Biện pháp về tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho đội tàu biển

Một phần của tài liệu Đội tàu biển việt nam và những giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh (Trang 74 - 77)

II. CÁC GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CỦA ĐỘI TÀU BIỂN VIỆT NAM.

1.Biện pháp về tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho đội tàu biển

biển.

Cơ sở vật chất kỹ thuật là yếu tố rất quan trọng. Tàu có được trang bị hiện đại thì mới có thể bảo quản tốt hàng hoá trong quá trình vận chuyển, mới chống chọi được những thử thách khắc nghiệt của tự nhiên trong quá trình hành hải trên biển, mới hạn chế được những sự cố kỹ thuật để tàu cập cảng đến đúng hạn. Nếu đội tàu biển không được đầu tư đúng mức để nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật thì năng lực cạnh tranh sẽ không thể cải thiện được.

Trong thời gian tới, đội tàu viễn dương, nhất là tàu chở container, tàu chở dầu và tàu chở hàng khô cỡ lớn cần được ưu tiên phát triển nhằm tăng nhanh đội thương thuyền cả nước. Cùng với đó, trước mắt cũng nên kết hợp phát triển đội tàu viễn dương bằng các hình thức thuê định hạn, thuê tàu trần, thuê chuyến dài hạn để đội tàu mà chúng ta sở hữu hoặc quản lý khai thác sẽ nhanh chóng trở nên hùng hậu, chiếm thị phần lớn trên thị trường chuyên chở hàng hoá xuất nhập khẩu của đất nước. Đội tàu viễn dương cũng có thể đảm đương thêm việc chở thuê cho chủ hàng nước ngoài để tăng hiệu suất sử dụng tàu, nâng cao hiệu quả kinh doanh và từng bước gia nhập thị trường thế giới.

Việc đầu tư phát triển đội tàu nên theo hướng trẻ hoá và hiện đại hoá. Như các phần trước đã phân tích, độ tuổi bình quân của đội tàu Việt Nam nói chung và của từng nhóm tàu chuyên dụng còn khá cao. Tuổi tàu cao thường đi đôi với công nghệ lạc hậu, tính năng kỹ thuật kém, loại tàu chưa phù hợp với điều kiện khai thác … nên không thể chạy những tuyến xa hoặc trung bình. Các tàu này thường chỉ chạy những tuyến hành hải gần trong điều kiện thời tiết thuận lợi hoặc chạy ven biển. Để cải thiện tình trạng này, đội tàu cần được đầu tư trẻ hoá, bổ sung những con tàu mới hơn, đặc tính kỹ thuật hiện đại hơn, kết cấu hợp lý và phù hợp với từng loại hàng chuyên chở, có khả năng hành hải trên những tuyến xa, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Người thuê tàu ngày càng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn khi lựa chọn tàu để đảm bảo an toàn cho hàng hoá của họ cũng như an toàn chung cho môi trường, cho con người. Hiện nay, đa số các chủ hàng lớn trên thế giới yêu cầu được thuê tàu dưới 20 tuổi và bắt chủ tàu phải chịu chi phí tàu già cho những con tàu trên 15 tuổi. Ngoài ra, các chủ tàu phải xuất trình giấy chứng nhận tuân thủ (DOC) đối với doanh nghiệp và chứng chỉ quản lý an toàn (SMC) đối với tàu theo quy định của Bộ luật quản lý an toàn quốc tế.

Bên cạnh việc trẻ hoá, đội tàu cũng cần được phát triển theo hướng chuyên môn hoá. Đội tàu Việt Nam còn thiếu những con tàu chuyên dụng với công nghệ đóng tàu tiên tiến, hiện đại như tàu chở dầu 2 vỏ, tàu chở gas hoá lỏng, hoá chất, tàu chở hàng rời … Thực tế khai thác cho thấy những con tàu chuyên dụng có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao với hệ số sử dụng khả năng chuyên chở lớn và có thể giải phóng tàu nhanh do những công đoạn khai thác đã được chuyên môn hoá cao. Vì vậy, trên cơ sở khả năng thực tế về tài chính, năng lực quản lý, thị trường hoạt động, trình độ sỹ quan, thuyền viên, ngành Hàng hải cần phát triển đội tàu chuyên dụng phù hợp với cơ cấu hàng hoá và theo xu thế chuyên dụng hoá của đội tàu thế giới. Chỉ bằng cách đó, đội tàu biển Việt Nam mới đủ khả năng tham gia cạnh tranh tại thị trường vận tải thế giới và khu vực.

