hồ sơ kỹ thuật các con tàu của mình dưới dạng thủ công thuần tuý, rất khó khăn cho việc cập nhật, tìm kiếm, tra cứu thông tin phục vụ cho công tác quản lý và khai thác. Việc tính toán thời gian kiểm tra và một số chỉ tiêu định mức kỹ thuật hoàn toàn thủ công, tốn nhiều thời gian, nhân lực mà hiệu quả kinh tế lại không cao. Để khắc phục những hạn chế đó thì cần có một chương trình quản lý kỹ thuật phục vụ cho khai thác đội tàu. Nhà nước và các công ty vận tải biển nên phối hợp nghiên cứu hệ thống quản lý kỹ thuật hiện đại và xây dựng một chương trình quản lý kỹ thuật đội tàu trên máy tính, tạo điều kiện cho các chủ tàu quản lý và khai thác tàu tốt hơn.
Một điểm khác liên quan đến công tác tổ chức quản lý mà các công ty vận tải biển cần chú ý là sắp xếp lại lao động. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển hiện nay đều trong tình trạng dư thừa lao động. Phần lớn đội ngũ cán bộ quản lý và sỹ quan thuyền viên đã lớn tuổi, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như tiếng Anh còn hạn chế do lịch sử để lại. Tuy nhiên, đội ngũ lao động này lại chưa đến tuổi về hưu nên các doanh nghiệp thường vẫn phải bố trí họ làm việc tại văn phòng hoặc chuyển sang những công việc chỉ yêu cầu những kỹ năng đơn giản, hay bố trí những công việc khác trên bờ. Khối lượng lao động dư thừa rất lớn nhưng các công ty vẫn phải trả lương, bảo hiểm xã hội, phụ cấp …, dẫn đến thực trạng một người làm phải nuôi nhiều người khác.
Việc sử dụng lao động không hợp lý như vậy góp phần làm cho hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp đạt thấp. Nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng gặp phải nhiều khó khăn khi sắp xếp lại lao động. Các cấp quản lý Nhà
nước cần nghiên cứu ban hành những chính sách, quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý để các công ty tàu biển giải quyết chính sách hợp tình hợp lý cho những người không còn phù hợp với công việc nữa. Nếu giải quyết được lực lượng lao động dôi dư này, các công ty sẽ có điều kiện tuyển dụng thêm những lao động trẻ, đáp ứng được yêu cầu về con người trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Để thu hút được khách hàng và để khách hàng tin tưởng, yên tâm hợp tác lâu dài, các doanh nghiệp vận tải biển cũng cần chứng minh được chất lượng phục vụ của mình. Trong điều kiện cạnh tranh hiện nay, cách tốt nhất để các khách hàng lần đầu thiết lập quan hệ làm ăn tin tưởng vào nhà cung cấp dịch vụ vận tải là có được giấy chứng nhận chất lượng do các tổ chức quản lý chất lượng quốc tế có tiếng cấp. Tiêu chuẩn chất lượng phổ biến nhất hiện nay là của Tổ chức Tiêu chuẩn hoá chất lượng quốc tế (International Standardization Organization - ISO). Giấy chứng nhận ISO là công cụ chứng minh chất lượng phục vụ đảm bảo, nâng cao uy tín của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Muốn thiết lập quan hệ làm ăn với những khách hàng đòi hỏi khắt khe về chất lượng dịch vụ vận tải, các doanh nghiệp cũng phải áp dụng tiêu chuẩn chất lượng ISO và xin cấp giấy chứng nhận chất lượng.
Ngoài ra, đối với các chủ tàu Việt Nam, việc áp dụng Bộ luật Quản lý an toàn ISM Code đã trở nên bắt buộc kể từ 01/07/2002. Theo quy định này, các chủ tàu phải áp dụng những yêu cầu hết sức khắt khe để đảm bảo an toàn cho tính mạng con người, hàng hoá vận chuyển, cho tàu và các tài sản khác. Các chủ hàng tới đây sẽ muốn ký hợp đồng chuyên chở với chủ tàu nào không tuân theo Bộ luật này. Vì vậy, các chủ tàu không còn cách nào khác là phải nhanh chóng đổi mới nhằm đáp ứng những đòi hỏi của ISM Code, để các cơ quan đăng kiểm kiểm tra và cấp giấy chứng nhận DOC đối với công ty vận tải và SMC đối với tàu.
Bên cạnh đó, việc đổi mới phương thức điều hành là rất cấp thiết. Chẳng bao lâu nữa, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc phải hội nhập hoàn toàn với các tổ chức kinh doanh trong khu vực trong cùng một môi trường bình đẳng, không còn bảo hộ. Vậy mà đến nay, không ít doanh nghiệp vẫn đang yên tâm và hài lòng với hiện tại của chính mình. Một khi đã hội nhập vào thị trường khu vực và toàn cầu thì chất lượng dịch vụ là yếu tố quyết định. Vấn đề không chỉ dừng lại ở đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn phải thay đổi cách nhìn nhận về chất lượng và cách quản lý chất lượng của doanh nghiệp. Để theo kịp tiến trình hội nhập hàng hải của đất nước, các công ty vận tải biển cần phải nghiên cứu, tìm hiểu các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia và những cam kết ban đầu của các nước để có những bước chuẩn bị cần thiết. Trên cơ sở nắm vững nội dung của các cam kết và lịch trình thực hiện chúng, các công ty chủ tàu Việt Nam sẽ từng bước hoàn thiện năng lực của mình, tận dụng thời cơ kinh doanh trước hết ở thị trường trong nước, đồng thời tìm cách vươn ra thị trường các nước ASEAN.
Nhà nước cần tăng cường công tác thông tin về hội nhập giao thông vận tải khu vực để hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị tốt cho quy trình này, như:
Thông tin về tình hình phát triển khoa học công nghệ giao thông vận
tải của thế giới và khu vực cho các cơ quan và doanh nghiệp trong ngành giao thông vận tải.
Thông báo đầy đủ cho các cơ quan có liên quan và các doanh nghiệp
giao thông vận tải về tiến trình hợp tác, hội nhập giao thông vận tải của các nước ASEAN và các cam kết có liên quan của Việt Nam với các nước này, cũng như cam kết của các nước ASEAN với nhau trong ASEAN và trong WTO.
Đảm bảo tính minh bạch và rõ ràng trong các luật lệ và quy định về
các hiệp định và văn bản pháp lý về hợp tác giao thông vận tải ASEAN với các doanh nghiệp giao thông vận tải của Việt Nam.