III. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG TỒN TẠI DẪN ĐẾN KHẢ NĂNG CẠNH TRANH YẾU CỦA ĐỘ
5. Các nguyên nhân khác
Ngoài 4 nhóm nguyên nhân cơ bản đã phân tích ở trên còn có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến sự phát triển đội tàu biển Việt Nam ở những mức độ khác nhau: tình trạng cạnh tranh trong nội bộ sở hữu nhà nước, yếu tố con người và tình hình khai thác nguồn vốn nội lực.
Trong cơ chế thị trường, các công ty tàu biển Việt Nam không những đang phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài mà còn lo cạnh tranh, đôi khi rất khốc liệt, với các doanh nghiệp trong nước cùng lĩnh vực hoạt động. Cạnh tranh là không tránh khỏi và là động lực của sự phát triển, nhưng việc các doanh nghiệp cùng thuộc sở hữu nhà nước cạnh tranh quá quyết liệt cần phải được xem xét lại. ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, nếu một hoặc một nhóm các nhà tư bản đồng sở hữu và kiểm soát đồng thời nhiều doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực thì các doanh nghiệp này phải liên kết, hỗ trợ lẫn nhau chứ
không thể để cạnh tranh nội bộ diễn ra quá gay gắt. Trong cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhà nước, nếu một doanh nghiệp nào đó có lợi thì có nghĩa là các doanh nghiệp khác bị thua thiệt và người sở hữu là Nhà nước thì không được gì. Sự thiệt hại của Nhà nước thường lớn hơn ích lợi khi mà trong điều kiện ngoại thương Việt Nam 90% khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu theo tập quán mua CIF, bán FOB. Cạnh tranh giữa các chủ tàu cùng thuộc sở hữu Nhà nước chỉ mang lại lợi ích cho các chủ hàng xuất nhập khẩu và các công ty vận tải biển nước ngoài.
Về yếu tố con người, đội ngũ hơn 2 vạn thuyền viên, trong đó có hơn 4 ngàn sỹ quan tàu biển của chúng ta hiện nay nhìn chung chưa làm chủ được những con tàu hiện đại, trọng tải lớn. Họ không có đủ trình độ chuyên môn và khả năng ngoại ngữ cần thiết, thể lực còn yếu. Đa số sỹ quan cấp trưởng có trình độ cao đã lớn tuổi. Đó là trở ngại lớn cho việc đẩy mạnh xuất khẩu thuyền viên hiện tại và việc phát triển đội tàu hiện đại của đất nước trong những năm tới. Đối với cán bộ quản lý chung của ngành hàng hải cũng như của các doanh nghiệp, khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường, hiểu biết về pháp luật quốc tế, các công nghệ mới trong lĩnh vực hàng hải, trình độ ngoại ngữ … còn hạn chế, nhất là các cán bộ quản lý doanh nghiệp của các địa phương và các ngành khác.
Tình trạng này một phần là do các chính sách phát triển nguồn nhân lực cho vận tải biển Việt Nam còn nhiều điểm chưa hợp lý. Chưa có các cơ chế gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với các công ty vận tải biển nên cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề của các sỹ quan, thuyền viên đào tạo ra chưa thực sự bám sát yêu cầu thực tế về cả số lượng và chất lượng. Chính sách đối với quyền lợi của các thuỷ thủ như chính sách về tiền lương, thuế thu nhập, thuế nhập khẩu hàng hoá và đồ dùng cá nhân … còn chậm đổi mới. Vì thế, không ít sỹ quan, thuyền viên cảm thấy không được trả công xứng đáng cho lao động nặng nhọc và nguy hiểm của mình, không yên tâm và sinh ra chán nản, không muốn đi biển nữa.
Các công ty tàu biển Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tận dụng những yếu tố bên ngoài để phát triển như thuê mua, vay mua, vay vốn ngân hàng … Nhưng việc khai thác nguồn vốn trong nội bộ ngành để tạo đà phát triển còn chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn vốn trong dân, đặc biệt là trong các thuyền viên và cán bộ công nhân viên ngành hàng hải có thể nói là không nhỏ nhưng chưa được khai thác triệt để. Năm 1998, khi thành lập Công ty Cổ phần Hàng hải Hà Nội (Marina), chỉ trong một thời gian ngắn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đã huy động được 50 tỷ đồng vốn cổ phần và 80% là của cán bộ công nhân viên trong ngành. Những dự án đầu tư phát triển có sức thuyết phục như vậy đối với đội tàu còn rất thiếu. Như thế, chúng ta đang đang bỏ phí một nguồn vốn quý báu để củng cố đội tàu biển.
*
* *
Tóm lại, đội tàu biển Việt Nam hiện nay còn nhỏ bé về trọng tải, trang thiết bị còn thiếu và chưa họp lý về cơ cấu, tuổi tàu bình quân đối với tất cả các nhóm tàu còn cao so với mức trung bình của thế giới. Sự yếu kém này xuất phát từ nhiều nguyên nhân về cơ chế chính sách, về quản lý và sử dụng vốn, về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực … nhưng đáng kể nhất vẫn là những yếu kém về nội lực của các công ty chủ tàu.
Trên cơ sở các nguyên nhân vừa phân tích, người viết xin tổng hợp một số giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của đội tàu biển Việt Nam trong chương còn lại của Khoá luận.
CHƯƠNG III
NHỮNG GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CỦA ĐỘI TÀU BIỂN VIỆT NAM