III. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG TỒN TẠI DẪN ĐẾN KHẢ NĂNG CẠNH TRANH YẾU CỦA ĐỘ
3. Mô hình quản lý qua các giai đoạn chưa thúc đẩy đội tàu phát triển
3. Mô hình quản lý qua các giai đoạn chưa thúc đẩy đội tàu phát triển. triển.
Mối quan hệ giữa quản lý Nhà nước chuyên ngành và tổ chức sản xuất kinh doanh có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của ngành hàng hải, bao gồm cả các công ty vận tải biển.
Trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, Cục Vận tải đường biển không có điều kiện thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ trong quản lý Nhà nước chuyên ngành cũng như trong tổ chức hoạt động sản xuất. Do vậy, các quy luật kinh tế về hiệu quả sản xuất kinh doanh, tích luỹ vốn …, cũng như việc duy trì luật lệ hàng hải, các quy trình quy phạm đã không được quan tâm đầy đủ. Việc phát triển ngành hàng hải vì thế còn thụ động, chủ yếu trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước lấy từ nguồn viện trợ nước ngoài.
Sau khi đất nước thống nhất, Cục Vận tải đường biển được chuyển thành Tổng cục Đường biển Việt Nam, tiếp tục làm nhiệm vụ của một tổ chức sản xuất kinh doanh chuyên ngành. Cùng với việc quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, Tổng cục còn làm chức năng tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải trong việc
thực hiện quản lý Nhà nước chuyên ngành. Giai đoạn 1975-1980, sự thay đổi này đã góp phần tích cực vào những bước phát triển ngành hàng hải, đội tàu được bổ sung thêm hàng vạn tấn tàu lớn và hiện đại nhờ phương thức vay mua, thuê mua hoặc vay vốn ngân hàng. Nhưng nhìn chung, sự phát triển đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy được hết năng lực của ngành và còn chậm so với tốc độ tăng trưởng ngành hàng hải ở các nước khu vực trong cùng giai đoạn này.
Cũng phải kể đến một nguyên nhân cơ bản là cơ chế kế hoạch hoá tập trung, ảnh hưởng của nó không chỉ đối với ngành hàng hải mà còn đến toàn bộ nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, sự đan xen hai nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành và quản lý sản xuất kinh doanh trong cùng một tổ chức làm cho Tổng cục Đường biển không đủ sức chuyên sâu vào lĩnh vực nào, cũng không có điều kiện tập trung vào các giải pháp phát triển ngành. Trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành, sự không đồng bộ của hành lang pháp lý hàng hải đã làm cho việc các công ty nước ngoài chiếm lĩnh thị trường trong nước, sự bung ra của các đội tàu địa phương … không được kiểm soát, kiềm chế đúng mức. Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Tổng cục hoạt động như một liên hiệp các xí nghiệp và, trong một chừng mực nào đó, như một tổ chức cấp trên trung gian của các tổ chức sản xuất kinh doanh hoạt động độc lập khác.
Để giải quyết những vướng mắc đó, Tổng cục Đường biển đã đổi thành Liên hiệp Hàng hải Việt Nam vào năm 1990. Mục đích chính của việc chuyển đổi này là để Liên hiệp có thể tập trung vào tổ chức sản xuất kinh doanh, phát triển ngành. Nhưng Liên hiệp vẫn phải đảm nhận một số nhiệm vụ quản lý do việc quản lý Nhà nước chuyên ngành ngoài Bộ Giao thông vận tải phụ trách chung không có đơn vị nào chuyên trách đảm nhận. Sự thay đổi đó chưa cải thiện được tình hình vì bản thân Liên hiệp Hàng hải Việt Nam cũng chưa thể vượt qua được những hạn chế của mô hình liên hiệp các xí nghiệp.
Đến năm 1992, Cục Hàng hải Việt Nam được thành lập và năm 1995, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam ra đời. Mô hình quản lý chuyên ngành như vậy đã bắt đầu phù hợp với cơ chế thị trường, tách riêng hai chức năng quản lý Nhà nước và quản lý kinh doanh. Cục Hàng hải với nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành đã và đang khẳng định vai trò của mình, soạn thảo các văn bản để Bộ Giao thông vận tải hoặc Nhà nước phê duyệt hoặc được uỷ quyền phê duyệt. Hệ thống các văn bản pháp quy trong lĩnh vực hàng hải từng bước được hoàn thiện; các hoạt động hàng hải được quản lý, giám sát theo pháp luật. Trong khi đó, Tổng Công ty Hàng hải cũng đã có nhiều cố gắng để dần dần giành lại thị trường, đẩy mạnh tốc độ phát triển của ngành, tránh tụt hậu ngày càng xa về cơ sở vật chất kỹ thuật của đội tàu biển.
Việc tách biệt chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành và chức năng tổ chức hoạt động kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng và đã được chứng minh bởi những kết quả đáng khích lệ của đội tàu biển thời gian qua. Tuy vậy, trong việc tổ chức, quản lý của ngành vẫn không tránh khỏi những tồn tại. Cục Hàng hải vẫn trực tiếp quản lý một vài doanh nghiệp; mối quan hệ giữa Cục với các ngành khác và với các địa phương chưa chặt chẽ; thẩm quyền của Cục còn hạn chế. Các cơ chế, chính sách giúp Tổng Công ty tận dụng nội lực để phát triển ngành còn chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ. Những hạn chế này đang làm giảm hiệu lực của mô hình quản lý mới.