Một vấn đề đặt ra là làm thế nào để trẻ hoá và chuyên môn hoá đội tàu trong khi khả năng tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, nguồn vốn để tái đầu tư mua sắm tài sản cố định rất nhỏ bé. Chỉ một số ít doanh nghiệp Việt Nam có thể vay vốn ngân hàng để đầu tư mua tàu mới. Phần lớn các doanh nghiệp không có được những dự án khả thi để vay vốn mua tàu. Đó là do nguồn vốn tự có của họ không đáng kể nên khi đã vay thì gần như phải vay toàn bộ, thời gian trả nợ kéo dài. Trong các trường hợp như thế, các ngân hàng thường không nhiệt tình cho vay. Có một số ngân hàng vẫn giải quyết cho doanh nghiệp vay nhưng với điều kiện lãi suất cho vay cao, trong khi lợi suất kinh

doanh của các công ty khai thác tàu không lớn nên phải mất rất nhiều năm họ mới có thể hoàn trả vốn vay. Vậy là chẳng mấy công ty chủ tàu dám vay ngân hàng để đầu tư.

Khả năng tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam quá yếu kém và tự họ khó có thể khắc phục được vấn đề này trong ngày một ngày hai. Nhà nước có thể tạo ra những "cú hích" bằng các chính sách hỗ trợ đầu tư để các công ty này có thêm điều kiện phát triển đội tàu. Cụ thể, Nhà nước cần có chính sách bảo lãnh cho các công ty vận tải biển vay vốn của các ngân hàng trong và ngoài nước để mua tàu với lãi suất ưu đãi. Nhà nước ưu tiên dành một phần vốn vay Chính phủ cho đội tàu nòng cốt vay để đầu tư tàu mới.

Chính phủ cũng cần nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp đóng tàu trong nước để họ có thể tạo ra các sản phẩm chất lượng cao với mức giá hợp lý. Khi đó, các công ty tàu biển Việt Nam sẽ có thêm điều kiện để mua phương tiện vận tải mới, trẻ hoá và hiện đại hoá đội tàu, đặc biệt là những con tàu cỡ nhỏ và trung bình phục vụ vận tải nội địa hoặc vận tải các tuyến viễn dương gần. Những con tàu mà trong nước đã đóng được thì chúng ta không nên tiêu tốn ngoại tệ để nhập khẩu. Sự kiện hạ thuỷ tàu Mặt Trời với trọng tải 11.500 DWT hồi cuối tháng 10/2002 đã chứng tỏ ngành đóng tàu Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp cho đội tàu quốc gia những con tàu tương đối hiện đại với giá chỉ bằng 2/3 giá đặt đóng mới ở nước ngoài.

Tuy nhiên, các công ty tàu biển cũng không nên chỉ trông chờ hoàn toàn vào sự trợ giúp của nhà nước. Họ nên tìm ra các biện pháp huy động vốn thích hợp với thực tế của công ty mình. Một giải pháp huy động vốn sẽ trở nên phổ biến là cổ phần hoá và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là một kênh dẫn vốn đặc biệt và có nhiều ưu điểm. Nếu tận dụng được nguồn vốn này, các công ty vận tải biển có thể không ngừng mở rộng vì nguồn vốn huy động được qua thị trường chứng khoán là vô hạn, chỉ phụ thuộc vào khả năng của mỗi doanh nghiệp.

Cùng với việc bổ sung những con tàu mới với cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, các biện pháp kiên quyết chấn chỉnh những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, những doanh nghiệp đang quản lý những con tàu quá cũ đã hết khấu hao từ lâu cũng cần được thực hiện để trẻ hoá và hiện đại hoá đội tàu quốc gia. Những con tàu quá cũ gây mất an toàn cho cho con người, cho hàng hoá cũng như cho môi trường biển. Mặt khác, việc tiếp tục sử dụng tàu cũ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Một số chủ tàu không có cơ hội để phát triển, hiện đại hoá, trẻ hoá đội tàu của mình do những con tàu mới mua về với khấu hao cao hơn sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh về giá từ những con tàu cũ. Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam cần phải quản lý chặt chẽ hơn nữa, kiên quyết từ chối cấp phép hoạt động cho những con tàu quá cũ, không còn khả năng đi biển an toàn cũng như những con tàu không được trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn. Đồng thời, thủ tục giải bản những con tàu quá cũ cũng cần được đơn giản hoá để khuyến khích các chủ tàu phá dỡ những con tàu quá ọp ẹp, khai thác không đem lại hiệu quả kinh tế.

Làm được như vậy, chúng ta sẽ có một đội tàu trẻ hơn, trang thiết bị hiện đại hơn và cơ cấu hợp lý, phù hợp với chuyên chở từng loại mặt hàng. Khi đó các chủ hàng sẽ dần dần tìm đến thuê tàu Việt Nam nhiều hơn.

Một phần của tài liệu Đội tàu biển việt nam và những giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh (Trang 74 - 77)